XUÂN LỘC: Khảo sát công tác quản lý, khai thác tài nguyên, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện
Qua công tác khảo sát cho thấy việc quản lý, khai thác tài nguyên, công tác bảo vệ môi trường là một vấn đề được quan tâm chú trọng hiện nay của các cấp chính quyền, của nhân dân trong huyện bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan trong quản lý, bước đầu đã chấn chỉnh được hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác đất, đá, nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn được đông đảo cử tri đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên công tác quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm và chấn chỉnh kịp thời như: công tác bảo vệ tài nguyên nước tại hồ Núi Le, hồ Gia Ui, nguồn nước Sông Ui…;việc khai thác sử dụng nước ngầm chưa phù hợp với quy định tại một số cơ sở; tình hình khai thác, vận chuyển tiêu thụ đất, đá, cát bất hợp pháp trên vẫn còn diễn ra với mức độ khá phức tạp, đặc biệt có nơi xảy ra khá nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến chiến lược phòng thủ của địa bàn, xâm hại nguồn tài nguyên không thể tái tạo, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội… Vấn đề này phải được chính quyền từ cấp xã, cấp huyện tăng cường quản lý và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
Bùi Văn Chiến
THỐNG NHẤT: Đại biểu HĐND huyện tiếp xúc cử tri Hội nông dân các cấp.
Qua buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị rất nhiều vấn đề chủ yếu là đề nghị huyện cần có định hướng phát triển những loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai thổ những của huyện, có năng xuất và giá trị cao để nông dân chuyển đổi cây trồng theo định hướng; tăng cường quản lý hệ thống buôn bán các giống cây trồng, vật tư, phân bón trên địa bàn huyện; hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân được mua các loại giống cây trồng, vật nuôi và vật tư phân bón giá gốc, đảm bảo chất lượng tránh hàng giả; tăng cường mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp và các mô hình sản xuất điển hình hiệu quả cho nông dân; tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, điện, đường cho các hộ dân di dời cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư ra các khu quy hoạch khuyến khích chăn nuôi tập trung của huyện; Đối với hoạt động của các hội nông dân, cử tri đề nghị các cấp hội nông dân nhất là chi hội nông dân ở các ấp cần có nhiều hoạt động thiết thực gắn bó với nông dân hơn. Ngoài những ý kiến trên, cử tri rất bức xúc và đề nghị cần có biện pháp bình ổn tình trạng giá cả vật tư, phân bón đang tăng cao, trong khi đó giá đầu ra các mặt hàng nông sản không ổn định gây khó khăn cho sản xuất của nông dân; đề nghị quan tâm phụ cấp cho cán bộ công tác tại các chi hội nông dân ở các ấp để yên tâm gắn bó hơn với công việc. Kim Đoan
Ban HĐND xã Quang Trung giám sát công tác xóa đói giảm nghèo năm 2007 và quý 1 năm 2008 Qua giám sát cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo được UBND xã quan tâm thực hiện tốt. Việc quản lý danh sách các hộ nghèo được quản lý chặt chẽ. Xã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người nghèo như hỗ trợ vay vốn, xây nhà tình thương, hỗ trợ về y tế, giáo dục, thăm và tăng quà nhân các dịp lễ, tết…Với sự quan tâm của đảng ủy, chính quyền và hỗ trợ của đoàn thể xã năm 2007 có 124/392 hộ đã vươn lên thoát được nghèo. Tuy nhiên trong công tác xóa đói giảm nghèo của xã cũng còn một số hạn chế: công tác xét duyệt hộ nghèo hàng năm chưa theo đúng quy trình, một số trường hợp không đúng đối tượng; hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ chưa cao, nhiều hộ thoát nghèo chưa bền vững còn 27 hộ tái nghèo…Ban HĐND xã đã có kiến nghị UBND xã một số biện pháp khắc phục hạn chế trên. Kim Đoan
LONG THÀNH: Ban KTXH huyện giám sát tình hình thực hiện chương trình XĐGN trên địa bàn xã Tam An
Kế quả giám sát cho thấy, đến cuối năm 2007 chỉ còn 26 hộ nghèo theo chuẩn mực mới chiếm tỷ lệ 3,67%. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Tam An tỷ lệ trẻ mù chữ ở hộ nghèo vẫn còn; điện thắp sáng chỉ có 1 vài hộ có hạ thế, đa phần các hộ sử dụng bình ắc quy vì do xa đường điện. Việc làm và thu nhập của các hộ tại ấp 6 không ổn định do đất sản xuất không hiệu quả, trình độ dân trí thấp, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê và đánh bắt cá chỉ đủ giải quyết nhu cầu thiết yếu trong ngày…UBND xã chưa thống kê được nhu cầu học tập, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ... Qua đó, Ban KTXH đề nghị UBND xã Tam An điều tra, rà soát lại tình trạng trẻ mù chữ, trẻ bỏ học để có kiến nghị Phòng giáo dục huyện thành lập điểm dạy học cho các cháu ở ấp 6. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực ấp 6 nhằm tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo bền vững; và có giải pháp thực hiện chương trình XĐGN của địa phương theo lộ trình từ nay đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên Ban giảm nghèo của xã, vận động các hộ nghèo vào tổ chức các đoàn thể để được hướng dẫn và tạo điều kiện của các tổ chức này thông qua các mô hình giúp nhau làm kinh tế gia đình, tương thân, tương trợ... Kim Ngọc
LONG KHÁNH: Thường trực HĐND xã Xuân Lập khảo sát tình hình chuyển đổi xe thô sơ tham gia giao thông trên địa bàn xã.
Qua khảo sát, kết quả cho thấy, trên toàn địa bàn xã hiện có 30 hộ sử dụng xe công nông, xe máy xới, với tổng số 34 đầu xe, trong đó có 14 xe công nông và 20 xe máy xới. Trong 30 hộ sử dụng xe công nông, xe máy xới có 01 hộ thuộc diện nghèo, 02 hộ cận nghèo, 15 hộ có mức sống trung bình, 12 hộ khá. Tại ấp Trung Tâm có 21 xe, ấp Phú Mỹ có 13 xe, hiện có 26 xe đang tham gia hoạt động chở thuê, có 08 sử dụng phục vụ gia đình. Hiện tất cả các xe đang chờ chuyển đổi sang ngành nghề khác, cụ thể chuyển đổi sang chăn nuôi là 05 hộ với nhu cầu số vốn là 230 triệu đồng, 25 hộ mua xe tải nhẹ với nhu cầu số vốn là 2,4 tỷ đồng. Từ tình hình thực tế nêu trên, Đoàn khảo sát đã đề nghị UBND xã cần kiểm tra, rà soát thật kỹ danh sách các hộ sử dụng xe công nông, xe máy xới trên địa bàn và hướng dẫn họ chuyển đổi sang ngành nghề khác, đặc biệt có hướng hỗ trợ đối với 03 hộ nghèo và cận nghèo; UBND xã có kế hoạch và giải pháp thiết thực, cụ thể đối với từng đối tượng, tạo điều kiện để họ được vay vốn để thay đổi xe hoặc chuyển đổi ngành nghề khác giúp họ thực hiện tốt việc chấp hành chuyển đổi xe để ổn định cuộc sống sau khi thực hiện chuyển đổi. Ngô Xuân Trác