Kính thưa đồng
chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp
hành Trung ương đảng; Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam,
Kính thưa
các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam,
Kính thưa Quốc hội, thưa các vị
khách quý,
Kính
thưa đồng bào, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cử tri và Nhân
dân cả nước,
Hôm nay, Quốc hội khóa 15 khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8.Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu
Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế
đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp. Xin trân trọng gửi tới quý vị đại biểu, toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ
trang, cử tri cả nước và đồng bào ta ở nước
ngoài lời chúc tốt đẹp nhất.
Kính thưa Quốc hội,
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 diễn ra sau khi Hội
nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thành công rất tốt đẹp.
Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều
vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm
nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của Nhân dân. Tại phiên họp trù bị, các
vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời
gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21/10 đến
ngày 30/11/2024; chia làm 02 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2 từ
ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11. Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu quan trọng. Theo chương trình của Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định
những nội dung sau đây:
Thứ nhất, về công tác lập pháp
Đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian
của Kỳ họp, với 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được
thảo luận, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác. Đây là
kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập
pháp rất lớn.
Các
dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến
nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp
và cử tri, Nhân dân rất quan tâm. Vì vậy, trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương,
nghị quyết của Đảng, xuất
phát từ thực tiễn, lấy
người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội
dung và kỹ thuật lập pháp của
các dự án luật, Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề
theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư,
nghị định; không
cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực,
tăng cường
phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho những người,
cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc; cắt
giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm
soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, đảm bảo khi các luật,
nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất
lượng cao và tuổi
thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính
phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức
thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, về kinh tế - xã hội,
ngân sách nhà nước
Hội
nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 được tổ chức sớm
hơn thường lệ, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thời gian nhiều
hơn để nghiên cứu, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội về kết
quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm
2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án
phân bổ ngân sách trung ương năm 2025(trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước
03 năm 2025 - 2027); tình hình thực
hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Xem xét, quyết định: thành lập thành phố Huế trực thuộc
Trung ương; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn
hóa giai đoạn 2025 - 2035; chủ trương đầu tư Chương
trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống
ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục
Bắc – Nam và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đề nghị các vị đại
biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển
kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá
khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan
trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết
thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức
tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra ở 26 tỉnh,
thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, các vị đại biểu
Quốc hội quan tâm thảo luận, góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của
các chính sách; tính thống
nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội
phát triển, để thực hiện thắng
lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện
thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Thứ ba, về
giám sát tối cao
Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý
kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến
nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao
chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất
động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm
toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám
sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Thứ
tư, về công tác nhân sự
Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm
quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 8 là rất lớn,
thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân
trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát
huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo
luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của
cử tri và Nhân dân cả nước.
Với tinh thần đó, tôi
tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng,
Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách
quý, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cử tri và Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước
ngoài mạnh khỏe, hạnh phúc và thành
công.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nguyễn Hương