Thời gian qua, cùng với việc mở rộng dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ngày càng được Nhà nước quan tâm bảo hộ, công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân được tăng cường; chức năng giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở tất cả các cấp, các ngành ngày càng được chú trọng.
* Tiếp công dân:
Tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đại biểu dân cử nói chung và của đại biểu HĐND nói riêng; Là một biện pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước; Đồng thời, cũng chính là hình thức để công dân thực hiện quyền làm chủ của mình tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Đại biểu HĐND tiếp công dân nhằm hiểu được tâm tư, nguyện vọng của công dân, tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; Thu thập ý kiến, phản ánh của công dân, hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nhận đơn, thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thông qua hoạt động tiếp công dân, các đại biểu HĐND không chỉ lắng nghe công dân trình bày ý kiến, kiến nghị của mình và tiếp thu một cách thụ động mà đại biểu còn phải dành thời gian để tuyên truyền, giải thích cho công dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật; Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để làm rõ nội dung về tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, cũng như khiếu nại, tố cáo của công dân.
Hoạt động tiếp công dân của Đại biểu HĐND được quy định tại Luật tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, Thường trực HĐND phối hợp với UBND, UBMTTQVN và các Tổ chức chính trị xã hội cùng cấp xây dựng Quy chế tiếp công dân phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương nhằm quy định cụ thể về hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND (Khoản 3, Điều 47, Quy chế hoạt động của HĐND).
Qua nghiên cứu, tìm hiểu hoạt động của HĐND các cấp cho thấy, trong thời gian qua Thường trực HĐND và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã rất quan tâm đến hoạt động tiếp công dân. Từ thực tiễn hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND, cử tri có niềm tin sâu sắc vào các vị đại biểu HĐND - người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Chính vì vậy, trong các buổi tiếp công dân của đại biểu, có nhiều công dân đăng ký để được gặp và trình bày nội dung liên quan với các vị đại biểu.
* Tổ chức việc tiếp công dân:
Theo quy định, tiếp công dân là trách nhiệm của mọi đại biểu HĐND. Thời gian dành cho việc tiếp công dân cũng như cách thức tổ chức, tiến hành việc tiếp công dân do các đại biểu HĐND quyết định. Tuy nhiên, thông thường đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp dân theo lịch phân công của Thường trực hoặc Tổ đại biểu HĐND. Đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân phải tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân. Riêng đối với Thường trực HĐND, pháp luật quy định đại diện Thường trực HĐND phải dành ít nhất 02 ngày trong một tháng để tiếp công dân (Khoản 2, Điều 47, Quy chế hoạt động của HĐND).
Theo quy định tại điều 48, Quy chế hoạt động của HĐND nêu rõ: Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất cho việc tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân khi đại biểu yêu cầu (Danh sách, kế hoạch, thời gian tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân được niêm yết tại nơi tiếp công dân). Thường trực Hội đồng nhân dân gửi kế hoạch tiếp công dân đến Uỷ ban nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và mời đại diện các cơ quan này tham dự các buổi tiếp công dân.
Để đảm bảo hiệu quả của hoạt động tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi đại biểu Hội đồng nhân dân công tác có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu có thời gian tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân (Điều 47, Quy chế hoạt động của HĐND).
* Tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị và đơn thư khiếu nại, tố cáo trong quá trình đại biểu HĐND tiếp công dân:
Việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị và đơn thư khiếu nại, tố cáo nhận được trong quá trình đại biểu HĐND tiếp công dân được thực hiện theo quy định sau:
+ Khi nhận được ý kiến, kiến nghị của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân xem xét, nghiên cứu để phản ánh tới Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
+ Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong thời hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân chuyển đến. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân biết việc giải quyết.
Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết không thỏa đáng, đại biểu HĐND có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó giải quyết.
* Đại biểu Hội đồng nhân dân xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân
Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm xem xét, hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Khi cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể trực tiếp hoặc thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân chuyển đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Việc chuyển đơn thư, khiếu nại, tố cáo được thực hiện như sau:
- Khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính được chuyển đến chính người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
- Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được chuyển đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương được chuyển đến Giám đốc sở và cấp tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc sở và cấp tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà nội dung thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chuyển đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc sở hoặc cấp tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;
- Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển đến Tổng Thanh tra;
- Khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức được chuyển đến người đã ra quyết định;
- Tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì chuyển đến cơ quan, tổ chức đó;
- Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan, tổ chức nào thì chuyển đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó;
- Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào thì chuyển đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì chuyển đến cơ quan đó.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu Hội đồng nhân dân chuyển đến có trách nhiệm xem xét, giải quyết; thông báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân đã chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết và trả lời cho công dân biết.
Trường hợp xét thấy việc giải quyết không thỏa đáng, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó giải quyết.
Sĩ Tiến