Trên địa bàn thành phố Long Khánh hiện có 15 Trung tâm VHTT-HTCĐ, trong đó, số Trung tâm đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 10 trung tâm (04 Trung tâm VHTT-HTCĐ xã và 06 Trung tâm VHTT-HTCĐ phường); 58 Nhà Văn hóa ấp, khu phố, trong đó, số Nhà Văn hóa đạt chuẩn quy định: 15 Nhà Văn hóa ấp, đa số các Nhà Văn hóa khu phố có diện tích chưa đảm bảo theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Từ đầu năm 2019 đến nay, các Trung tâm VHTT-HTCĐ phường, xã tổ chức gần 280 cuộc tuyên truyền, 116 hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng và 152 hội thao, giải thi đấu quần chúng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của địa phương. Đặc biệt là các đợt sinh hoạt tuyên truyền nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân; tuyên truyền kỷ niệm ngày giải phóng Long Khánh (21/4), ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); tuyên truyền Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 5 phường và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai; tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp... thu hút sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố, tạo khí thế thi đua sôi nổi hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm. Bên cạnh đó, Trung tâm VHTT-HTCĐ phường, xã cũng thường xuyên duy trì các lớp phổ cập giáo dục, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. Trong năm 2019 và 2020, các ngành chức năng thành phố phối hợp UBND các phường, xã tổ chức 86 lớp phổ cập giáo dục, các chuyên đề về khoa học kỹ thuật, y tế, pháp luật thu hút gần 36.000 lượt người tham dự.
Đối với hoạt động của các nhà Văn hóa các ấp, khu phố thường xuyên duy trì các hoạt động sinh hoạt định kỳ của Chi bộ, các đoàn thể ấp, khu phố; tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và nhiệm vụ chính trị của địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ và các hoạt động thể dục thể thao.
Nhìn chung, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và rèn luyện của các tầng lớp nhân dân, thu hút 85% dân số tham gia hoạt động văn hóa và 46,8% dân số tham gia hoạt động thể thao thường xuyên. Việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng phường, xã và Nhà Văn hóa ấp, khu phố luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và sự phối hợp của Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể thành phố. Các thiết chế văn hóa trên địa bàn có nền tảng ổn định, đội ngũ công chức văn hóa - xã hội các phường, xã có trình độ chuyên môn, thâm niên trong công tác tham mưu tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Do đó, công tác triển khai các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa được triển khai tương đối đồng bộ, hiệu quả.
Tuy nhiên, hoạt động của các TTVH thể thao - Học tập cộng đồng, nhà văn hóa trên địa bàn thành phố còn một số khó khăn liên quan đến kinh phí tổ chức hoạt động hàng năm; hầu hết, các Nhà Văn hóa khu phố có quy mô nhỏ, hẹp do được nâng cấp từ trụ sở khu phố trước đây nên các hoạt động chủ yếu là hội họp, sinh hoạt đoàn thể, chưa đảm bảo chức năng cơ bản của thiết chế văn hóa cơ sở; hoạt động học tập cộng đồng chưa thật sự phong phú. Công tác huy động xã hội hóa các hoạt động văn hóa tại Trung tâm VHTT-HTCĐ và Nhà Văn hóa ấp, khu phố còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa chủ yếu phục vụ cho tặng thưởng các giải thành tích cao trong hội thi, hội thao; chưa đủ điều kiện để đầu tư nâng cấp các hạng mục phục vụ lâu dài cho nhu cầu của quần chúng.
Lê Lài