Thực tế cho thấy, so với cây lúa, nông dân canh tác ngô gặp ít rủi ro hơn, thời gian chăm sóc cây cũng ít hơn, chi phí cho một ha canh tác không cao bằng lúa. Tuy nhiên, gần đây nông dân cũng gặp một số khó khăn trong canh tác, đặc biệt là hiện tượng ngô không hạt xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn. Chỉ tính riêng vụ I năm 2013, Công ty Sygenta Việt Nam đưa ra thị trường khu vực Đồng Nai khoảng 300 tấn hạt giống ngô NK67 gồm nhiều lô, trong đó có 02 lô (tổng trọng lượng 6.400 kg) xảy ra sự cố tại hai huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc (cây ngô sinh trưởng, phát triển kém, không hạt, thưa hạt…).
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống cây trồng bao gồm trách nhiệm của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý giống cây trồng nhập khẩu, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện công tác thanh tra việc chấp hành Pháp lệnh giống cây trồng và Luật thanh tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên lĩnh vực. Theo đó, căn cứ các quy định về quản lý giống cây trồng nhập khẩu thì “Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu các loại giống cây trồng có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh”. Do vậy, các loại giống cây kinh doanh ở Đồng Nai phải có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa “Đối với giống cây trồng, người nhập khẩu phải công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”. Đối với các quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới, thực hiện theo quyết định số 95/2007/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể cục trồng trọt thực hiện các thủ tục trình Bộ công nhận chính thức giống nây trồng nông nghiệp mới, Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo nghiệm đối với các loại cây trồng. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, giám sát việc khảo nghiệm, sản xuất thử giống cây trồng mới trên địa bàn, các địa phương phối hợp theo dõi. Đối với quy định về quản lý chất lượng giống cây trồng trong quá trình sử dụng thực hiện theo Pháp lệnh giống cây trồng cho thấy thanh tra giống cây trồng là thanh tra chuyên ngành. Nghị định 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ quan được giao trách nhiệm hoạt động thanh tra chuyên ngành là Chi cục trưởng thuộc Sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giống cây trồng.
Trên cơ sở đó, hàng năm thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương thanh kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh giống cây trồng của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, xử lý vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra mỏng, các cơ sở sản xuất kinh doanh phân tán nên việc kinh doanh giống cây ăn quả không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thực tế toàn tỉnh hiện có 403 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 279 cơ sở sản xuất kinh doanh hạt giống (trong đó có 263 cơ sở có phép, 16 cơ sở không có giấy phép), 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống (trong đó có 84 cơ sở có phép, 40 cơ sở không có giấy phép kinh doanh).. Như vậy, theo quy định tại khoản 1,2 Điều 36 của Pháp lệnh giống cây trồng, thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng còn nhiều cơ sở chưa thực hiện thủ tục đăng ký sản xuất, kinh doanh trên địa bàn (chủ yếu là cơ sở nhỏ thuộc thẩm quyền phân cấp cho huyện), cụ thể có 56 cơ sở tư nhân với quy mô nhỏ không có giấy phép sản xuất, kinh doanh giống, trong đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp không có giấy phép chủ yếu tập trung ở huyện Trảng Bom.
Về thực tế việc sinh trưởng kém xảy ra đối với giống ngô NK67, theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 7 năm 2013 tổng diện tích giống bắp NK67 sinh trưởng kém trên địa bàn tỉnh là khoảng 750 ha, tỉ lệ thiệt hại từ 20-60%, trong đó tại huyện Cẩm Mỹ xảy ra trên 640 ha (Công ty Sygenta Việt Nam đang tiến hành chi trả cho nông dân với mức 13.000.000đ/ha), Long Khánh 10 ha (hiện nay phòng kinh tế huyện đang tiếp tục phối hợp với các xã tiến hành kiểm tra, thống kê diện tích ngô sinh trưởng, phát triển kém trên địa bàn và sẽ có báo cáo số liệu chính thức); huyện Long Thành 76 ha (hiện UBND huyện đã làm việc với Công ty Sygenta và UBND các xã có diện tích ngô NK67 có nguồn gốc từ Indonesia để lập đoàn kiểm tra thực tế và thống nhất mức hỗ trợ tùy theo mức độ sinh trưởng, phát triển kém của các diện tích ngô này). Qua quá trình phát hiện và kiểm tra, Công ty Sygenta đã có báo cáo rõ số lượng thiệt hại và giải pháp khắc phục cụ thể. Trong đó nêu, vụ I năm 2013 phía Công ty đưa ra thị trường khu vực Đồng Nai khoảng 300 tấn hạt giống ngô NK67 gồm nhiều lô, trong đó có 02 lô (tổng trọng lượng 6.400 kg) xảy ra sự cố tại hai huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Qua sự cố xảy ra, công ty phối hợp với địa phương đánh giá diện tích, mức độ thiệt hại của hộ dân và thỏa thuận mức hỗ trợ, đến nay đã cơ bản giải quyết 90% số hộ nông dân phản ánh, 10% còn lại công ty sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương kiểm tra, đánh giá lại cho sát thực tế. Qua sự việc này, phía công ty cam kết sẽ kiểm soát và loại trừ những trường hợp như trên để củng cố niềm tin của bà con nông dân và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, có một nội dung ngoài vấn đề được đại biểu chất vấn, nhưng lại có liên quan mật thiết đến năng suất chất lượng cây ngô. Đó là, theo các nhà khoa học, việc cây ngô không hạt hoặc thưa hạt, ngoại trừ nguyên nhân do chất lượng hạt giống ra, còn có lý do thời tiết và kỹ thuật canh tác, việc tưới tiêu và phòng trừ sâu bệnh. Cụ thể, nếu thời tiết bất thuận lúc cây ngô trổ cờ phun râu sẽ dẫn đến không thụ phấn được dẫn đến ngô không hạt, việc tưới tiêu nếu để tình trạng khô hạn lâu ngày, nhất là thời kỳ trước và trong khi cây trỗ cờ phun râu dẫn đến trường hợp cây không có khả năng tung phấn, râu khô làm cho sự thụ phấn khó thực hiện. Nếu gặp mưa to, mưa dài ngày để đọng nước, úng ngập gây thối rễ, cây không hút thu dinh dưỡng được làm hạt phấn kém sức sống cũng khó thụ tinh, kết hạt được. Kỹ thuật canh tác nếu không được đảm bảo chế độ phân bón đầy đủ lượng, cân đối các nguyên tố dinh dưỡng, đúng lúc theo nhu cầu của giống và tùy thuộc vào các loại đất, mật độ hợp lý...Việc phòng trừ sâu bệnh nếu thực hiện không tốt để sâu đục thân, đục ngô gây hại...thì sẽ dẫn đến việc ngô không hạt hoặc hạt thưa, hạt nhỏ không đạt yêu cầu năng suất, chất lượng.
Như vậy, về phía trách nhiệm ngành chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND các huyện có diện tích ngô bị thiệt hại phối hợp với nhà cung cấp giống cây trồng và các hộ nông dân để thống nhất về tỉ lệ thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại cho bà con. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để xử lý hậu quả. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống cây trồng trong thời gian tới, bên cạnh việc quản lý giống cây trồng nhập khẩu, thanh kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, thì giải pháp cụ thể thiết thực nhất là công khai danh sách tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng đảm bảo chất lượng và không đảm bảo chất lượng. Nhưng quan trọng nhất là công tác phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt cho bà con để có được những vụ mùa ngô bội thu.
Kim Chung