Hiện nay, ly hôn là một hiện tượng đang có xu hướng phổ biến trong cả nước, đặc biệt ở Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp, trong quá trình chuyển đổi kinh tế thị trường cùng lúc kéo theo những thay đổi trong nếp sống với những thay đổi về quan điểm sống, quan điểm về hôn nhân gia đình cũng vì thế mà thay đổi theo. Tỉ lệ ly hôn tăng dẫn đến tăng nhiệm vụ của ngành thi hành án dân sự để giải quyết vấn đề hậu ly hôn mà chủ yếu là phân chia tài sản và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn. Nhưng trên thực tế tính khả thi trong việc thực hiện bản án đã tuyên là rất thấp. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, toàn ngành thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã thụ lý thi hành 628 việc thi hành án yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, trong đó có 501 việc cũ chuyển từ năm 2012 sang và thụ lý mới 127 việc. Kết quả đã thi hành xong hoàn toàn đối với 110 việc (bao gồm thi hành đủ theo định kỳ, thỏa thuận trợ cấp một lần, rút và trả đơn yêu cầu), còn lại 437 việc đang thi hành dở (chiếm 69%). Số vụ việc thi hành chưa đạt kết quả còn lại là 81 việc do đang xác minh điều kiện tài sản của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và chờ xử lý tài sản.
Như đã phân tích, thi hành án dân sự về cấp dưỡng là một trong những loại việc khó, mất nhiều thời gian công sức và không đơn giản để kết thúc nhanh một vụ việc, trừ trường hợp hai bên đương sự tự nguyện thỏa thuận thi hành trực tiếp với nhau. Thông thường theo các quyết định, bản án của Tòa buộc người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người trực tiếp nuôi dưỡng mỗi tháng từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đến khi con chung đủ tuổi trưởng thành hoặc có khả năng lao động. Vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự phải theo dõi việc thực hiện trong nhiều năm liền. Đối với loại việc này đòi hỏi chấp hành viên phải kiên trì, chịu khó và rèn luyện kỹ năng thuyết phục hai bên đương sự thỏa thuận thi hành án và cần có sự phối hợp của người được thi hành án trong việc cung cấp thông tin về điều kiện, tài sản và thu nhập ổn định của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Hầu hết người phải thi hành án làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp có thu nhập ổn định thường thi hành án đều, ít có trường hợp cơ quan thi hành án phải ra quyết định khấu trừ thu nhập. Tuy nhiều trường hợp người phải thi hành án không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định hoặc có tài sản quá lớn đối với số tiền phải thi hành án, hoặc trường hợp có nhà ở hoặc quyền sử dụng đất chưa bán được hoặc chờ đền bù giải tỏa, thì căn cứ Điều 51 Luật thi hành án dân sự năm 2008, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi xác định người phải thi hành án có tài sản, thu nhập thì người được thi hành án được quyền tiếp tục làm đơn yêu cầu thi hành án trở lại.
Hiện nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự không có quy định việc cơ quan thi hành án dân sự được quyền cưỡng chế buộc người phải thi hành án phải trợ cấp một lần cho người được thi hành án, nếu nhiều lần người phải cấp dưỡng không tự nguyện thi hành án trợ cấp theo bản án. Do đó, rất nhiều trường hợp người phải thi hành án có tài sản giá trị cao, nhưng không chấp hành án mà cơ quan thi hành án không thể cưỡng chế buộc phải thi hành một lần.
Để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án theo quyết định của Tòa án, trong thời gian qua các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã thực hiện các giải pháp như thường xuyên xác minh tài sản, thu nhập của người phải thi hành án, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp nơi người phải thi hành án công tác để khấu trừ thu nhập hàng tháng, hoặc phối hợp cùng chính quyền địa phương để vận động, thuyết phục thi hành án đặc biệt là nơi người phải thi hành án có thu thập. Bên cạnh đó, lập danh sách thông báo nghĩa vụ của người phải thi hành án để địa phương phối hợp ngăn chặn chuyển dịch tài sản cũng như lưu ý khi đăng ký tạm vắng, đăng ký kết hôn với người khác.
Đối với những trường hợp người không trực tiếp nuôi con bị ngăn cản việc thăm nom con chung sau ly hôn, theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Trong thực tế, các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã gặp một số trường hợp người không trực tiếp nuôi con bị ông, bà, vợ hoặc chồng cũ ngăn cản việc thăm nom con của mình. Tuy nhiên, hành vi ngăn cản việc thăm nom con chung không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự.
Theo quy định tại điều 15 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, thì hành vi vi phạm quy định về thăm nom con chung là hành vi thường xuyên cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con chung sau ly hôn, thẩm quyền xử phạt thuộc trách nhiệm của UBND phường, xã nơi xảy ra hành vi này. Mức xử phạt có hai hình thức là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong quá trình xử lý vi phạm, chính quyền phường, xã cần giải thích cho người vi phạm hiểu quy định của pháp luật và cần phân tích rõ tính chất vi phạm của hành vi đã thực hiện để đương sự không tiếp diễn hành vi này. Đồng thời, Chủ tịch UBND phường, xã cần giao trách nhiệm cho tổ dân phố nơi cư trú cúa đương sự để thực hiện việc theo dõi, giám sát để kịp thời ngăn chặn hành vi tái phạm.
Quy định của pháp luật là như vậy nhưng trên thực tế những trường hợp ngăn cản quyền thăm nom con được lặp đi lặp lại nhiều lần là khá phổ biến mà không cơ quan pháp luật nào có thể theo dõi, xử lý hết nếu không có sự hỗ trợ của các yếu tố nhận thức xã hội về đạo lý, tình cảm của con người với nhau. Thông thường, ly hôn đã là kết quả của một quá trình chung sống không hòa hợp, có các mẫu thuẫn gia đình sâu sắc không thể hòa giải, vì thế trong nhiều trường hợp, mối quan hệ giữa các bậc cha mẹ sau ly hôn không được tốt, có định kiến với nhau dẫn đến ngăn cản việc thăm nom con chung để thỏa mãn sự tự ái, trong đó có thể có cả những toan tính cá nhân. Chính vì vậy, điều cơ bản là nhận thức xã hội của những bậc cha mẹ sau ly hôn trong việc ứng xử một cách có văn hóa với nhau, để những người cha, người mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền được tiếp tục thể hiện tình thương, trách nhiệm của mình đối với con cái, và đặc biệt là để cho những đứa trẻ vốn đã thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa vì không còn được sống đủ cả cha lẫn mẹ, được thăm nom, chăm sóc, giảm bớt sự hụt hẫng về tâm lý tình cảm, hỗ trợ quá trình phát triển tâm sinh lý và nhân cách của các cháu trong quá trình khôn lớn, trưởng thành. Đó chính là đạo lý, là văn hóa mà con người ta phải tự nhận thức để ứng xử hợp tình người, không để cơ quan pháp luật phải can thiệp.
Kim Chung