Mới đó mà Giải phóng miền Nam đã 30 năm. So với đời người, 30 năm là khá dài vì nó gần 1/2 đời người (có ai đó đã nói 60 năm cuộc đời còn nhân sinh thất thập cổ lai hi mà). Thế nhưng so với cuộc phấn đấu vươn lên của từng con người – và của chính bản thân tôi – thì 30 năm phấn đấu cũng chỉ mới đáp ứng được một phần. Có câu thơ rằng “ Còn sống còn tranh đấu mãi không thôi”, quả đúng là như vậy đấy. Có lẽ các bạn sẽ ngạc nhiên sao tôi lại có thể kết luận như vậy. Nhưng tôi tin rằng khi đọc những dòng hồi ức của tôi các bạn sẽ hiểu ra thôi.
Ngày Giải phóng miền Nam tôi được 23 tuổi, cái tuổi mà theo các nhà văn, nhà thơ, đó là tuổi trẻ, là tuổi bắt đầu của một đời người. Điều may mắn của tôi là, ngày Giải phóng tôi được tiếp cận với những người cách mạng chân chính, một lòng một dạ đi làm cách mạng vì nước vì dân, không một chút tự tư tự lợi. Được nghe kể về những cống hiến của các anh, các chú, tôi hết sức khâm phục và tự hứa với lòng mình là phải sống sao cho xứng đáng với những gì mà các anh, các chú đã hy sinh tuổi trẻ để đem lại cho mình. Cái may mắn nửa của tôi là thời của tôi ai cũng đều hăng hái phấn đấu học và làm việc với mục đích góp phần xây dựng đất nước mình thành một đất nước XHCN giàu đẹp, trong đó mỗi người đều có lý tưởng sống và làm việc vì mọi người, ai làm trái với điều ấy đều được phê bình góp ý ngay. 30 năm giải phóng cũng là 30 năm tôi đi theo Đảng và đã trải qua công tác tại một số cơ quan như UBNDCM phường Hòa Bình, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng tỉnh ủy, Công ty XNK tỉnh và bây giờ là Ban KT-NS HĐND tỉnh. Trong các cơ quan ấy, nơi nào cũng cho tôi nhiều kỹ niệm và nhiều kinh nghiệm sống, mỗi nơi một kiểu. Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ xin kể cho các bạn nghe vài kỷ niệm vui khi tôi công tác tại UBNDCM phường Hòa Bình và Ngân hàng Nhà nước.
Kỷ niệm thứ nhất là kỷ niệm làm công tác vận động quần chúng đóng góp để tổ chức lớp bình dân học vụ và xây dựng phong trào văn nghệ, thể thao. Đó vào khỏang cuối năm 1975, tôi đang nhận nhiệm vụ là Ủy viên giáo dục thanh niên của UBNDCM phường Hòa Bình. Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBNDCM phường, tôi đã cùng với Hội thanh niên đi đến từng nhà dân để vận động. Ai có cái gì thì đóng góp cái đó: tiền, tập vở, phấn, viết.. gì cũng được. Thu nhận đến đâu, vào sổ sách đầy đủ đến đó và công khai cho dân. Khi UBNDCM phường tổ chức khai giảng lớp học, tổ chức công diễn văn nghệ và tổ chức thi đấu bóng đá thì nhân dân tin tưởng lắm và lại tiếp tục đóng góp cho phường nhiều thứ có giá trị lớn hơn như trống, đàn điện, âm ly, màn nhung…. Phải nói là phong trào văn thể phường tôi làm xôm tụ lắm. Sau này, khi tôi trở lại công tác ngân hàng, tôi đã bàn giao lại phường một số tiền mặt và tài sản kha khá. Qua việc này, tôi đã có bài học đầu tiên khi tham gia cách mạng là “nói phải đi đôi với làm”, có như vậy thì dân mới tin tưởng và đồng hành với mình trong việc xây dựng và duy trì các phong trào hành động cách mạng.
