Sau ngày Tổ quốc toàn thắng 30-4-1975, quê hương sạch bóng quân thù. Trên mảnh đất hoang tàn đổ nát, thương tích đầy mình ấy, anh lại bắt tay cùng bà con xây dựng lại quê hương. Năm 1976, anh tập tễnh làm chân thư ký cho Uỷ ban xã cũng vì lòng nhiệt huyết rồi làm xã đội phó. Vài năm sau - 1978, Nguyễn Văn Điểm trúng đại biểu HĐND xã và được cử làm chỉ huy trưởng quân sự xã Phước An. Với thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu đặc biệt xuất sắc trước đó, năm 1976 xã được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu cao quý, Anh hùng LLVT Nhân dân - một trong những xã được tuyên dương sớm nhất của huyện anh hùng Nhơn Trạch.
Được phong tặng đã là khó, phấn đấu để giữ vững danh hiệu cao quý ấy trong thời bình lại không dễ dàng chút nào. Thế mà gần 30 năm qua, anh đã cùng với tập thể đoàn kết, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy. Lực lượng quân sự thực sự nòng cốt cùng với công an và quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Phối hợp giáo dục và giác ngộ cho quần chúng, nên hàng chục năm qua, mọi luận điệu xuyên tạc và âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch không sao len lỏi vào một vùng quê yên bình theo chiều hướng vành đai đô thị hoá của huyện Nhơn Trạch. Cũng theo đà tiến bộ ấy, nhiều năm qua lực lượng quân sự địa phương Phước An hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu cấp trên giao phó, được ban chỉ huy Huyện đội Nhơn Trạch và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai công nhận là đơn vị quyết thắng, tặng nhiều giấy khen, bằng khen và trao cờ thi đua đơn vị khá nhất. Trong thành tích chung ấy, có vai trò đóng góp tích cực của người chỉ huy trưởng – đại biểu HĐND Nguyễn Văn Điểm.
Anh Điểm không chỉ tận tụy với công tác xã hội mà còn không quên nhiệm vụ của một người chồng, người cha trong việc nuôi nấng, giáo dục con cái và phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 1995, anh mạnh dạn làm đơn hợp đồng với lâm trường Long Thành 12,5 hécta đất sú, vẹt, đước để đắp đập (đùm) nuôi tôm nước lợ. Nhờ nguồn nước thuỷ triều lên xuống tự nhiên của sông Đồng Tranh và các lưu vực kênh rạch, lắm phù du làm thức ăn, lại xa nguồn nước thải của các khu công nghiệp như hướng sông Đồng Nai và sông Thị Vải nên tôm phát triển khá, hiệu quả kinh tế cao. Mỗi tháng xuân thu nhị kỳ đều đặn hai con nước lớn, ròng. Khi nước lên, anh mở hệ thống cống (hoặc bọng) để đón nguồn tôm thiên nhiên, còn khi nước ròng đặt đó, có bao nhiêu tôm trên toàn bộ diện tích đều tập trung dồn vào đấy. Bình quân mỗi con nước thu không dưới 15.000.000 đ. Sản phẩm tôm của anh có kích cỡ đều, phẩm cấp tốt, khách hàng ưa chuộng đón lấy ngay tại bến, hoặc bỏ mối cũng thuận tiện. Nguồn thu ấy tính cả năm không phải là nhỏ.
Nhờ thu nhập ổn định, vợ anh trước đây thường thức dậy sớm mua tôm bỏ mối kiếm khoản chênh lệch, lấy công làm lãi, sau này cũng không phải khuya sớm tần tảo nữa mà đã có thể ở nhà chăm sóc việc gia đình. Chỉ sau hơn hai năm nuôi tôm, anh đã xây cất đuợc ngôi nhà mái bằng khang trang, thoáng mát, trị giá gần 300.000.000đ. Nghĩa vụ thuế nộp đều đặn mỗi quý 1.250.000 đ. Ngoài ra hàng năm đóng nghĩa vụ cho lâm Trường Long Thành 500.000 đ để chăm sóc phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng.
Mặc dầu ở một vùng quê thuần tuý như vậy, nhưng từ khi còn trẻ, anh động viên vợ chỉ nên sinh hai con. Như vậy vừa có điều kiện chăm sóc lại làm gương cho các cặp vợ chồng trẻ lấy đó mà học tập. Mặt khác bản thân mình là cán bộ đứng trước công chúng tuyên truyền vận động người khác, thực hiện kế hoạch hoá gia đình cũng dễ thuyết phục hơn. Anh chị có hai con, các cháu đều ngoan, đuợc thầy yêu, bạn mến. Gia đình anh nhiều năm rồi được công nhận là gia đình văn hoá kiểu mẫu. Anh còn tham gia đóng góp đầy đủ với các đoàn thể địa phương cũng như Hội CCB xã nhà.
Chẳng thế mà các cô bác bạn bè thường tặng anh một cái tên trìu mến: Anh cán bộ hai giỏi - giỏi việc xã hội và giỏi cả việc tổ chức phát triển kinh tế gia đình. Nghe vậy anh chỉ cười xoà.
NGUYỄN QUỐC HOÀN