Từ quy định này của Luật cho thấy, HĐND cấp tỉnh có quyền giám sát đối với tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và các công dân ở địa phương. Tuy nhiên, quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với các cơ quan, tổ chức và công dân ở địa phương là khác nhau về nội dung giám sát, hình thức giám sát, các biện pháp pháp lý áp dụng đối với các loại đối tượng thuộc quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh là khác nhau...phụ thuộc vào mối quan hệ pháp lý của các đối tượng này với HĐND cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Nga phát biểu
tại buổi giám sát TAND và VKSND tỉnh
Từ đây, có thể thấy rằng đối tượng thuộc quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh bao gồm :
+ Thứ nhất là những đối tượng thuộc quyền giám sát trực tiếp và toàn diện của HĐND cấp tỉnh. HĐND cấp tỉnh có quyền trực tiếp xử lý khi các đối tượng này có vi phạm pháp luật và nghị quyết HĐND cấp tỉnh. Nhóm này bao gồm những cơ quan, tổ chức do HĐND cấp tỉnh trực tiếp bầu ra nên HĐND có quyền trực tiếp xử lý khi các đối tượng này có vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Đó là: Thường trực HĐND tỉnh (gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Uỷ viên thường trực HĐND tỉnh); các Ban của HĐND tỉnh (gồm Trưởng ban, Phó ban và các thành viên của Ban HĐND); UBND tỉnh (gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND tỉnh). Hình thức xử lý cao nhất mà HĐND tỉnh có quyền trực tiếp áp dụng đối với những đối tượng này là bãi bỏ các văn bản trái pháp luật, trái nghị quyết HĐND tỉnh; bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm các chức danh do HĐND cấp tỉnh bầu ra.
+ Thứ hai gồm các cơ quan và những người không do HĐND cấp tỉnh bầu mà do người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của cấp trên bổ nhiệm, nhưng theo qui định của pháp luật thuộc quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh. Đối tượng này bao gồm: Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chánh án TAND tỉnh và Viện trưởng VKSND tỉnh.
+ Thứ ba là tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Đây là nhóm đối tượng thuộc quyền giám sát chung của HĐND cấp tỉnh liên quan đến việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết HĐND tỉnh.
+ Thứ tư, là HĐND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. HĐND các quận, huyện, thị xã là những cơ quan đại diện quyền lực nhà nước trên địa bàn tỉnh, do cử tri các quận, huyện, thị xã trực tiếp bầu ra, nhưng theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 cũng là đối tượng thuộc quyền giám sát trực tiếp của HĐND cấp tỉnh. HĐND cấp tỉnh giám sát HĐND các quận, huyện, thị xã trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, trong đó có nghị quyết HĐND cấp tỉnh.
Trong các đối tượng nêu trên thì UBND tỉnh là đối tượng HĐND tỉnh cần tập trung giám sát nhất. Vì theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, UBND tỉnh là cơ quan chấp hành của HĐND tỉnh, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND tỉnh, có thẩm quyền và trách nhiệm chính trong việc tổ chức và quản lý tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương, trực tiếp hoặc chỉ đạo các cơ quan, ban ngành thuộc quyền (các sở, UBND cấp huyện, thị xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh) giải quyết các quyền, nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân có liên quan ở địa phương.
Khác với các đối tượng giám sát khác của HĐND cấp tỉnh, UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm, chịu sự giám sát của HĐND cấp tỉnh, phải trực tiếp báo cáo về hoạt động, công tác của mình tại kỳ họp HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phải trả lời chất vấn đại biểu HĐND tỉnh, HĐND tỉnh có quyền trực tiếp áp dụng các biện pháp pháp lý đối với UBND tỉnh như: bãi nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND tỉnh; hoặc bãi bỏ các văn bản của UBND tỉnh, của Chủ tịch UBND tỉnh trái pháp luật và trái nghị quyết của HĐND cấp tỉnh v.v…
Sĩ Tiến