Kỷ niệm thứ hai là kỷ niệm thời tôi công tác tại Ngân hàng nhà nước, nơi tôi có thời gian công tác dài nhất (13 năm) – được tổ chức cho đi học nhiều nhất – trải qua nhiều cương vị công tác nhất và tôi cũng hàm ơn nơi này nhiều nhất vì nó giúp cho một người trẻ tuổi, sôi nổi như tôi trở thành chững chạc, trưởng thành hơn giống như lời một bài hát về ngân hàng “ Tôi đi theo Đảng, qua bao năm chiến đấu, Đảng chắp cánh tôi bay, công tác ngân hàng mặt trận tôi đây”. 13 năm công tác ở ngân hàng, tôi có rất nhiều kỷ niệm nào là những kỹ niệm khi đi lao động tự túc, kỷ niệm khi làm nghiệp vụ ngân hàng, kỹ niệm khi đi học tập, kỷ niệm trong hoạt động đoàn thể… Những kỷ niệm ấy thì vui có, buồn có, nhưng nói chung là qua đó, đã giúp tôi rút được nhiều bài học về đối nhân, xử thế, từ đó mà xác lập cho mình một phong cách hành động đúng đắn trong việc tập hợp anh em tham gia vào công tác đoàn thể.
Hồi đó, với tuổi 23 tôi nhiệt tình lắm, sôi nổi lắm và như một lời ca cổ “ cách mạng về chị như chim sổ lồng tung cánh, bay giữa trời cao đẹp ánh sao vàng”. Ừ, tôi đúng là như vậy đó. Những ngày đó tôi hăng say lao vào công việc. Bất kể việc gì. Việc gì Đảng phân công, tổ chức giao phó thì tôi làm, khó mấy cũng ráng làm, làm bất kể ngày giờ - chủ nhật, ban đêm hay lễ tết - hể có công việc là tôi làm, làm mà không hề yêu cầu bồi dưỡng làm thêm giờ và cũng không có chuyện đòi hỏi nghỉ bù đâu nhé. Không chỉ tôi, mà các bạn cùng thời với tôi cũng đều như vậy. Chúng tôi nghĩ đơn giản, đã hành động cách mạng là tự giác cống hiến. Vậy thôi. Sống lý tưởng lắm.
Nói đến đây tôi lại nhớ đến kỷ niệm nhỏ này. Khi tôi chính thức công tác tại Chi nhánh ngân hàng nhà nước thành phố Biên hòa, tôi được lãnh đạo giao nhiệm vụ tập hợp anh em để sinh hoạt văn nghệ cách mạng. Đêm sinh hoạt đầu tiên, tôi còn nhớ là đã tập cho các bạn bài hát Việt Nam quê hương tôi. Để các bạn nắm được giọng của bài hát, tôi phải hát trước cả bài cho các bạn nghe. Thế nhưng sau khi tôi hát xong, Anh Long (Anh là người tham gia cách mạng trước ngày giải phóng và bị tù ở Côn Đảo, làm lái xe cho Chú Minh, Phó ngân hàng) xì dài một tiếng và nói “ca dở ẹt mà cũng ca”. Nghe anh nói tôi thấy cũng phải, bởi tôi biết giọng ca của mình thì cũng hơi rè, tôi chỉ nhiệt tình, chớ ca không hay. Còn Anh Long là người đã sớm tham gia cách mạng, đã chịu nhiều khổ cực trong thời gian bị tù đày, Anh biết nhiều bài ca cách mạng và cũng có giọng hát hay lắm. Anh mà trực tiếp hướng dẫn thì sẽ hay hơn tôi hướng dẫn nhiều lắm. Nghĩ vậy nên tôi nói với anh: “anh nói đúng đó, tôi thấy anh ca hay lắm, hay là anh làm ơn hướng dẫn cho các bạn giùm”. Ai dè, anh ấy nói: “Thôi Nga cứ tập cho các bạn đi” và anh cũng ngồi tập với các bạn. Sau này tôi mới nghe nói lại, anh ấy bảo rằng định nói như vậy để xem thái độ của tôi như thế nào, thấy tôi không giận gì hết mà vẫn bình tỉnh, vui vẻ như thường, anh ngạc nhiên lắm. Từ đó trở đi, khi có phong trào gì, tôi đến vận động anh thì anh đều nhiệt tình tham dự. Các bạn thấy không, làm phong trào thì phải bình tỉnh và thực sự cầu thị, nếu tôi có một chút tự tôn, tự ái, cãi cọ ầm ĩ thì chắc là xôi hỏng bỏng không ngay.
