Bên cạnh đó là các mối quan tâm về hiệu quả hoạt động
của mô hình này; cơ cấu tổ chức như thế nào cho hợp lý; vấn đề thí điểm gắn với
cải cách hành chính và gắn với việc thực hiện Chỉ thị 31-CT/TƯ của Bộ Chính trị với chủ trương đã được xác định: “Thí
điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là vấn đề quan trọng, nhạy cảm,
liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, cần phải được tiến
hành thận trọng và có bước đi thích hợp”. Dù bàn về nội dung nào, ý kiến của
các đại biểu đều hướng đến vấn đề chung nhất là tại sao Đồng Nai tổ chức thí
điểm; việc thí điểm này có cần thiết hay không. Trong khuôn khổ thông tin tại
Bản tin HĐND tỉnh, xin trao đổi về các nguyên nhân đã được rút ra sau Hội nghị
tổng kết.
Nguyên nhân chính vẫn là những vấn đề xuất phát từ
thực tế hoạt động của HĐND cấp xã và tổ đại biểu HĐND tỉnh làm nảy sinh ý tưởng
làm sao để nâng cao năng lực hoạt động cho hai tổ chức này đáp ứng với yêu cầu
đại diện, yêu cầu của cử tri, nhân dân và công cuộc đổi mới đất nước.
Đồng chí Huỳnh Chí Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
báo cáo kết quả thực hiện hai mô hình thí điểm tại Hội nghị
Đối với thí điểm Ban HĐND cấp xã xuất phát từ đánh giá
chung, hoạt động của HĐND cấp xã nói chung và hoạt động giám sát nói riêng luôn
được các ngành, các cấp, các phương tiện thông tin cũng như cử tri đánh giá là
còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới và nguyện
vọng của nhân dân. Vấn đề này được rút ra thông qua việc nhiều địa phương đã
triển khai đề tài khoa học và tổ chức khảo sát để đánh giá mà gần nhất là hai
tỉnh lân cận Bình Dương và Bình Phước đã tiến hành. Tại Đồng Nai, hoạt động của
HĐND cấp xã cũng không tránh khỏi những hạn chế chung đã được nhìn nhận. Do
HĐND các cấp không phải là hệ thống dọc nên
việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kỹ năng hoạt động của HĐND, của Thường trực
Hội đồng nhân dân và Tổ đại biểu không được thực hiện một cách có hệ thống như
UBND các cấp mà hoạt động có thể nói là tương
đối độc lập, chỉ có thể nhận được sự phối hợp hoạt động của HĐND cấp tỉnh và
cấp huyện, nhưng sự phối hợp này không thường xuyên, không cụ thể và không mang
tính bắt buộc vì không được quy định rõ ràng trong Luật. Trình độ, năng lực đại
biểu HĐND cấp xã và hệ thống tổ chức của HĐND cấp xã còn nhiều hạn chế và bất
cập, đại biểu thiếu kỹ năng, phương pháp giám sát; không có điều kiện tiếp cận
thông tin trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã được quy
định rất rộng so với năng lực hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND cấp xã.
Thường trực HĐND cấp xã chỉ có 2 người, trong đó chỉ có một người chuyên trách
thường là phó Chủ tịch HĐND còn Chủ tịch HĐND cấp xã thường là Bí thư Đảng uỷ
kiêm nhiệm, không có Ban chuyên môn, không có chuyên viên giúp việc riêng cho
hoạt động HĐND là những khó khăn, thách thức lớn mà HĐND cấp xã phải vượt qua
để đảm bảo quyền lực nhà nước ở địa phương.
Cũng như HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, HĐND cấp xã cần
phải ngang tầm với nhiệm vụ của mình. Để khắc phục một cách cơ bản những yếu
kém, tồn tại trên đây của HĐND cấp xã, ngoài việc nâng cao trình độ, năng lực
và kỹ năng hoạt động của đại biểu, tăng cường đầu tư trang thiết bị và phương
tiện làm việc cho HĐND cấp xã, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai nhận
thấy vấn đề cơ bản và rất cần thiết phải thành lập Ban HĐND cấp xã để khắc phục
những hạn chế nêu trên. Chính vì vậy, trong năm 2006, được sự cho phép của
Thường trực Tỉnh ủy và Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc Hội,
Đồng Nai đã thí điểm thành lập 6 Ban HĐND cấp xã tại một huyện, một thành phố
và một thị xã. Trong năm 2007, đã mở rộng đến 58/171 xã, phường, thị trấn.
