Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được phân chia thành 4 dự án thành phần với các chủ đầu tư khác nhau, cụ thể:
- Dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như Hải quan, Công an, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế,... bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
- Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.
- Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác sân bay thực hiện: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
- Dự án thành phần 4 - các công trình khác: nhà đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức lựa chọn.
Theo Quyết định, các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Hình ảnh: Phối cảnh Cảng hàng không Quốc tế Long Thành
Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Về quy mô đầu tư xây dựng giai đoạn 1, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đường băng Cảng hàng không quốc tế Long Thành dài 4.000m, rộng 75m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2; xây dựng Đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m và các hạng mục phụ trợ... Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất để quản lý và vận hành khai thác sân bay theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương các sân bay tiên tiến trên thế giới...
Về nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp việc đề xuất với Hội đồng Thẩm định Nhà nước về nội dung giao ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp.
Để kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, xây dựng hệ thống đường giao thông được xây dựng gồm: tuyến số 1 nối Cảng với quốc lộ 51 với quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành với quy mô 4 làn xe và các nút giao.
Về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với ACV và các cơ quan liên quan thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư 2 tuyến giao thông kết nối theo quy định của pháp luật hiện hành. Để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 cần khoảng 2.668 ha đất, gồm 1.810 ha đất để xây dựng sân bay; khoảng 136 ha đất cho hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2; 722 ha tập kết đất dư thừa xây dựng giai đoạn 1 và để dự trữ xây dựng cho các giai đoạn tiếp theo.
Hình ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai giám sát tiến độ thực hiện dự án vào tháng 5/2020
Để phục vụ cho việc khởi công dự án trong tháng 01/2021, gày 20/10/2020, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức bàn giao hơn 2.589ha cho Bộ Giao thông - vận tải (trong đó có 1.810ha là khu vực ưu tiên) để làm dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành như cam kết với Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục kiểm đếm và áp giá, lập phương án phê duyệt phần diện tích đất còn lại trong tổng số 5.000 ha để thực hiện dự án theo quy định.
Tuấn Anh