Các sở, ngành đã trả lời và hứa triển khai các biện pháp khắc phục, đồng thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trước kỳ họp HĐND tỉnh định kỳ cuối năm 2010.
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp để giám sát kết quả
thực
hiện lời hứa của các sở, ngành
Sau kỳ họp thứ 19, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều cuộc giám sát việc triển khai thực hiện lời hứa của các sở, ngành. Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy cả 12 sở, ngành đều tích cực triển khai các hoạt động nhằm xử lý, giải quyết các vấn đề, bước đầu đem lại hiệu quả, chuyển biến tích cực trên nhiều mặt đời sống xã hội. Một số nội dung đã được giải quyết dứt điểm và trả lời thỏa đáng như báo cáo tập hợp đã nêu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung cần phải được tiếp tục xem xét, giải quyết, cụ thể như sau:
Lĩnh vực môi trường, kết quả thực hiện lời hứa rõ nhất là hiệu quả xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường của công ty Đồng Xanh thành phố Biên Hòa, Suối Nước Trong huyện Long Thành, Công ty Kim Phong huyện Nhơn Trạch và môi trường nuôi cá bè tại phường Tân Mai và Thống Nhất thành phố Biên Hòa. Qua thực hiện giám sát của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh cho thấy, ngay sau kỳ họp thứ 19, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, các cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp thanh kiểm tra, quan trắc theo dõi tình trạng ô nhiễm; Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và mời đại biểu HĐND tỉnh trên địa bàn, người dân địa phương khu vực bị ô nhiễm cùng tham gia để tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của đơn vị mà đại biểu đã chất vấn. Chính những nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt như vậy nên đã khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở này, vì thế trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 21, Thường trực HĐND tỉnh không thấy đại biểu và cử tri phản ánh lại vấn đề này.
Tuy nhiên, Thường trực HĐND nhận thấy môi trường là một lĩnh vực rộng, không những cần chú trọng công tác thanh kiểm tra và quan trắc theo dõi diễn biến môi trường mà còn liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng...cần có sự phối hợp giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền và bổ sung kiến thức, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để mọi người dân biết thực hiện là một trong những yêu cầu rất quan trọng. Công tác này thời gian qua Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy chưa được quan tâm đúng mức, có nơi có lúc còn bị xem nhẹ, vì vậy trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đề nghị UBND tỉnh tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường, cần nghiên cứu để đưa công tác này vào học đường có hiệu quả, để các em ý thức về vai trò và tầm quan trọng của công việc bảo vệ môi trường, qua đó làm nhân tố tác động ý thức bảo vệ môi trường đến mọi công dân.
Về nội dung liên quan đến việc cung cấp điện cho nhân dân, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy, từ sau kỳ họp thứ 19 Công ty Điện lực Đồng Nai đã tập trung rà soát, chấn chỉnh khắc phục các trường hợp cắt điện không báo trước, đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp lưới điện nhằm tăng khả năng cung cấp điện và giảm sự cố lưới điện. Chính vì những nỗ lực đó, tình hình cắt điện không báo trước đã được khắc phục một bước, kể cả điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc trả lời của Công ty điện lực đối với trường hợp khu 3 ấp Tân Việt xã Bàu Hàm huyện Thống Nhất không có điện là do Điện lực khu vực huyện Thống Nhất “sợ mất cắp nên tháo biến áp cất vào kho” là không thể chấp nhận được. Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Công ty Điện lực Đồng Nai nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Điện lực khu vực huyện Thống Nhất và chấn chỉnh lại tinh thần thái độ thực thi nhiệm vụ của cán bộ nhân viên toàn ngành điện, không để xảy ra các sự cố tương tự, đảm bảo sự nghiêm túc trong công việc và tôn trọng khách hàng. Đồng thời, nghiên cứu hạn chế tối đa tình trạng cắt điện không báo trước và tính toán lại về thời điểm cắt điện để vừa cân đối nguồn điện, bảo vệ nguồn điện nhưng vừa đảm bảo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, học tập cho nhân dân.
Kết quả huy động nguồn kinh phí thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008-2012 đã cho thấy, với nỗ lực của Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản kiến nghị trung ương cho tỉnh Đồng Nai được phân bổ vốn thực hiện chương trình này từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đồng thời vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ hơn với UBND các huyện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm việc sử dụng nguồn vốn chương trình kiên cố hóa trường lớp được đúng mục đích, đúng đối tượng.
