Ngày 21 tháng 11 năm 2024 - 19:38:50 | | |
|
Liên kết website
Specified argument was out of the range of valid values.
Cần sửa đổi một số nội dung của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 phù hợp thực tế hiện nay Đăng ngày: 10/12/2013
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp nên việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm thực hiện. Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được quan tâm thực hiện. Qua công tác truyền thông giáo dục đã tác động đến nhận thức, lòng tin của nhân dân, từ đó được nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật… Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn như đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cơ sở còn thiếu, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi, thiếu điều kiện làm việc; nguồn ngân sách dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn hẹp; việc cung cấp số liệu chưa kịp thời, còn nhiều sai lệch; hiện nay nhiều chương trình về chăm sóc, bảo vệ trẻ em của tỉnh đều đã có kế hoạch, quyết định nhưng chưa triển khai thực hiện do chưa bố trí kinh phí; thiếu khu vui chơi, giải trí (80/171 xã, phường có điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em); cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của các em tại các trung tâm văn hóa còn rất ít, không phong phú, đa dạng; thiếu nhân lực để tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em...
Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh
phát biểu kết luận tại buổi giám sát
Để Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thực hiện đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, qua đợt giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét thành lập 01 cơ quan chuyên trách thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ trung ương đến tỉnh, huyện để làm đầu mối thống nhất trong quản lý việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; trong trường hợp không thành lập cơ quan chuyên trách được, đề nghị nghiên cứu tăng biên chế cấp huyện, chuyên trách cho cấp xã phụ trách lĩnh vực này; quy định cụ thể về việc quy hoạch các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em; có chính sách hỗ trợ các địa phương trong việc đầu tư xây dựng, phát triển các Trung tâm văn hóa, khu vui chơi giải trí cho trẻ em. Chính phủ định kỳ có sự kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành đã được quy định trong Nghị định 71/2011/NĐ-CP và trong một số Nghị định khác của Chính phủ về công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hướng dẫn thống nhất, thường xuyên cho các cơ quan chuyên trách về trẻ em ở cấp tỉnh trong công tác quản lý trẻ em; đặc biệt công tác điều tra, khảo sát, thống kê các số liệu liên quan đến trẻ em. Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Quyết định, Kế hoạch, Chương trình đã đề ra; chú trọng thực hiện các nội dung còn hạn chế, gồm: rà soát, chỉ đạo việc kiện toàn cán bộ phụ trách công tác về trẻ em từ cấp tỉnh đến cấp xã theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tăng cường đào tạo chuyên môn, tập huấn cho cán bộ làm công tác về trẻ em, đặc biệt đối với cấp huyện, cấp xã; phân bổ ngân sách hợp lý, cụ thể ở các cấp cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn phụ trách về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí cho các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cơ sở nhằm phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các Trung tâm. Có kế hoạch, lộ trình xây dựng nhà Văn hóa thiếu nhi cấp huyện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh; hàng năm, có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định, chương trình, dự án về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em gắn với trách nhiệm của từng ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp. Kiến nghị sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, cụ thể: hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về trẻ em trên địa bàn; tổ chức, triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình hành động vì trẻ em đã ban hành; cập nhật đầy đủ, chính xác số liệu về trẻ em.
Ngoài ra, đối với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Ban đã kiến nghị sửa đổi tên của luật từ “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” thành “Luật Trẻ em”; sửa độ tuổi trẻ em từ “dưới 16” thành từ “dưới 18” để có điều kiện chăm sóc, bảo vệ trẻ em đầy đủ, toàn diện hơn; bổ sung Chương IV- quy định về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, như sau: bổ sung thêm một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mới phát sinh như: trẻ em nạn nhân của bạo lực và trẻ em bị buôn bán, trẻ em thuộc gia đình nghèo, đồng thời quy định cụ thể về chính sách, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục cho từng đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Quy định cụ thể quy trình bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại; Quy định việc tước quyền nuôi con khi cha mẹ hành hạ và ngược đãi con cái ở mức độ nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật, để tạo cơ hội cho số trẻ em này được hưởng các quyền của trẻ em mà pháp luật đã quy định. Về kết cấu chương: Từ 5 chương lên 8 chương, thêm 3 chương mới bao gồm: Chương 3. Các hành vi vi phạm quyền trẻ em và pháp luật đối với trẻ em (dựa trên Điều 8 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004); Chương 4. Trách nhiệm bảo đảm thực hiện các Quyền của trẻ em; Sửa Chương 4: “Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” thành chương 5 với tiêu đề “Bảo vệ trẻ em”, phạm vi nội dung chương này được mở rộng hơn.
Hòa Bình
|
|
|