Cũng vụ bình tĩnh khi trình diễn văn nghệ tôi lại nhớ đến một kỷ niệm buồn cười nữa. Số là lần đó tôi dự thi bài “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, tôi ca, còn các bạn múa minh họa. Lúc thi thì mọi chuyện đều tốt lành, ca cũng tạm được mà múa thì rất đẹp nên tiết mục đó được huy chương vàng. Thế nhưng khi công diễn thì có chuyện cười ra nước mắt luôn. Chuyện là như vầy, sau nhiều ngày tập văn nghệ tôi bị viêm thanh quản (cứ hễ chuẩn bị đi thi văn nghệ là lần nào tôi cũng bị như vậy mới kỳ) mà viêm nặng mới chết. Khi thi, thì tôi ráng nên ca cũng chẳng đến nổi nào. Nhưng thanh quản chưa lành lại phải đi công diễn. Mà các bạn biết không, cái bài này hò dài lắm, hò nhiều lần lắm. Mà hò thì phải ngân lên nghe nó mới hay. Hò xong lần thứ nhất là tốt lành, nhưng đến khi hò lần thứ hai thì thanh quản của tôi nó kiếm chuyện gây khó dễ. Biết sao không? Nó ngứa, ngứa ơi là ngứa. Không ho là không xong. Vậy là tôi ráng hò dứt câu rồi nhẹ nhàng đi vào hậu trường, bỏ mặc các bạn múa đang ngơ ngác trên sân khấu (dễ quê chưa). Vừa qua cánh gà là tôi ho, ho quá chừng quá đỗi, ho lớn đến nỗi tôi có cảm giác là khán giả ngồi hàng ghế thứ nhất cũng nghe thấy nữa chứ. Ho xong, nước mắt tôi ràn rụa, tôi chỉ muốn đi về quách cho xong. Nhưng cơ khổ, có một khán giả nhí đến gần tôi và nói:” Cô Nga ơi, con đi lấy nước cho cô uống rồi cô ca tiếp cho con nghe nha. Con thích nghe cô ca lắm”. Trời ơi, tôi đi hát cho vui chớ có bao giờ nghỉ là mình lại được ái mộ vậy đâu nên tôi cảm động hết sức, nhận ly nước của em, tôi uống ngay và lại lững thững ra sân khấu làm tiếp cho xong tiết mục của mình. Trên thực tế dù muốn dù không tôi cũng không thể bỏ dở tiết mục của mình được vì đội múa của chúng tôi lúc đó vẫn còn đứng nguyên trên sân khấu chờ tôi. Bây giờ nhớ lại tình cảnh của mình lúc đó tôi thấy buồn cười hết sức. Sau khi tụi tôi biểu diễn xong, có bạn hỏi tôi:” Sao đang hát Nga rời sân khấu đi đâu vậy”. Tôi nói vui “ Thì hát mệt, múa mệt, cũng phải giải lao tí chứ”. Các bạn thấy không, nếu đội múa mà mất bình tĩnh, rối đội hình thì cực kỳ tai hại, phải không các bạn.
Đã 30 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm này vẫn luôn theo tôi, tôi thường nhớ và suy ngẫm về những việc làm, những ứng xử của mình và tôi lại tiếp tục tìm ra những bài học mới, những bài học tuy nhỏ nhưng phần nào thể hiện cuộc đấu tranh trong cuộc sống của chính tôi. Ta không chỉ đấu tranh với mọi người để làm cho mọi người hưởng ứng và làm theo mình, mà còn phải đấu tranh với chính mình, bỏ dần cái tôi vị kỷ của mình thì mới có thể ngày càng hoàn thiện mình hơn. Và cuộc đấu tranh ấy luôn tiếp diễn vì cuộc sống vốn dĩ là đa dạng, phong phú và vận động không ngừng. “ Còn sống là còn phải tranh đấu không thôi”. Quả đúng là như vậy.
Chỉ một chuyện làm phong trào và cũng chỉ nêu vài kỷ niệm gọi là mà bài viết của tôi cũng đã khá dài rồi, tôi phải tạm ngưng thôi, nói dài quá lại làm cho các bạn chán. Qua bài viết của tôi, mong ước của tôi là làm cho các bạn vui một tí, biết một tí về những việc làm của lớp chúng tôi, những người trưởng thành sau ngày Giải phóng. Chỉ vậy thôi, chớ không dám mong là những bài học kinh nghiệm trong hoạt động của mình sẽ được các bạn kiểm nghiệm, vì mỗi thời đều có đặc thù của nó. Có phải vậy không thưa các bạn.
NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA
Trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh