Theo đó, ngoài
thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại, trọng tài cần được mở rộng thẩm
quyền ra nhiều lĩnh vực theo yêu cầu của các bên và các bên tranh chấp không
chỉ là tổ chức mà còn có cá nhân đăng ký kinh doanh. Với tính chất là hình thức
“tài phán tư”, trọng tài cần được tạo điều kiện để có thể giải quyết tất cả các
tranh chấp tư, bao gồm cả tranh chấp trong hợp đồng và ngoài hợp đồng, trừ
những quan hệ liên quan đến lợi ích công và trật tự công cộng. Như vậy, tên gọi
của Luật nên là Luật Trọng tài. Tuy
nhiên, một số ý kiến rằng nội hàm trọng tài rất rộng, tuy nhiên mục tiêu và nội
hàm của Luật hướng tới điều chỉnh hoạt động trọng tài trong giải quyết tranh
chấp thương mại. Nếu cho rằng đặt tên Luật Trọng tài là nhằm mở rộng phạm vi
quyền hạn của trọng tài là chưa thuyết phục. Mặt khác, khái niệm thương mại
hiện nay đã được mở rộng trên 4 lĩnh vực: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu
trí tuệ và đã được luật hóa trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, không nhất thiết
phải đổi tên Luật, bởi trong thực tiễn không chỉ có trọng tài thương mại mà còn
trọng tài thể thao và nhiều lĩnh vực khác, việc đổi tên dễ gây hiểu lầm.
Về mối quan hệ giữa trọng tài và Tòa án, có ý kiến cho
rằng Dự thảo Luật đã đưa ra một số các quy định mới nhằm xác định mối quan hệ
pháp lý quan trọng giữa Tòa án và trọng tài, theo đó trọng tài sẽ nhận được sự
hỗ trợ kịp thời của tòa án nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc trọng tài độc lập với
tòa án trong việc giải quyết tranh chấp. Dự thảo quy định “trong trường hợp tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài, nếu một bên
khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận
trọng tài được Tòa án xác định là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể
thực hiện được”. Ngoài ra, dự thảo đã quy định các trường hợp tòa án hỗ trợ
trọng tài như: tuyên thỏa thuận trọng tài vô hiệu; xác định thẩm quyền của Hội
đồng trọng tài; chỉ định, thay đổi trọng tài viên; hỗ trợ thu thập chứng cứ,
lưu giữ chứng cứ; bảo đảm sự có mặt của người làm chứng; áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời; giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; đăng ký phán quyết
trọng tài. Các quy định này phù hợp với pháp luật và thực tiễn trọng tài thương
mại quốc tế, đảm bảo quá trình trọng tài được diễn ra thuận lợi, không bì trì
hoãn, đây chính là điều kiện thuận lợi để trọng tài hoạt động có hiệu quả. Tuy
nhiên, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa Tòa án sẽ hỗ trợ như thế nào
trong việc thu thập chứng cứ, lưu giữ chứng cứ, lập văn bản theo yêu cầu của
các bên tranh chấp theo quy định trong pháp luật về thừa phát lại vì đây là
những hoạt động hỗ trợ rất quan trọng của Tòa án cho hoạt động của trọng tài.
Về tiêu chí công nhận Trọng tài viên, một số ý kiến
đồng ý với dự thảo Luật đã không yêu cầu trọng tài viên phải là người có quốc
tịch Việt Nam, có nghĩa là người nước ngoài cũng có thể được chỉ định làm trọng
tài viên ở Việt Nam nếu các bên tranh chấp hoặc được tổ chức trọng tài tín
nhiệm. Với việc mở cửa cho trọng tài viên nước ngoài đã tạo điều kiện cho
những vụ tranh chấp mà các bên muốn có trọng tài viên nước ngoài tham gia nhưng
do luật hiện nay không cho phép nên đành phải đưa ra nước ngoài giải quyết. Quy
định này sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế trong giai đoạn Việt Nam tăng cường hội
nhập kinh tế quốc tế. Nhóm ý kiến này cũng cho rằng dự thảo Luật đã quy định tổ
chức trọng tài được miễn thuế đối với các khoản thu từ hoặt động phù hợp với
chức năng nhiệm vụ, giúp cho trọng tài và trọng tài viên có điều kiện tích lũy
để phát triển. Tuy nhiên, nghề trọng tài cũng như một số nghề khác, cũng phải
có trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước. Vì vậy, dự thảo luật chỉ nên quy định
miễn thuế trong một thời gian nhất định như 05 năm để đảm bảo sự công bằng,
bình đẳng.
Cũng liên quan
đến tiêu chuẩn Trọng tài viên, hầu
hết các ý kiến đồng ý với quan điểm thứ 2 của Tờ trình, cho rằng thực chất
trọng tài là tài phán tư khi thẩm quyền của trọng tài viên phải được đặc biệt
quan tâm nhất là xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội đặc thù của Việt Nam. Vì
vậy, cần thiết có tiêu chuẩn để lực chọn trọng tài viên để tranh khỏi những sai
sót về thủ tục tố tụng trọng tài khi giải quyết tranh chấp. Có ý kiến cho rằng
các quy định về tiêu chuẩn của trọng tài viên tại Điều 17 dự thảo Luật chưa đầy
đủ vì trên thực tế khi các Trọng tài viên là các chuyên gia về chuyên môn tham
gia xét hỏi vụ việc liên quan đến pháp luật tố tụng không chính xác, thậm chí
hỏi những nội dung mà Hội đồng trọng tài không nên hỏi. Vì vậy, đề nghị bổ sung
thêm tiêu chuẩn “được bồi dưỡng kiến thức về tổ tụng trọng tài giải quyết tranh
chấp” . Theo đó, cũng cần bổ sung vào điều 26 dự thảo Luật quy định về nhiệm
vụ, quyền hạn của Trung tâm trọng tài phải “bồi dưỡng kiến thức về tố tụng
trọng tài và kỹ năng viết phán quyết giải quyết tranh chấp cho trọng tài viên”.
