Nhiệt độ ở Đồng Nai phân bố không đều giữa các khu vực trong tỉnh, giá trị trung bình nhiều năm ở Biên Hòa vào khoảng 27,0°C, phân bố nhiệt trên toàn tỉnh theo hướng nhiệt độ cao ở khu vực phía Tây Nam và giảm dần về phía Đông Bắc của tỉnh. Trong xu thế BĐKH chung của toàn cầu, nhiệt độ ở Đồng Nai có sự thay đổi đáng kể, đó là sự gia tăng của nhiệt độ đặc biệt trong vài thập kỷ gần đây. Xu thế biến đổi nhiệt độ trung bình, nhiệt độ tối cao tuyệt đối, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối đều có xu hướng tăng.
Phần lớn tổng lượng mưa năm tại tỉnh Đồng Nai chủ yếu là do đóng góp từ lượng mưa trong mùa mưa, chiếm khoảng 85 - 90% so với tổng lượng mưa năm. Lượng mưa ở Đồng Nai phân bố không đều trên địa bàn tỉnh, trong mùa mưa cũng như đối với tổng lượng mưa năm, khu vực trung tâm tỉnh trải dài theo hướng Bắc (phần lớn huyện Định Quán, Tân Phú và Vĩnh Cửu) có xu thế tống lượng mưa giảm, còn tại các khu vực còn lại theo hướng Nam của tỉnh ghi nhận có xu thế tăng trong giai đoạn 1980 - 2019. Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện một số cơn mưa trái mùa gây ảnh hưởng xấu đến nhiều loại cây trồng, mưa trái mùa cộng với thời tiết bất thường cũng là nguyên nhân khiến cây trồng xuất hiện nhiều sâu bệnh hơn. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện những điểm nóng về ngập lụt khi mưa lớn xảy ra. Với việc triên khai đồng bộ các giải pháp như: thực hiện nạo vét, dọn dẹp các lòng suối, đầu tư hệ thống bờ kè, công trình chống ngập..., tình trạng ngập nước vào mùa mưa trên địa bàn đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nhiều khu vực, nút giao thông vẫn còn ngập nặng, chưa được xử lý triệt để.
Dự kiến tác động của BĐKH đến tỉnh Đồng Nai những năm tới
Theo kết quả nhiệm vụ đánh giá khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2021 cho thấy, Đồng Nai là địa phương chỉ chịu những ảnh hưởng của tình trạng BĐKH ở mức độ trung bình. Nhìn chung, kết quả phân tích cho thấy tổng lượng mưa năm tại các trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khuynh hướng tăng trong các kịch bản tương lai tiếp theo, khu vực phía Bắc của tỉnh (phần lớn các huyện Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu) thường có cường độ mưa hàng năm cao nhất, còn khu vực phía Nam và Đông Nam (chủ yếu là huyện cẩm Mỹ) thường ghi nhận có tổng lượng mưa hàng năm thấp nhất trên toàn tỉnh Đồng Nai trong các kịch bản.
(Ảnh: Mưa lớn gây ngập đường phố Biên Hòa)
Qua tính toán ngập cho thấy chỉ có huyện Nhơn Trạch bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng hơn các huyện khác do nằm ở khu vực gần biển, ngoài ra ở huyện Long Thành cũng bị ảnh hưởng bởi lũ, do sự thay đổi dòng chảy, nhưng diện tích này không đáng kể. Tỷ lệ diện tích ngập ở toàn bộ các kịch bản theo các năm dao động trong khoảng 1,56 - 1,68% tương ứng với diện tích ngập khoảng 92,21 - 99,09 km2. Sự thay đổi lưu lượng cũng như mực nước cũng dẫn đến sự thay đổi nồng độ mặn của tỉnh Đồng Nai, ở các kịch bản ranh giới mặn xâm nhập gần qua huyện Nhơn Trạch, theo thời gian ranh giới mặn cứ dần dần tiến sâu hơn vào nội đồng, cụ thể, ở kịch bản cao năm 2100 ranh giới 4%o xâm nhập sâu nhất khoảng 25 km, ranh giới 2%o xâm nhập sâu khoảng 30 km. Cũng theo đánh giá, các lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu sự tác động nhiều nhất của BĐKH trên địa bàn tỉnh là tài nguyên nước, năng lượng, nông nghiệp và hạ tầng kỹ thuật. Xuất phát từ thực tế trên, ngày 18/04/2017 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 1257/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Đồng Nai đã đưa 64 dự án ứng phó với BĐKH vào danh mục ưu tiên với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu tập trung cho công tác chống ngập, thoát nước, các hồ đập thủy lợi và công trình chống xâm nhập mặn.
Lê Lài