Nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khảo sát dự án xây dựng trung tâm văn hóa-lịch sử- sinh thái chiến khu Đ.
Ngày 18 - 3, tại ngã ba Bà Hào (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc khảo sát và cho ý kiến về dự án xây dựng Trung tâm văn hóa-lịch sử-sinh thái Chiến khu Đ.
Dự án Trung tâm văn hóa- lịch sử- sinh thái Chiến khu Đ được xây dựng nhằm giáo dục truyền thống gắn với du lịch sinh thái. Dự kiến trung tâm này sẽ có diện tích 15,7 hecta với các công trình chính như: Khu tượng đài trung tâm, sân lễ, khu di tích của 9 tỉnh, thành miền Đông, nhà bảo vệ, nhà khách, khu vực đậu xe... Phía trước khu trung tâm là hồ Bà Hào với cảnh quan thơ mộng, phù hợp cho việc tổ chức các tour du lịch nghỉ dưỡng. Theo đơn vị tư vấn (Công ty thiết kế kiến trúc P.A), việc xây dựng công trình sẽ tuân thủ theo nguyên tắc: giữ rừng và tránh bê tông hóa. Giai đoạn I của công trình dự kiến sẽ được hoàn thành trong 2 năm và khi đi vào sử dụng đây sẽ là điểm nhấn quan trọng của tuyến du lịch văn hoá- lịch sử- sinh thái Chiến khu Đ. Từ trung tâm này, đi khoảng 20 km đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Theo dự kiến, công trình sẽ khởi công xây dựng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Chiến khu Đ (trong năm 2006).
Tại buổi khảo sát, đồng chí Võ Văn Kiệt đánh giá cao chủ trương của Đồng Nai khi cho phép khôi phục và tôn tạo các khu di tích trong Chiến khu Đ. Đây là một biện pháp hữu hiệu để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về một "Miền Đông gian lao mà anh dũng". Tuy nhiên, nguyên Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý tỉnh phải tính toán kỹ lưỡng trước khi tiến hành khởi công công trình này. Phải tính đến hiệu quả kinh tế mà công trình mang lại khi đi vào hoạt động để tránh đầu tư lãng phí. Đồng Nai nên mơi các đơn vị, các nhà khoa học có kinh nghiệm về tư vấn để khu trung tâm vừa có được nét đặc sắc của riêng mình, vừa thu hút được khách tham quan.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Thị Kim Nguyên tiếp và làm việc với đại diện Hiệp hội kinh doanh thuộc cộng đồng Châu Âu
Chiều ngày 13-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Thị Kim Nguyên đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Hiep hội kinh doanh thuộc cộng đồng Châu Âu (Eurocham) và Hiệp hội các nhà DN Mỹ (Amcham) tại TPHCM để chuẩn bị cho chương trình xúc tiến đầu tư- thương mại- du lịch của Đồng Nai tại Châu Âu vào quý III năm nay.
Hiện có khoảng 600 doanh nghiệp Châu Âu đầu tư vào Việt Nam chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp đã phối hợp để hình thành cộng đồng các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam. Hiệp hội kinh doanh thuộc cộng đồng Châu Âu mới thành lập, nên tổ chức còn chưa chặt chẽ. Năm 2005 mới có thêm khoảng 15 thành viên. Nếu nhìn tổng thể thì tiềm năng đầu tư của cộng đồng Châu Âu đầu tư tại Việt Nam rất lớn. Thế nhưng, trên thực tế, cộng đồng Châu Âu biết đến Đồng Nai chưa nhiều, vì vậy tỉnh cần thiết phải có sự quảng bá mạnh mẽ hơn nữa. Về chương trình xúc tiến tại Châu Âu, đại diện Eurocham -ông Alain đề nghị tỉnh có thể tổ chức vào trung tuần tháng 7 hoặc trung tuần tháng 9 tới, vì đây là thời điểm dễ tập trung đầy đủ các doanh nghiệp. Ông đề nghị chương trình của đoàn nên bố trí đến Anh, Pháp, Đức là những quốc gia công nghiệp phát triển. Theo gợi ý của ông Alain, Đồng Nai nên tổ chức các cuộc hội thảo tại các thành phố là những trung tâm công nghiệp lớn của Châu Âu như Liverpool (Anh), Nobecdi (Ý). Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu đã từng giới thiệu các đoàn xúc tiến đầu tư của Hà Nội và TP.HCM đến Châu Âu và họ có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Về nội dung, mục tiêu chính yếu của đoàn phải được xác định rõ, từ đó hoạch định chương trình cho phù hợp.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Thị Kim Nguyên, Đồng Nai muốn quảng bá hình hình ảnh của mình đến các doanh nghiệp Châu Âu càng nhiều càng tốt, trong vòng thời gian từ 10-12 ngày.
Ban Văn hóa xã hội giám sát hoạt động của các thiết chế văn hóa
Ngày 9/3/2006 Ban VHXH HĐND tỉnh tổ chức đoàn giám sát việc tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện Long Thành
Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 6 trung tâm văn hóa-thể thao (TTVHTT) xã và 01 nhà văn hóa dân tộc Châu Ro tại xã Phước Bình. Các TTVHTT thường xuyên mở cửa phục vụ nhân dân tham gia vui chơi giải trí, có câu lạc bộ bóng chuyền, cầu lông, văn nghệ và nhiều nơi còn phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các buổi học tập, sinh hoạt…đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Tuy nhiên, hoạt động này cũng gặp không ít khó khăn do thiếu cán bộ chuyên trách, kinh phí hoạt động hàng năm chưa kịp thời, nguồn xã hội hóa chưa thực hiện được, trang thiết bị còn thiếu thốn… Đoàn đã có một số kiến nghị giúp cho hoạt động của các thiết chế văn hóa được tốt hơn.
Được biết trong năm 2006, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 4 trung tâm văn hóa-thể thao trên địa bàn.
KIM NGỌC-BAN BIÊN TẬP