Vâng lệnh Người, toàn dân nhất tề đứng lên thi gan với lũ giặc. Phong trào “Tiêu thổ kháng chiến” đã được phát động và lan khắp đó đây, từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền núi để bọn giặc tới đâu, không còn gì để vơ vét, cướp bóc.
Giữa lúc ấy, tại Cù Lao Rùa thuộc làng Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nép mình bên dòng sông Đồng Nai hiền hòa, quan năm đón gió hương đồng, cỏ nội, có một anh nông dân mới 26 tuổi đời, sức vóng tráng kiệt, máu từ trong huyết quản sùng sục sôi lên, muốn làm một điều gi đó để thỏa chí nam nhi, đặng đáp lời sông núi mà chưa có cơ hội. Thế rồi thời cơ đã đến, ấy là sáng ngày 24 tháng 12 năm 1946, trời trải nắng vàng, những thửa ruộng sau vụ gặt đang trơ gốc rạ. Nơi nào trồng rau màu thì cũng đã ngát xanh. Và đặc biệt những luống hoa đủ màu đang khoe sắc. Có phải thế chăng mà tên lính pháo binh Pháp đóng ở đồn Tân Ba đã bị cuốn rũ đến hút hồn tại một xứ sở xa lạ đối với chúng, từ đồng xăm xoi đi về hướng những luống hoa đủ màu để tìm thú tiêu khiển.
Được tin cấp báo, anh nông dân cũng vừa nảy nở ra một hình thức đối phó cấp kỳ, độc đáo và hết sức mạo hiểm. Anh vội cầm sợi dây thừng trâu, chiếc nón lá, chạy đón đường tìm nơi quan sát mọi cử chỉ của tên giặc và nhận định lối mòn nhất định chúng phải đi qua.
Thế rồi, sau một lúc hái được bó hoa toan trở về đồn, đến khúc kín đáo, bất thần anh dũng mãnh xông ra, giật mạnh hai chân về phía sau làm đối phương ngã sấp như đốn một cây chuối. Dù hoàn toàn bị thất thế, nhưng trước bản năng sinh tồn, tên Pháp cố giãy để tìm cách đối phó. Nhanh như sóc, anh dùng chân hất khẩu súng ra xa, đồng thời lựa thế choàng sợi dây thừng trói chéo cánh khỉ hai khửu tay tên giặc. Sau một hồi quần nhau, tên lính Pháp buộc phải theo sự điều khiển của anh thanh niên người bản xứ, mà tầm vóc chỉ nhỏ thó hơn mình. Bắt trói xong tên giặc Pháp, thu khẩu súng trường Ăng-Lê cùng 200 viên đạn và dẫn giải về giao cho Huyện đội du kích Tân Uyên. Trên đường đi, dân chúng đổ xô ra xem rất đông, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi mưu trí dũng cảm của anh nông dân quê mình và cổ vũ nhau hăng hái tham gia nhiều việc hữu ích với quê hương.
Sau sự kiện nóng hổi ấy, anh chưa thỏa mãn với việc làm vừa qua của mình mà lại thấy còn duyên nợ với non nước, quê hương trước lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Cụ Hồ. Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, anh đã thuyết phục được gia đình để đi đến một quyết định không mấy dễ dàng, đó là: gửi mẹ già; vợ trẻ đang nuôi con thơ cho cô bác, rồi tự tay phóng hỏa đốt ngôi nhà gỗ từ đường bốn gian mà bao năm cha mẹ tạo dựng, để hưởng ứng phong trào “Tiêu thổ kháng chiến”. Ngay đêm hôm ấy, anh chia tay mẹ già, người vợ yêu thương và đứa con thơ để lên đường đi cứu nước.
Người thanh niên nông dân đầy dũng khí ngày ấy, chính là cố Đại tá-Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Văn Kìa (Trần Công An) kính mến, người con của quê hương Tân Uyên, tinh Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương) yêu dấu.
Nguyễn Quốc Hoàn