Hồ sơ quy hoạch chi tiết lần đầu của Dự án Khu liên hợp Thể dục Thể thao tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 tại Quyết định số 192/QĐ.CT.UBT ngày 15/1/2001 với Quy mô diện tích: 45,75 ha. Chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tại quyết định giới thiệu địa điểm số 1687/QĐ.CT.UBT ngày 22/5/1998 của UBND tỉnh - trước đây là Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao, Sở Thể dục Thể thao). Sở Văn hóa Thể thao và du lịch đã thực hiện việc công bố, công khai, lắp đặt 03 tấm pano bản vẽ quy hoạch của dự án tại khu vực và phối hợp Trung tâm kỹ thuật Địa chính – Nhà đất tiến hành cắm mốc năm 2003. Hiện, trong khu vực đã có 9,38 ha đã xây dựng các công trình thể dục thể thao.
Trên cơ sở rà soát định kỳ theo quy định của Luật Xây dựng, ngày 19/10/2006 Sở Xây dựng có văn bản số 1392/SXD-QLQH ngày 19/10/2006 tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 7619/UBND-CNN ngày 6/11/2006 chấp thuận chủ trương cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 nêu trên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và thực trạng tại khu vực. Với trách nhiệm quản lý quy hoạch và tại các cuộc họp do các Sở ngành chủ trì, Sở Xây dựng đều đã góp ý, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết nêu trên.
Ngày 6/2/2001 và 25/5/2001 UBND tỉnh đã có các văn bản số 394/UBT và 2099/UBT giao trách nhiệm và yêu cầu UBND thành phố Biên Hòa chỉ đạo cho địa phương sở tại có biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất trái phép phát sinh tại khu vực này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công tác kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất trong Khu liên hợp thể dục thể thao đã được Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp cùng các Ngành thực hiện và báo cáo làm rõ các nội dung về nguồn gốc đất giai đoạn 1975-1980 là đất do nhà nước quản lý; giai đoạn 1980-1982 một phần có 14 hộ dân khai hoang, phần còn lại do Nhà nước quản lý. Từ đó đến nay, do công tác quản lý không chặt chẽ đã bị một số hộ dân sử dụng và sang nhượng trái phép. Về hiện trạng sử dụng đất trong khu hiện có: 9,38 ha đã xây dựng các công trình thể dục thể thao; 02ha làm chợ tạm Tân Hiệp; 0,24 ha làm sân bóng mi ni (công trình xây dựng tạm); phần còn lại khoảng 28,62ha là đất do các tổ chức, cá nhân đang sử dụng với 1.186 hồ sơ kê khai thuế nhà đất (tại thời điểm năm 1999 chỉ có 388 hồ sơ).
Về định hướng quy hoạch và giải pháp khắc phục trong thời gian tới: Trước các thay đổi về định hướng phát triển của đô thị Biên Hòa (về ranh giới, về hướng phát triển, về cấp đô thị,…), tại hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa giai đoạn đến 2030 tầm nhìn đến 2050 (đang trong giai đoạn hoàn thiện), đơn vị tư vấn đang đề xuất Trung tâm thể dục thể thao cấp vùng tại khu vực xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa với quy mô khoảng 180ha; Đồng thời với điều kiện thực tế về quy mô sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,…dự án khu Trung tâm thể dục thể thao đang thực hiện nêu trên sẽ được điều chỉnh ở quy mô cấp đô thị.
Đối với trách nhiệm của ngành xây dựng, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục nhắc nhở, hướng dẫn chủ đầu tư Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch gắn với việc đề xuất các giải pháp phù hợp trên cơ sở nghiên cứu theo hướng:
- Kế thừa các nội dung kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, kết hợp việc điều tra khảo sát, ghi nhận hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan đến từng lô đất trong khu quy hoạch (theo 3 loại kiên cố, bán kiên cố, tạm) làm cơ sở đánh giá quỹ đất xây dựng đề xuất phạm vi quy mô khu vực giữ lại, cải tạo hoặc xây mới.
- Đối với các khu vực giữ lại cải tạo: việc đề xuất quy hoạch chi tiết theo hướng chỉnh trang đô thị, chi tiết hóa các quy định quản lý về đất đai và xây dựng hạ tầng và nhà ở, hướng dẫn cho người dân trong khu vực từng bước, chỉnh trang, xây dựng nhà ở cho phù hợp.
- Đối với các khu vực xây mới: Trong hồ sơ quy hoạch sẽ chú trọng việc xác định, chia nhỏ và chi tiết hóa các giai đoạn đầu tư gắn với từng khu vực phát triển đô thị, từng dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội….đảm bảo việc sử dụng tập trung và hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, phù hợp điều kiện kinh tế, năng lực điều hành và triển khai của địa phương. Bên cạnh đó, bổ sung các nội dung, các quy định, chi tiết hóa các kế hoạch và giải pháp thực hiện,… đủ để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng,…trong đó mạnh dạng đề xuất các giải pháp nhằm ổn định cuộc sống, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của người dân trong khu vực quy hoạch như: Mở rộng các đối tượng, phạm vi cấp phép xây dựng tạm; Hỗ trợ và đền bù các công trình được xây tạm trong trường hợp thời gian thực hiện quy hoạch kéo dài quá thời gian quy định.
Kim Chung