Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủThông tin KT-XH

Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay

Đăng ngày: 16/03/2023
​Toàn tỉnh hiện có 138/170 xã, phường, thị trấn có Trung tâm, đạt tỷ lệ 81,2%.
 

​Theo báo cáo, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cơ bản xây dựng hoàn thành và hoạt động ổn định. Toàn tỉnh hiện có 138/170 xã, phường, thị trấn có Trung tâm, đạt tỷ lệ 81,2%. Đối với 120/120 xã xây dựng nông thôn mới, đến nay còn 05/120 xã chưa có Trung tâm văn hóa. Các Trung tâm đều được trang bị các thiết bị cơ bản ban đầu như: Dàn âm thanh, màn hình tivi, phông màn, bàn, ghế, tủ... để phục vụ Nhân dân và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tại các Trung tâm cũng được bố trí phòng đọc sách, điểm khoa học - công nghệ và các dụng cụ tập thể thao ngoài trời.

Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp được nâng cấp và xây mới, hầu hết đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có 865/932 ấp, khu phố có Nhà văn hóa - Khu thể thao, đạt tỷ lệ 92,8%, trong đó có 698/865 (đạt 80,69%) ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn về diện tích khu nhà văn hóa, 695/865 (đạt 80,34%) đạt chuẩn về diện tích khu thể thao, 695/697 (đạt 99,71%) ấp, khu phố đạt chuẩn về Nhà văn hóa. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Biên Hòa và Long Khánh do hạn chế về quỹ đất, đa số các Nhà văn hóa khu phố của các phường nội ô diện tích đều nhỏ hẹp. 

Đội ngũ công chức văn hóa - xã hội các huyện, thành phố có trình độ chuyên môn trong công tác tham mưu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Số lượng cán bộ làm công tác quản lý tại các Trung tâm, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp về cơ bản đã thực hiện theo đúng Nghị quyết số 139/2018/NQ- HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định về tổ chức nhân sự và chế độ hỗ trợ đối với cấp xã; Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. 

ngoi nha tri tue.jpeg Các em học sinh đọc sách tại "Ng​ôi nhà trí tuệ" xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu
 

Công tác triển khai các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao của các huyện, thành phố được triển khai tương đối đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp Nhân dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương. Hàng năm, các Trung tâm đã xây dựng kế hoạch hoạt động, khai thác tốt công năng của Trung tâm, tổ chức tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động gắn với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị của địa phương; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của các tầng lớp Nhân dân như: tổ chức các hội thi, hội diễn văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; các buổi biểu diễn văn nghệ lồng ghép với thông tin tuyên truyền lưu động và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh về biểu diễn phục vụ... Bên cạnh đó, các Trung tâm đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xã, các đơn vị, cơ quan chức năng đóng trên địa bàn tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn phù hợp với tình hình thực tế như các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật, xã hội, chính trị; các lớp học về Luật Giao thông đường bộ; hội thảo chuyển giao công nghệ sản xuất; các lớp tập huấn kỹ thuật vật nuôi, trồng cây lâu năm hoặc cây ngắn ngày có giá trị...

Một số Trung tâm và Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố có cơ sở vật chất, sân bãi tốt và vị trí thuận lợi đã tổ chức đa dạng các hoạt động, huy động thêm nguồn kinh phí từ học viên và hoạt động xã hội hóa (đầu tư sân bóng đá, sân cầu lông, khu vui chơi thiếu nhi...); qua đó, đã thu hút được người dân đến tham gia vui chơi, sinh hoạt, đồng thời, góp phần tăng nguồn thu và đa dạng các hoạt động. Nổi bật một số Trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ) như: Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, ngoài khối nhà chính, công trình phụ trợ, Hội trường và các phòng chức năng, còn có 03 sân cầu lông, 01 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 01 sân bóng chuyền, khuôn viên sân có trang bị nhiều bộ ghế đá phục vụ nghỉ ngơi và thư giãn, diện tích sân rộng rãi thoáng mát đáp ứng được nhu cầu thể dục - thể thao, Trung tâm thu hút trên 350 lượt người/ngày. Nhà Văn hóa ấp 2, xã Gia Canh, Nhà Văn hóa ấp 7, xã Phú Ngọc, Nhà văn hóa khu phố 114, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán với diện tích trên 1.000m2, có những hoạt động nổi bật thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt; ngoài các khoản kinh phí được nhà nước hỗ trợ, Ban ấp, khu phố còn tích cực vận động Nhân dân đóng góp kinh phí nâng cấp sửa chữa, bổ sung trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể dục, thể thao; hàng ngày có hàng trăm lượt người dân đến vui chơi, giải trí, tập luyện. Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu thành lập “Ngôi nhà trí tuệ”. Đây là Ngôi nhà trí tuệ đầu tiên trong chuỗi 9 ngôi nhà sẽ được thành lập ở huyện Vĩnh Cửu. Theo đó, “Ngôi nhà trí tuệ” tại xã Tân Bình nằm trong khuôn viên Trung tâm VHTT-HTCĐ được trang bị đầy đủ các thiết chế văn hóa, bảo đảm hoạt động cho mọi lứa tuổi, nhằm phát huy tối đa hiệu quả công năng sử dụng nhà văn hóa cộng đồng. Trong đó, khu thư viện được bố trí cả ngàn đầu sách thuộc các lĩnh vực gồm pháp luật, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử, văn học, truyện... phù hợp với nhu cầu đọc của người dân. Ngoài ra, nơi đây còn có lớp học tiếng Anh cùng nhiều sân chơi cho các câu lạc bộ.

Bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như hiện nay, còn 69/932 ấp, khu phố chưa có Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố (chiếm tỷ lệ 10,9%) nên một số ấp, khu phố gần nhau sử dụng chung Nhà Văn hóa - Khu thể thao. Vẫn còn nhiều trung tâm VHTT-HTCĐ, nhà văn hóa ở một vài địa phương do đã xuống cấp, kinh phí phân bổ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của đặc điểm từng địa phương, các hoạt động hầu hết dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa nên đã dừng hoạt động, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số phòng đọc Thư viện của các trung tâm VHTT-HTCĐ ở vài địa phương hoạt động không hiệu quả vì chưa thật sự chú trọng đến công tác bổ sung đầu sách, báo, không có cán bộ trực phòng đọc để phục vụ Nhân dân. Đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động tại Trung tâm đã được kiện toàn nhưng vẫn còn bất cập về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác, ảnh hưởng đến công tác tổ chức hoạt động tại các Trung tâm.

Lê Lài