Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủHoạt động của ĐBQH

Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Đăng ngày: 04/04/2013
Thực hiện Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 ngày 21/01/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 28/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1582/KH-UBND ngày 28/02/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai, vừa qua, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến toàn thể CBCC Văn phòng đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).​

     Tại Hội nghị có 8 lượt CBCC phát biểu với 29 ý kiến góp ý đối với toàn bộ dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Đa số các ý kiến đều nhất trí cao với nội dung của dự thảo. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có một số điểm quy định mới như: Có sự đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch ngành, quy hoạch của các địa phương; Thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất; Tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành; quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất... Nhìn chung, nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật đất đai đã giải quyết được những bất cập, vướng mắc của Luật đất đai năm 2003, nhất là về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung của dự thảo cần được ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể:   

     - Khoản 1 Điều 15 quy định: “Nhà nước quyết định thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội”. Điều này chưa thống nhất với khoản 3 Điều 58 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:  “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Do vậy, đề nghị sửa lại khoản 1 Điều 15 như sau: Nhà nước quyết định thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp thật cần thiết”.   

     - Điều 36 quy định: Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm. Như vậy sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi, dẫn đến sự thay đổi chung của kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, nhưng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh lại là 05 năm. Như vậy sẽ có sự mâu thuẫn.   

     - Khoản 4 Điều 41 quy định: “ Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện... phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân theo quy định của Chính phủ”.  Quy định như trên là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh, còn cấp huyện việc lập kế hoạch sử dụng đất phải thực hiện hàng năm (Điều 36) thì có thực hiện được việc lấy ý kiến nhân dân hàng năm không? Đề nghị xem xét lại để tránh hình thức.   

     - Khoản 4 Điều 43 quy định việc UBND cấp tỉnh, huyện trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tuy nhiên dự thảo chưa quy định khi có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì UBND cấp tỉnh, huyện có trình HĐND cùng cấp hay không? Mặt khác, khi quy hoạch ngành và lĩnh vực có thay đổi thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có được điều chỉnh, thay đổi hay không? Và khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì phải bám sát vào quy hoạch ngành, lĩnh vực hay quy hoạch ngành, lĩnh vực bám sát vào quy hoạch sử dụng đất?   

     - Khoản 2 Điều 47 quy định: “Trường hợp quy hoạch, kế hoạch... mà nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi... nếu người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng thì nhà nước thu hồi, bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật”. Điều này đã có trong Luật đất đai năm 2003 nhưng thực tế không thể thực hiện được vì khi nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi thì chưa xây dựng phương án đền bù. Do vậy, người dân muốn giao đất cũng chưa có căn cứ để được bồi thường, hỗ trợ (trong thời hạn 03 năm theo khoản 3 Điều này).   

     - Dự thảo quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 57); thẩm quyền thu hồi đất (Điều 65)…có sửa đổi chuyển thẩm quyền chung từ UBND sang thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND. Nếu quy định như vậy là chưa thật sự phù hợp vì đất đai liên quan đến nhiều đối tượng sở hữu, quản lý, sử dụng, do vậy cần quy định thêm thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.   

     - Điều 197 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, dự thảo có nêu: “a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình…..thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”; “b) Trường hợp tranh chấp…thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”. Đề nghị xem xét lại quy định này vì không nên quy định Luật theo hai hướng, điều này được hiểu ngụ ý là đảm bảo quyền của cá nhân, tổ chức trong việc sỡ hữu, quản lý, sử dụng đất đai nhưng thực tế rất khó thực hiện nếu có tranh chấp xảy ra. Khi có xảy ra khiếu nại hành chính về lĩnh vực đất đai thì có thể khởi kiện ngay.   

     Bên cạnh đó, đa số ý kiến cũng thống nhất quy định về bảng giá đất theo phương án 1 (Điều 109); và quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tho thuê, cho thuê lại, thừa kế… theo phương án 1 (Điều 161); đồng thời, đề nghị điều chỉnh cụm từ “giám sát” trong nội dung quy định về giám sát của cơ quan hành chính về việc quản lý và sử dụng đất đai (Điều 193) thành “kiểm tra” cho phù hợp. Ngoài ra, trong dự thảo có một số thuật ngữ, khái niệm chưa rõ ràng do đặc điểm vùng miền khác nhau: như đất ao, đất vườn, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt….Do vậy, cần có giải thích, khái niệm rõ, cụ thể để thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước.
 

   
           Thùy Trang​