Về kết quả tăng cường công tác quản lý nhà nước về mô hình liên kết đào tạo, sau kỳ họp thứ 19 Giám đốc Sở Giáo dục& Đào tạo đã có văn bản đề nghị phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra hoạt động giảng dạy, đồng thời rà soát để nắm lại tình hình cấp phép giảng dạy, liên kết đào tạo. Trên cơ sở đó, Sở đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra và báo cáo về Sở Giáo dục&Đào tạo. Sau khi nắm được tình hình, Sở Giáo dục&Đào tạo sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra trong thời gian từ trung tuần tháng 12/2010 và tháng 01/2011. Như vậy, đến nay, Sở GD&ĐT cũng chỉ mới dừng lại ở việc chỉ đạo rà soát, thống kê tình hình liên kết đào tạo, mà chưa có biện pháp cụ thể nào để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đề nghị Sở Giáo dục& Đào tạo khẩn trương rà soát đánh giá tình hình liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh và tham mưu thành lập đoàn kiểm tra theo đúng kế hoạch đã đề ra. Quá trình kiểm tra chú trọng đánh giá chất lượng đào tạo và các nội dung hoạt động của các cơ sở liên kết đào tạo đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, tổng hợp kết quả báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trong tháng 02/2011.
Về kết quả thực hiện lời hứa của Sở KH&ĐT về việc đẩy nhanh tiến độ dự án Khu liên hợp Công nông nghiệp Dofico tại phân khu xã lộ 25 huyện Thống Nhất, nhìn chung, lời hứa đã được Sở KH&ĐT tích cực chỉ đạo thực hiện, vì vậy đến nay dự án đã được thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, dự án này còn vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến khiếu nại của một số hộ dân trong khu vực dự án, do đó chưa có mặt bằng để thể triển khai xây dựng hạ tầng toàn khu và chưa đủ cơ sở để giải quyết cho nhà đầu tư thuê đất. Vì vậy tiến độ dự án phụ thuộc vào tiến độ xử lý khiếu nại tố cáo của công dân. Trách nhiệm hiện nay thuộc về UBND huyện Thống Nhất trong việc giải quyết khiếu nại của người để giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Về việc thực hiện quy hoạch vùng khuyến khích phát triển nông thôn, trước và sau kỳ họp thứ 19, Sở NN&PTPT đã nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình kỹ thuật để hướng dẫn người nông dân tiếp cận công nghệ mới tiết kiệm, hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay Sở NN&PTNT đã xây dựng chính sách hỗ trợ gửi UBND tỉnh để chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát, đối chiếu trình UBND tỉnh ban hành. Đề nghị UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ để thực hiện quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi có hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra.
Vấn đề bình ổn giá thị trường, bình ổn giá thức ăn chăn nuôi: Sau kỳ họp thứ 19, Sở Công Thương đã triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống của nhân dân, nhất là bộ phận người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đối với lời hứa định hướng cho doanh nghiệp tăng cường dự trữ nguyên liệu, hợp đồng liên kết với nông dân, ký hợp đồng mua bán với hộ chăn nuôi, giảm chi phí bao bì, vận chuyển… là một vấn đề ở tầm vĩ mô, ngành Công thương không thể tự mình thực hiện được. Đề nghị Sở Công Thương cần chủ động tích cực hơn nữa, đóng vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cho từng nội dung cụ thể. Đồng thời, tích cực triển khai chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu dịp Tết nguyên đán 2011, kiểm tra kiểm soát thị trường có hiệu quả, giám sát việc cung cấp hàng hóa của các doanh nghiệp theo đúng cam kết khi tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân: Sở Y tế đã chú trọng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình điểm về bếp ăn tập thể, tăng cường thanh kiểm tra để xử phạt, thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý như trên mới chỉ đạt hiệu quả đối với các bếp ăn tập thể và các cơ sở có đăng ký, chưa thể hiện được hiệu quả quản lý đối với thức ăn đường phố. Vấn đề này hiện nay đang còn nhiều bất cập cần được quan tâm hơn trong thời gian tới. Đề nghị Sở Y tế chủ động nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp, giải pháp để quản lý có hiệu quả đối với thức ăn đường phố để không ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Kim Chung