|
Cán bộ phường trao đổi về những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở |
Trong tháng 8 năm 2008, đoàn khảo sát của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng đã tiến hành khảo sát tại tỉnh Đồng Nai, đoàn cũng đã làm việc với đại diện Cấp ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN ba cấp và nhân dân để lắng nghe và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn cũng như lý luận nhằm hoàn chỉnh đề án.
Nội dung đề án gồm những vấn đề chính: Tiêu chuẩn ứng cử Chủ tịch UBND xã; nguồn giới thiệu ứng cử và nguồn tự ứng cử; Quy trình lựa chọn giới thiệu và trình tự bầu cử; trình tự tiến hành bầu trực tiếp; giải quyết trường hợp khuyết Chủ tịch UBND xã trong nhiệm kỳ (do bị miễn nhiệm, bãi nhiệm); thời gian bầu trực tiếp; nhiệm vụ, quyền hạn và vị trí pháp lý của Chủ tịch UBND xã; mục đích và yêu cầu của việc không có tổ chức HĐND huyện, quận, phường; nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND cấp trên, UBND và Chủ tịch UBND trong trường hợp không có tổ chức HĐND. Tại Đồng Nai, đoàn đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp giúp gợi mở cho bộ phận soạn thảo những vấn đề cần nghiên cứu để hoàn thiện Đề án một cách hoàn thiện nhất. Vấn đề lớn cần được giải quyết tại Đề án là quy trình lựa chọn cán bộ sẽ có sự thay đổi do không tổ chức bầu cử thông qua HĐND, như vây thì quy trình nên như thế nào, bắt đầu từ đâu và cách thức giới thiệu người ứng cử, hiệp thương cần thực hiện như thế nào cho phù hợp.
Điểm tiến bộ của hình thức bầu trực tiếp này là trao quyền trực tiếp cho người dân do đó trách nhiệm đối với lá phiếu của công dân sẽ cao hơn, kết quả bầu sẽ sát với nguyện vọng của số đông người dân hơn, người được bầu làm chủ tịch UBND xã sẽ đảm bảo chất lượng hoạt động ở cương vị được giao cao hơn. Điều này được các đại biểu lý giải bằng sự so sánh: Lá phiếu của vài ngàn người sẽ khách quan hơn vài chục người là đại biểu HĐND xã.
Về cơ bản, việc tổ chức nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã sẽ tiếp thu, vận dụng có chọn lọc những quy định về bầu cử đại biểu HĐND các cấp và bầu Trưởng ấp theo quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện thêm cho phù hợp sẽ được nghiên cứu trên tinh thần dự liệu mọi khả năng, tình huống có thể xảy ra để Đề án được triển khai thực hiện một cách tốt nhất.
Tuy nhiên có những vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cần được giải quyết một cách thấu đáo trong Đề án. Đó là việc khắc phục tình trạng người dân bầu cử theo cảm tính và theo số đông như đã từng xảy ra trong việc bầu Trưởng ấp. Mặc dù mức độ quan tâm của người dân đối với lá phiếu bầu Trưởng ấp không cao như khi cầm lá phiếu bầu Chủ tịch UBND nhưng đây vẫn là một vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh đó thì các chức danh: Phó chủ tịch UBND, các thành viên UBND sẽ do cơ quan nào bầu hoặc bổ nhiệm. Thời điểm tổ chức bầu trực tiếp là vấn đề cần cân nhắc vì nếu bầu cùng với việc bầu HĐND sẽ có khả năng dẫn đến phân tán tư tưởng của người dân bởi lẽ có quá nhiều nội dung bầu cử trong cùng một thời điểm nhưng nếu tách riêng cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng như vậy sẽ phải chi thêm một khoản kinh phí từ ngân sách. Có một số ý kiến cho rằng nên bầu cử sau, về quy mô, không cần tổ chức lớn như bầu cử HĐND. Về tỷ lệ phiếu bầu cho người trúng cử được dự đoán khả năng sẽ không cao như bầu đại diện và tính chất cục bộ trong nhân dân có thể sẽ xảy ra. Về thực hiện nhiệm vụ được giao của Chủ tịch UBND sau khi được bầu, có một số ý kiến băn khoăn: Có hay không khả năng Chủ tịch UBND sẽ ngán ngại trong thực thi nhiệm vụ vì lo ngại khả năng mất lòng dân và bị nhân dân miễn nhiệm? Có ý kiến rất xác đáng cho rằng, chế độ chính sách đối với người được bầu vào làm Chủ tịch UBND xã cần phải được nghiên cứu để thu hút tốt, chọn được người giỏi công tác tại xã, chính sách cán bộ phải đi kèm với tiêu chuẩn lựa chọn mới trọn vẹn được Đề án. Đối với nội dung thí điểm không có tổ chức HĐND huyện, quận, phường cũng cần phải xác định được một cách khách quan, khoa học: Trong số những nhiệm vụ của HĐND đó, nhiệm vụ nào sẽ được chuyển giao cho UBND cấp trên và nhiệm vụ nào được chuyển cho Chủ tịch UBND cấp trên.
Theo dự kiến, nếu kịp thời gian thì Đề án sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 tổ chức vào cuối năm 2008. Phạm vi thí điểm bao gồm 4 thành phố trực thuộc Trung ương và 6 tỉnh không có tổ chức HĐND huyện, quận, phường và 500 xã thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND. Vấn đề hoàn thiện Đề án, chọn lựa các địa phương tổ chức thí điểm cũng là cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài nhiệm kỳ HĐND ở một số địa phương sau thời điểm kết thúc nhiệm kỳ HĐND các cấp 2004- 2009 tiến tới việc xem xét sửa đổi Luật tổ chức HĐND&UBND và sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp.
Đề án thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã và không có tổ chức HĐND huyện, quận, phường là một việc làm cần thiết để tìm ra phương thức phù hợp nhất trong việc xây dựng Chính quyền cơ sở và phù hợp trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, mục đích hướng đến là hoàn thiện và xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh.
Nguyễn Thị Oanh