Kể từ khi thành lập đến nay, HĐND các xã có thí điểm
thành lập Ban HĐND đã thể hiện sự khác biệt cơ bản so với trước khi thành lập.
Qua đánh giá phân loại hoạt động của các Ban HĐND xã cho thấy kết quả như sau:
số Ban hoạt động tốt: 31 Ban chiếm tỷ lệ 53%; số Ban hoạt động khá: 18 Ban
chiếm tỷ lệ 31% và số Ban hoạt động trung bình: 09 Ban chiếm tỷ lệ 16%.
Đồng chí Lương Thị Lan, nguyên Bí thư Đảng ủy
phường Bình Đa
trình bày về những tác động trong hoạt động của
Ban HĐND cấp xã
thí điểm
Đối với tổ đại biểu HĐND tỉnh, thực tế các Tổ đại biểu
và đại biểu HĐND tỉnh chất lượng hoạt động chưa cao, chưa phát huy hết vai trò
của Tổ đại biểu và đại biểu. Mối quan hệ
giữa các thành viên trong Tổ đại biểu còn mờ nhạt; chất lượng họp Tổ đại biểu
phần lớn chưa đạt yêu cầu, còn có biểu hiện hình thức; công tác phân loại, xử
lý ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số Tổ đại biểu chưa được tiến hành một
cách nề nếp, đúng quy định. Việc thực hiện vai trò giám sát của đại biểu HĐND
tỉnh trên địa bàn nơi ứng cử không rõ và mờ nhạt; việc dành thời gian cho hoạt động
đại biểu của một số vị đại biểu HĐND chưa nhiều. Hoạt động giữa hai kỳ họp HĐND
tỉnh chủ yếu mới chỉ tập trung vào các đại biểu HĐND chuyên trách và việc tham
gia đoàn giám sát của các đại biểu còn rất hạn chế.
Từ thực trạng hoạt động của các tổ đại biểu và hoạt
động của đại biểu nên trên, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai nhận thấy yêu cầu cần thiết phải nâng cao chất
lượng hoạt động cho các tổ đại biểu HĐND tỉnh nhằm khắc phục một cách cơ bản
những hạn chế, khó khăn, giúp cho các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh phát
huy vai trò, tính chủ động của mình. “Đòn bẩy” để nâng cao chất lượng hoạt động
của tổ đại biểu HĐND tỉnh chính là việc triển khai hoạt động giám sát để các
đại biểu có thêm thông tin về địa bàn ứng cử; nâng cao hơn nữa ý thức trách
nhiệm trong việc tìm hiểu, nắm bắt các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà
không bó hẹp trong lĩnh vực chuyên môn của ại biểu. Chính vì vậy, giám sát của
tổ đại biểu HĐND tỉnh đã được triển khai thí điểm tại 03/11 tổ đại biểu từ năm
2008 và nâng lê 05 tổ trong năm 2009.
Những nhận
định nêu trên đã được Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai trình bày tại Hội nghị
tổng kết hai mô hình thí điểm đã được đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại
diện các ngành Trung ương, các địa phương và các cơ quan trong tỉnh đánh giá là
phù hợp. Sự phù hợp này càng được chứng minh làm sáng tỏ hơn nữa thông qua
những kết quả nổi bật mà hai mô hình thí điểm đã đạt được.
Sau Hội nghị tổng kết, các đại biểu đã nhất trí kiến
nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về 6 vấn
đề: Quy định HĐND cấp xã có Thường trực HĐND gồm 3 thành viên như Thường trực
HĐND cấp tỉnh, cấp huyện như hiện nay; quy định HĐND cấp xã có 02 Ban HĐND cấp
xã là Ban Kinh tế Xã hội, Ban Pháp chế; quy định thêm vai trò tổ đại biểu HĐND
cấp tỉnh theo hướng tăng thẩm quyền hoạt động nhất là trong hoạt động giám sát;
hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu HĐND trong cuộc
bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ tới; có sự quan tâm hơn nữa đến việc đảm bảo chất
lượng của đại biểu HĐND để đảm bảo cho việc thực thi quyền lực nhà nước ở địa
phương; xây dựng Luật Giám sát của HĐND và sớm có kế hoạch tổng thể về sửa đổi
Hiến pháp và các Luật tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có Luật Tổ chức HĐND và
UBND trước khi bầu cử HĐND các cấp. Đây chính là những vấn đề rất có ý nghĩa
đối với công tác xây dựng Chính quyền trong thời gian tới.
Nguyễn
Thị Oanh