Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 06 tháng
đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đã tiếp 4.513 lượt
với 4.939 người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về lĩnh
vực hành chính (tăng 1.241 lượt, tương đương tăng 38% so với
cùng kỳ năm trước); trong đó, có 16 lượt đoàn đông người với 376 người đến Trụ
sở Tiếp công dân tỉnh, cấp huyện và điểm tiếp công dân của sở, ngành để khiếu
nại, phản ánh, kiến nghị (tăng 07 lượt đoàn, tăng 250 người so với cùng kỳ năm
trước).
Nội
dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến khiếu nại công tác bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; tranh chấp đất
đai; vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; kiến nghị cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất; một số trường hợp thắc mắc, phản
ánh về lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, hồ sơ chính sách xã hội,
chính sách người có công, về công tác cán bộ,... Đặc biệt thời gian qua, nổi lên
nhiều trường hợp phản ánh liên quan đến việc chủ đầu tư tại một số dự án kinh
doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng hơp tác, hợp đồng nguyên
tắc, văn bản thỏa thuận, đặt cọc để bán nhà, đất cho người dân khi dự án
chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài
sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Về kết
quả tiếp nhận, phân loại, giải quyết đơn, toàn tỉnh đã tiếp nhận
6.113 đơn; trong đó: Đơn kỳ trước chuyển sang là 684 đơn; nhận mới 5.429 đơn
(tăng 2.193 đơn tương ứng tăng 68% so với cùng kỳ năm trước). Các cơ quan
nhà nước đã giải quyết 2.804 đơn (71 khiếu nại; 10 tố cáo; 2.723 đơn phản ánh,
kiến nghị)/3.732 đơn (165 khiếu nại; 37 tố cáo; 3.530 đơn phản ánh, kiến nghị);
đạt tỷ lệ 75%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (66%).
Buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh
Các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện tốt công
tác tiếp dân; việc phối hợp cung cấp thông tin, dự báo tình hình trong việc
tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân giữa
các cấp, các ngành được trao đổi thường xuyên, kịp thời,
nhất là khi xảy ra tình trạng người dân tụ tập thành đoàn đông người di chuyển
đến các trụ sở cơ quan nhà nước để khiếu kiện. Công tác thẩm tra, xác minh và
giải quyết đơn khiếu nại được thực hiện đúng theo quy trình giải quyết khiếu
nại hành chính của Luật Khiếu nại. Trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại gắn với giải thích pháp luật, do
đó nhiều trường hợp công dân thông hiểu và
tự nguyện rút đơn khiếu nại (chiếm tỷ lệ 18% trên tổng số đơn đã giải quyết) …
Đồng
thời, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra tỉnh kiểm tra, rà soát
cụ thể từng vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa
bàn tỉnh (theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, của Tỉnh ủy); qua kết quả rà
soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành thông báo chấm dứt xem xét, giải quyết đối
với các vụ việc đã được giải quyết hết nội dung, đúng quy định của pháp luật,
đã vận dụng chính sách, pháp luật, hỗ trợ có lợi cho người dân và Thanh tra
Chính phủ đã thống nhất với địa phương; đối với các vụ việc Thanh tra Chính Phủ
chưa thống nhất, Thanh tra tỉnh tiếp tục tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh
giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Công dân cư ngụ tại thành phố Biên Hòa trình bày ý kiến tại buổi tiếp công dân
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: một vài địa phương chưa
quan tâm, chỉ đạo bộ phận tiếp công dân chủ động lựa chọn vụ việc phức tạp, dư
luận quan tâm để tham mưu người đứng đầu tiếp công dân nhằm xử lý dứt điểm vụ
việc. Việc tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn khiếu nại,
tố cáo tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn một số
trường hợp chưa đảm bảo đúng quy định, khi người dân khiếu
nại lần hai mới rà soát lại và phát hiện thiếu sót nên thu hồi quyết định giải
quyết khiếu nại lần đầu. Vẫn còn trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo được giải
quyết không đúng thời hạn quy định và tỷ lệ có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ
lệ thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo thấp
(chỉ đạt 41%). Nguyên nhân là do cấp
huyện chưa kiểm tra, rà soát kỹ, chưa thu thập hồ sơ đầy đủ, chưa tiến hành
kiểm tra, xác minh chặt chẽ, việc vận dụng quy định trong giải quyết đơn chưa
phù hợp, dẫn đến kết quả giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo. Do khối lượng công
việc tăng nhưng nguồn nhân lực còn hạn chế (nhất là các địa phương đang triển
khai nhiều dự án), nhiều vụ việc có tính phức tạp, cần phải tổ chức họp lấy ý
kiến các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan.
Trên cơ
sở phân tích, đánh giá trên, UBND tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ, giải
pháp
trọng tâm để tiếp tục chỉ đạo
triển khai thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như:
tập trung giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đảm bảo chất
lượng, đúng chính sách pháp luật, đúng trình tự, thủ tục theo quy định; chỉ đạo
các ngành, đơn vị có liên quan xử lý, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức
tạp, kéo dài; chú trọng theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thi hành quyết định giải
quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; thực hiện đồng bộ các
giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp, kéo
dài theo Kế hoạch của Thanh tra Chính Phủ, Tỉnh ủy; phát huy trách nhiệm của
người đứng đầu cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo; gắn công tác tiếp công dân với vận động, thuyết phục và giải thích
chính sách pháp luật để người dân đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, hạn
chế phát sinh khiếu nại; tăng cường thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các
cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại; tố
cáo; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ…
Phát
huy vai trò trách nhiệm của cơ quan dân cử, Thường trực, các Ban, các Tổ đại
biểu sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công
dân, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài trong thời gian tới. Hy vọng với sự
quan tâm phối hợp thực hiện đồng bộ của các cấp, các ngành, công tác tiếp công
dân, giải quyết đơn thư trên địa bàn tỉnh sẽ sớm khắc phục tốt những tồn tại,
hạn chế và giải quyết dứt điểm ngày càng nhiều vụ việc của người dân./.
Ngọc Diệp