Trên địa bàn huyện Tân Phú hiện nay có 11/18 Trung
tâm Văn hóa - Thể thao gồm cấp huyện và cấp xã, 01 xã có Nhà văn hóa các Dân tộc và 87 điểm truy cập
Internet, trò chơi điện tử. Tổng vốn đầu
tư xây dựng cơ bản của các Trung tâm VH-TT đều từ vốn ngân sách địa phương.
Giai đoạn 2007-2009, tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 15 tỷ đồng và các cơ sở
do tư nhân đầu tư xây dựng là trên 20 tỷ đồng. Nhìn chung, việc đầu tư xây dựng
các cơ sở vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương và trẻ em
được huyện quan tâm thực hiện tương đối tốt. Trong 3 năm (2007 – 2009), ngành
văn hóa huyện đã tổ chức một số hoạt động dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên
như: hội thi tiếng hát Hoa phượng đỏ, tiếng hát vàng anh, hội thi kể chuyện
sách hè; 13 giải văn nghệ khác như liên hoan hát ru, hò lý, hội thi tuyên truyền
ca khúc cách mạng; liên hoan tiếng hát học sinh THPT, tổ chức các giải thể thao
chào mừng các ngày lễ lớn trong năm… đã thu hút đông đảo các em tham gia; tổ chức
cho các em tham gia các hội thi, liên hoan do tỉnh tổ chức. Nhà văn hóa các dân
tộc xã Tà Lài duy trì đều đặn việc thường xuyên tổ chức chiếu phim phục vụ thiếu
nhi vào tối thứ 5 hàng tuần và tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên vào tối thứ 7
hàng tuần. Riêng các xã và thị trấn đã tổ chức 53 lần hội thi, hội diễn văn nghệ
cấp xã, thu hút 9.595 lượt trẻ tham gia, tham gia khoảng 150 lần các hoạt động
văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho lứa tuổi thanh thiếu niên do huyện tổ chức.
Bên cạnh các việc tổ chức các hoạt động dành cho thanh thiếu niên, huyện còn
chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhân dân địa phương như văn nghệ
quần chúng nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm, mừng Đảng mừng Xuân, tuyển quân,
các hội thi văn nghệ người cao tuổi, hội thi giọng hát hay… Phong trào xã hội
hóa dần được nhân dân đồng tình ủng hộ, một số cơ sở tư nhân tự bỏ kinh phí để
xây dựng nơi vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Theo báo cáo của huyện Thống Nhất, hiện
nay trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm văn hóa thông tin, 01 thư viện và 7/10
xã có Trung tâm văn hóa thông tin (trong đó có các hạng mục dành cho vui chơi,
giải trí cho trẻ em). Nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em đồng
bào dân tộc thiểu số, sắp tới huyện sẽ đưa vào sử dụng Nhà văn hóa dân tộc. Một
số công trình thể thao xây dựng từ nguồn xã hội hóa có trẻ em tham gia như nhà
thi đấu đa năng tại xã Quang Trung, Câu lạc bộ cầu lông Dầu Giây… Với điều kiện
cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, nhưng trong các năm qua huyện đã tổ chức
trên 60 buổi biểu diễn văn nghệ dành cho thiếu nhi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi,
ngày Gia đình Việt Nam… các hội thi Hoa phượng đỏ, ngâm thơm kể chuyện theo
sách hè cho các em; phối hợp với trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh tổ
chức 308 buổi chiếu phim miễn phí và tổ chức cho các em tham gia các giải phong
trào do tỉnh tổ chức. Phong trào thể dục thể thao trên địa bàn phát triển mạnh
và rộng khắp từ huyện đến cơ sở. Toàn huyện đã tổ chức tập luyện các môn thể
thao cho đội tuyển lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng và các giải thi đấu thể
thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, việt dã… cho nhân dân địa
phương đã thu hút trên 3.100 lượt người tham gia, trong đó có hơn 50% ở lứa tuổi
thanh thiếu niên. Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách báo của đông đảo tầng
lớp nhân dân, thư viện huyện đã bổ sung 3.500 bản sách, 5 loại báo và tạp chí
(sách thiếu nhi chiếm trên 40%), luân chuyển xuống các phòng đọc cơ sở để phục
vụ nhu cầu đọc sách của các em trong dịp hè nên đã thu hút 1.200 lượt đọc giả
(thanh thiếu niên, học sinh chiếm trên 80%).
Với các kết quả đạt được trong các năm
qua đã thể hiện sự nỗ lực không ngừng của các ngành chức năng, các cấp lãnh đạo
của huyện trong việc quan tâm đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí cho trẻ
em. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhìn chung các huyện vẫn gặp một số
khó khăn như chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ tại các cơ sở vui
chơi, giải trí cho trẻ em; việc đầu tư các trang thiết bị cho các trung tâm văn
hóa chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế cho các em, vì các trang thiết bị đầu
tư sơ sài, kém chất lượng và thiếu đồng bộ, dụng cụ, đồ chơi bị hư hỏng khá nhiều
nhưng chưa được sửa chữa; trên địa bàn huyện chưa có nhà văn hóa thiếu nhi, các
khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em do nhà nước đầu tư chủ yếu nằm trong các
thiết chế văn hóa cơ sở, chưa có khu vui chơi dành riêng cho trẻ em; là các địa
bàn có tỷ lệ đồng bào công giáo sinh sống tương đối cao nên phần nào cũng ảnh
hưởng đến việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em công giáo vì
ngoài giờ học phổ thông các em phải tham gia các lớp học giáo lý… Riêng huyện
Thống Nhất là huyện thuần nông, mới được chia tách, thành lập và chính thức đi
vào hoạt động từ ngày 01/01/2004, nên việc đầu tư các công trình phúc lợi còn gặp
nhiều khó khăn, đặc biệt là các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em
trên địa bàn huyện hiện chưa có.
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã
ghi nhận các kết quả đạt được của các huyện và kiến nghị các huyện đẩy mạnh hơn
nữa công tác xã hội hóa đối với việc đầu tư xây dựng các cơ sở vui chơi giải
trí cho trẻ em; có kế hoạch quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở, điểm internet
và trò chơi điện tử đang hoạt động trên địa bàn; nhân rộng các mô hình đang hoạt
động có hiệu quả của các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn một số
xã của huyện cho các xã khác học tập…
Hòa Bình