Cũng có ý kiến khác cho rằng không nên có quy định riêng về tiêu chuẩn trọng
tài viên, hoạt động của trọng tài viên trên cơ sở tự nguyên và giải quyết
tranh chấp bằng sự thân thiện, bằng lòng tin. Vì vậy, không nên quy định tiêu
chuẩn cứng, nên mở rộng, không phải chỉ có người có tên trong danh sách trọng
viên viên mới là trọng tài viên mà bất kỳ chuyên gia nào có uy tín có đạo đức
được tin cậy trở thành trọng tài.
Bên cạnh những
nội dung đã được nhiều ý kiến thống nhất, thì vẫn còn những vấn đề còn có nhiều
luồng ý kiến khác nhau, trong đó có đề cập đến phạm vi thẩm quyền của Trọng tài. Hầu hết các ý kiến cho rằng cần
mở rộng thẩm quyền của Trọng tài cho tất cả các tranh chấp liên quan đến quyền
và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp
đồng giữa các chủ thể dân sự, không phân biệt tranh chấp thưong mại với dân sự.
Đồng thời nếu hoạt động của trọng tài được mở rộng thì việc xã hội hóa hoạt
động giải quyết tranh chấp sẽ góp phần giảm tải cho hoạt động xét xử của Tòa án
đây cũng chính là mục tiêu khi xây dựng và cho thực hiện việc xã hội hóa hoạt
động giải quyết tranh chấp thương mại. Nhưng, nhiều ý kiến khác lại đề nghị cân
nhắc lại các quy định về việc liệt kê một số tranh chấp mà trọng tài không có
thẩm quyền xét xử như tranh chấp liên quan đến hôn nhân, gia đình, thừa kế; phá
sản; tranh chấp bất động sản... Các ý kiến này cho rằng hiện nay có rất
nhiều tranh chấp liên quan đến các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản mang
tính chất thương mại, vì vậy nếu cứ quy định chung chung liên quan đến bất động
sản là gạt ra ngoài thì sẽ gây khó khăn, giới hạn thẩm quyền của trọng tài.
Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng các biện
pháp khẩn cấp tạm thời cũng là một nội dung được nhiều người quan tâm. Có
ý kiến cho rằng việc mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời rất khó đảm bảo được thực thi trong quá trình tố tụng vì
bản thân trọng tài không phải là cơ quan quyền lực nhà nước mà chỉ là một hình
thức tài phán tư, phi chính phủ và thông lệ quốc tế đó không phải là thẩm quyền
của trọng tài. Nhóm ý kiến này đề nghị dự thảo Luật quy quy định theo hướng Hội
đồng trọng tài có thẩm quyền đưa ra yêu cầu; Tòa án là cơ quan thực hiện các
thủ tục về mặt tố tụng, ban hành quyết định và thực hiện áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời. Ý kiến khác lại cho rằng ngoài thẩm quyền Tòa án hỗ trợ
Trọng tài bằng cách áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài
cũng có quyền áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm để duy trì, khôi
phục hiện trạng tranh chấp, tiến hành các biện pháp bảo quản tài sản cần thiết
đảm bảo cho việc thi hành phán quyết, bảo quản chứng cứ liên quan hay bảo quản
tài sản liên quan đến tranh chấp. Đặc biệt, đối với một số loại tranh chấp có
liên quan đến tài sản, hàng hóa mau bị hư hỏng, nếu chờ các thủ tục của Tòa án
thì sẽ không kịp thời, có thể dẫn đến những tổn thất không đáng có. Ngoài việc
bảo đảm kịp thời giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết trọng tài, việc
Hội đồng trọng tài có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trực
tiếp còn có ý nghĩa nâng cao vai trò hoạt động tài phán tư của trọng tài một
cách độc lập với Tòa án cũng với tư cách là một tổ chức tài phán công.
Tuy nhiên, cũng
có ý kiến cho rằng việc cho phép Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng những biện
pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết nhưng quy định như dự thảo Luật thì khó
thực hiện trong thực tế và không phù hợp với Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự và
khoản 1 Điều 2, khoản 3 Điều 66 Luật thi hành án dân sự. Vì vậy, để việc áp
dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được khả thi, đề
nghị dự thảo Luật cần tham chiếu các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự và
Luật thi hành án dân sự. Theo đó, quy định nghĩa vụ phối hợp của các cơ quan
công an địa phương; công chứng; đăng ký giao dịch bảo đảm; tài nguyên môi
trường; thuế, ngân hàng; các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Có ý
kiến lại cho rằng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 chưa rõ, đề nghị sửa như
sau: “Trước khi áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời Hội đồng trọng tài có thể yêu cầu bên có yêu cầu và bất kỳ bên nào
khác thực hiện các biện pháp bảo đảm cần thiết như là một điều kiện đối với
việc chấp nhận một biện pháp bảo đảm tạm thời”.
Ngoài ra, có ý
kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của các trọng tài viên
theo hướng trọng tài viên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các
bên đương sự bởi các hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật.
Như Ý