Về
nguyên tắc hoạt động bưu chính (điều 4): Đối với các nguyên tắc hoạt động bưu
chính, nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc gia là nguyên tắc hàng đầu nhưng dự thảo
luật chưa đề cập đến (tại điều 4 có nêu “…an ninh thông tin” là chưa đầy đủ,
chưa xem trọng vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động bưu chính). Vì
vậy, đề nghị bổ sung “nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc gia” và đưa nguyên tắc
này lên hàng đầu của luật; lược bỏ cụm từ “an ninh thông tin” tại khoản 1, điều
4.
Về
bảo đảm an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính (điều 14) : Tại
khoản 3, điều 14 dự thảo luật quy định: “Việc tạm đình chỉ vận chuyển, phát bưu
gửi; kiểm tra, xử lý bưu gửi … chỉ được thực hiện sau khi có yêu cầu bằng văn
bản yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định
pháp luật”. Tại điều 73, Hiến pháp 1992 quy định : “Thư tín, điện thoại, điện
tín của của công dân được bảo đảm an toàn bí mật. Việc khám xét chỗ ở, việc bóc
mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm
quyền tiến hành theo quy định của pháp luật”. Người có thẩm quyền là những
người được quy định tại: khoản 1, điều 80 “Những người sau đây có quyền ra lệnh
bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và
Tòa án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc
thẩm Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ
quan điều tra các cấp (Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát
cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành)”; khoản 2, điều 81 “Những người sau đây
có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp: Thủ trưởng, Phó Thủ
trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp
trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến
cảng”. Điều 140, 141, 144 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định về khám
xét, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trong trường hợp bình thường
và trường hợp khẩn cấp. Văn bản yêu cầu trong các trường hợp khám xét, thu giữ
này phải kèm theo lệnh khám xét. Vì quy định của luật này không thể khác Hiến
pháp và các quy định pháp luật hiện hành liên qua. Do đó, đề nghị chỉnh sửa
khoản 3, điều 14 như sau : “Việc tạm đình chỉ vận chuyển, phát hành bưu gửi;
kiểm tra xử lý bưu gửi … chỉ được thực hiện khi người có thẩm quyền tiến hành
theo quy định pháp luật”.
Ngoài
những vấn đề nói trên, dự thảo luật chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối
hợp giữa Bộ Thông tin truyền thông với các Bộ, ngành liên quan của Chính
phủ về công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động bưu chính như : Bộ
Quốc phòng, Bộ Công An, Hải quan… Đề nghị bổ sung (chương, điều, khoản) quy
định cụ thể về vấn đề này. Hơn nữa, Dự thảo Luật chỉ mới quy định về giải quyết
tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính
(chương III) mà chưa đề cập đến việc xử lý vi phạm trong hoạt động bưu chính.
Đề nghị bổ sung thêm các điều, khoản quy định về vấn đề như đã nêu. Dự luật
cũng cần bổ sung quy định về việc áp dụng điều ước quốc tế về hoạt động bưu
chính mà Việt Nam tham gia hoặc thừa nhận để đáp ứng tốt các yêu cầu hội nhập
quốc tế.
Hoài Phương