Với vai trò là cơ quan dân cử thực hiện chức năng giám sát, quyết định các vấn đề trong thực hiện và thi hành pháp luật ở địa phương, 5 năm qua hoạt động của Hội đồng nhân tỉnh Đồng Nai đã có những đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết này thông qua nhiều hoạt động khác nhau thuộc chức năng, nhiệm vụ của HĐND.
Trước hết phải kể đến hoạt động kỳ họp, trong 5 năm đã có 10 kỳ họp thường lệ được tổ chức và đã có 10 báo cáo thẩm tra về tình hình thực thi pháp luật được ban Pháp chế HĐND tỉnh xây dựng và trình bày. Nội dung thẩm tra nêu rõ những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế của các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh, việc đưa ra những đánh giá, nhận định này trên cơ sở công tác giám sát thường xuyên để đảm bảo tính chính xác và đều được các cơ quan Tư pháp đồng tình, tiếp thu thực hiện. Đối với những vấn đề cần tiếp tục làm rõ sau kỳ họp, HĐND tỉnh giao trách nhiệm Thường trực, Ban Pháp chế HĐND tỉnh thực hiện chức năng giám sát theo thẩm quyền và báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh kế tiếp.
Chất vấn đối với người đứng đầu các cơ quan Tư pháp được thực hiện tại hầu hết các kỳ họp. Đây cũng là một trong các hình thức giám sát của HĐND được quy định trong Luật. Những nội dung thường được đại biểu HĐND tỉnh chọn chất vấn bao gồm: Nâng cao chất lượng xét xử (trong đó có nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng tỷ lệ án bị hủy, sửa cao, nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự); công tác phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Tư pháp; xử lý tin báo về tội phạm…
Từ năm 2005, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về công tác phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ năm 2005 – 2010 trong đó có chỉ tiêu phát triển đội ngũ Luật sư đến năm 2010 đạt 500 luật sư để thực hiện chức năng bổ trợ cho hoạt động Tư pháp. Trên tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua, đến nay Đồng Nai đã phối hợp với Học viện Tư pháp mở 02 khóa đào tạo Luật sự trên địa bàn tỉnh. Hàng năm HĐND tỉnh xem xét quyết định về mức thu, chi ngân sách cho năm tiếp theo trong đó dành một khoản kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan Tư pháp và xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách của các tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan Tư pháp: Hoạt động của Công an xã, đội dân phòng trên địa bàn tỉnh.
Giữa hai kỳ họp, hoạt động của HĐND tỉnh liên quan đến thực hiện chiến lược cải cách Tư pháp tập trung vào việc tổ chức các đoàn giám sát và tuyên truyền phố biên giám dục pháp luật. Định kỳ hàng năm, Thường trực và Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát hoạt động của các cơ quan Tư pháp bao gồm công tác xét xử, điều tra, truy tố và thi hành án phạt tù; giám sát theo chuyên đề về các nội dung: xử lý tin báo và tố giác tội phạm, áp dụng hình phạt án treo; giám sát công tác tuyên truyền phố biến giáo dục pháp luật, cải cách hành chính trong lĩnh vực hành chính Tư pháp, công tác tăng thẩm quyền của TAND cấp huyện, giám định pháp y. Qua các hoạt động giám sát này đã đưa ra những kiến nghị đối với đơn vị chịu sự giám sát nhằm thực hiện tốt công tác cải cách Tư pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết của bộ Chính trị. Có thể nêu ra một số kiến nghị điển hình như: việc thi hành phạt tù đối với các đối tượng còn tại ngoại; chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong việc tiếp nhận và xử lý tin báo về tội phạm do các cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyển đến; việc tuyên xử án treo của TAND hai cấp đặc biệt là trong việc xử lý nghiêm các tội phạm liên quan đến việc đảm bảo an toàn giao thông; tạo các điều kiện đảm bảo để thực hiện tăng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ án dân sự tại TAND cấp huyện về; thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật; giám sát thông qua việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực Tư pháp.
Trước và sau các kỳ họp thường lệ, đại biểu HĐND thực hiện hoạt động tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; tuyên truyền để nhân dân hiểu các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, Nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong 5 năm, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 5.417 ý kiến, kiến nghị của cử tri trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Trung ương và của địa phương. Ngoài ra, từ năm 2006, HĐND tỉnh đã xây dựng và đi vào vận hành Website của HĐND tỉnh; thông qua trang thông tin điện tử đã góp phần tuyên truyền đến cử tri và nhân dân về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước; những vấn đề kinh tế xã hội của tỉnh và hoạt động của HĐND các cấp từ đó góp phần vào việc nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật trong nhân dân. Đây chính là những hoạt động góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, một trong tám nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 49.
Cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động của một bộ máy. Năm năm qua, HĐND tỉnh đã có những đóng góp to lớn trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp mà cụ thể là việc phát huy vai trò của đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên cấp tỉnh, cấp huyện. Bên cạnh công tác chọn, đề nghị bổ nhiệm thì công tác xử lý đối với các các bộ Tư pháp có hành vi vi phạm các quy định của ngành cũng được Đảng đoàn HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hình thức xử lý tương xứng với hành vi vi phạm góp phần phòng ngừa và đấu tranh với tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Tư pháp.
Hội đồng nhân dân tỉnh cũng là cơ quan xem xét bầu Hội thẩm TAND tỉnh để đảm bảo cho hoạt động xét xử tại Tòa án. Thường trực HĐND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt Hội thẩm để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và động viên khích lệ tinh thần Hội thẩm trong thực hiện nhiệm vụ.
Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với TAND, VKSND, UBMTTQ xây dựng quy chế phối hợp trong việc nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự tại TAND. Nội dung quy chế phối hợp đặc biệt chú trọng đến việc cung cấp, trao đổi thông tin, chứng cứ và kết quả giải quyết các vụ án dân sự tại TAND và đánh giá kết quả công tác phối hợp hàng năm.
Đánh giá chung về hoạt động của HĐND tỉnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ chính trị cho thấy hoạt động giám sát luôn bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp cũng như tình hình thực tế của địa phương, với trọng tâm là việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử để giám sát có chiều sâu, có hiệu quả. Phương thức thực hiện giám sát đa dạng bao gồm cả giám sát tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp; có sự hỗ trợ, phối hợp giám sát giữa các hai cấp cũng như giữa Thường trực và ban Pháp chế HĐND. Nội dung giám sát có chọn lọc những vấn đề mang tính thời sự, thời điểm được dư luận xã hội và cử tri quan tâm; sau giám sát có nhiều kiến nghị sát thực để giúp các cơ quan Tư pháp có điều kiện tự nhìn nhận lại việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thông qua các báo cáo thẩm tra trình bày tại kỳ họp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thẳng thắn trong việc đặt vấn đề, nêu rõ những tồn tại, hạn chế và kiến nghị những giải pháp tháo gỡ cho các cơ quan Tư pháp về những vấn đề có ảnh hưởng lớn đối với việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội để các đại biểu tham khảo, thảo luận và để lãnh đạo các cơ quan Tư pháp trả lời, giải trình, tiếp thu nhằm khắc phục trong thời gian tiếp theo. Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 được HĐND tỉnh quan tâm thực hiện thông qua hình thức tiếp xúc cử tri và trên các phương tiện thông tin của HĐND: Website, bản tin hàng tháng.
Về những kiến nghị liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49 trong thời gian tới, HĐND tỉnh quan tâm đến bốn nhóm vấn đề chính. Đối với các cơ quan Tư pháp cần quan tâm hơn nữa trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra tại kỳ họp HĐND tỉnh. Mộ t vấn đề tiếp theo là trong quá trình giám sát của HĐND đối với hoạt động Tư pháp và các cơ quan Tư pháp, khi phát hiện những khó khăn, hạn chế về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, HĐND kiến nghị chấn chỉnh nhưng thực tế các cơ quan Tư pháp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, thiếu CB-CC… Đây là những vấn đề đã được Nghị quyết 49 đề cập đến nhưng quá trình thực hiện còn chậm, gây khó khăn lớn cho các cơ quan Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm và ổn định tình hình địa phương. Vấn đề khác nữa là cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan Tư pháp gặp áp lực công việc cao nhưng chế độ đãi ngộ chưa phù hợp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tình trạng thiếu cán bộ Tư pháp và cán bộ đương nhiệm phải làm việc quá tải đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các cơ quan Tư pháp hai cấp do đó cần có cơ chế thu hút, tuyển chọn cán bộ vào làm việc ở các cơ quan Tư pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 đã đề ra. Vấn đề kiến nghị cuối cùng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng của HĐND đó là Nghị quyết 49 quy định: “ Có cơ chế cho phép địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan Tư pháp từ khoản vượt thu ngân sách” tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này dẫn đến khó khăn cho HĐND hai cấp tỉnh và huyện trong việc vận dụng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 49 do đó cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
So với lộ trình về thời gian thực hiện Nghị quyết số 49 thì đến nay chúng ta mới đi hết một phần ba chặng đường. Đối với các cơ quan Tư pháp chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra và nhiều nội dung kiến nghị nhằm đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết này. Với HĐND tỉnh, trong phạm vi chức năng thẩm quyền của mình, có thể nói rằng: HĐND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tốt những phần việc của mình, đồng hành cùng các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh để đưa nội dung, tinh thần của Nghị quyết triển khai có hiệu quả, phù hợp với thực tế sinh động của Đồng Nai.
Nguyễn Thị Oanh