Tại phiên họp, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc., Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, so với dự thảo Pháp lệnh ban đầu, dự thảo Pháp lệnh đã được tiếp thu, chỉnh lý 46/48 điều; Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan đã cơ bản thống nhất cao. Dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH thông qua gồm có 5 chương, 48 điều.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh và tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Theo đó, Pháp lệnh gồm có 5 chương, 48 điều, quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Pháp lệnh quy định rõ 9 nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó có nguyên tắc: Chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy; Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị;…
Thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này; thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có yêu cầu của Tòa án. Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quyết định của Tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó,…
Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được ban hành nhằm bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, bảo đảm việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và quy phạm quốc tế dành cho người dưới 18 tuổi; Đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy;…/.
Nguyễn Hương