Việc phát triển dự án nhà ở xã hội trên
địa bàn tỉnh thời gian qua đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các cấp, bộ
ngành, địa phương và người dân. Đến nay đã có nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội
trên địa bàn tỉnh nhưng nhìn chung các dự án triển khai còn chậm so với tốc độ
tăng lên về số lượng người lao động hằng năm, do một số nguyên nhân như: Hệ thống
hạ tầng xã hội (cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao,…) chưa đồng bộ, chưa
đáp ứng được nhu cầu của lao động trong các khu công nghiệp. Mặt khác, do chưa
có quy định bắt buộc các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải lo chỗ ở cho
người lao động nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia phối hợp trong việc đầu
tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà ở cho
công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế
chính sách về phát triển nhà ở chưa thống nhất, đồng bộ, nhiều cơ chế chính
sách ưu đãi khi triển khai trên thực tế còn vướng mắc nên chưa khuyến khích các
doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng. Một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng
rào còn chưa xây dựng đồng bộ nên chưa thu hút hết khả năng nhu cầu chỗ ở của
công nhân; việc hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào chưa có quy định rõ về mức
hỗ trợ khiến doanh nghiệp băn khoăn khi tính toán đầu tư. Doanh nghiệp trong
các khu công nghiệp không có quỹ đất và thiếu vốn nên hạn chế tham gia đầu tư
xây dựng nhà ở cho công nhân của mình, chỉ hỗ trợ một phần tiền thu nhà cho
công nhân.
Trong quá trình tổ chức, triển khai thực
hiện một số cấp chính quyền cơ sở chưa có kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển
khai chương trình một cách có hiệu quả; thiếu kiểm tra, giám sát, thống kê việc
xây dựng nhà ở của nhân dân tại địa phương; công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp
giữa các cấp, các ngành trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý nhà ở
thiếu đồng bộ, điều kiện hoạt động của tổ chức còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt
là ở cấp cơ sở.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh (khóa IX) khảo sát nhà ở xã hội Sơn An tại phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa
Trình tự thủ tục về lựa chọn chủ đầu tư,
chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị mới
còn nhiều bất cập, chồng chéo, mất nhiều thời gian chưa có sự thống nhất giữa
quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án khu đô thị giữa Luật Nhà
ở, Luật Đầu tư, Luật Đất đai mới dẫn đến nhiều dự án nhà ở đô thị chậm tiến độ.
Hệ thống cơ chế, chính sách phát triển,
quản lý nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu
tính ổn định, chưa có sự thống nhất gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều
hành tăng thủ tục hành chính.
Về đầu tư nhà ở xã hội hiện nay trên địa
bàn tỉnh thực hiện chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp; do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời
gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao; mặt khác gói hỗ trợ lãi suất vay của
Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thông qua
Ngân hàng chính sách địa phương thấp. Do vậy, việc kêu gọi đầu tư phát triển
nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; ngoài ra, thủ tục
hành chính lựa chọn chủ đầu tư còn vướng mắc do quy định của pháp luật về công
tác lựa chọn chủ đầu tư còn chồng chéo, chưa cụ thể, quy trình thực hiện nhiều
bước, thủ tục phức tạp nên trong thực hiện mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn
đến việc thu hút đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa X về xây dựng nhà ở xã hội
Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai luôn là tỉnh
dẫn đầu cả nước về phả triển công nghiệp. Công nghiệp phát triển giúp tỉnh trở
thành một trong các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách. Lực lượng lao
động, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay rất
đông, trong đó, số lượng công nhân lao động là người ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ khá
lớn, đa số đều có thu nhập thấp và có nhu cầu cao về nhà ở tại địa phương. Do
đó, tỉnh cần có chính sách quan tâm phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu
cho đối tượng này. Trong thời gian tới, tỉnh cần đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở
của công nhân và có giải pháp cụ thể để triển khai, trong đó, ngoài các giải
pháp liên quan đến vai trò của các cơ quan Trung ương trong việc hoạch định
chính sách pháp luật, chính quyền địa phương cần tập trung vào những giải pháp
cụ thể sau:
Chính quyền địa phương quy hoạch tạo quỹ
đất xây dựng nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp, người có thu nhập thấp tại đô
thị, đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho xây dựng nhà ở và công trình công cộng vì
lợi ích cộng đồng. Trên cơ sở đảm bảo gắn kết hạ tầng kỹ thuật của khu công
nghiệp và hạ tầng xã hội bên ngoài khu công nghiệp như giao thông, giáo dục, y
tế, thiết chế văn hóa cộng đồng,… Hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng
kỹ thuật trong hàng rào từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng
nhà ở có tỷ lệ từ 50% nhà ở cho thuê trở lên.
Ưu tiên dành quỹ đất để đầu tư xây dựng
nhà ở cho đối tượng người có thu nhập thấp; khuyến khích phát triển loại hình
nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, thu nhập thấp trên địa bàn. Khuyến
khích, hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực
đô thị, công nhân lao động tại các khu công nghiệp để ổn định, phát triển sản
xuất, học tập,…
Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp,
khu chế xuất”, đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân, nhà trẻ, siêu
thị và các công trình văn hóa, thể thao,…để nâng cao đời sống công nhân trong
các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Khuyến khích các hộ dân xây dựng nhà ở
cho người lao động thuê. Với tình hình số lượng lao động tăng nhanh như hiện
nay và các dự án nhà ở còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động về nhà ở.
Giải pháp này được thực hiện thông qua việc hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để
xây dựng nhà ở cho thuê, giảm thuế đất kinh doanh tại các hộ có công trình xây
dựng nhà ở cho người lao động, triển khai các cơ sở hạ tầng gần với khu dân cư
phục vụ cho người lao động,…
Nghiên cứu, ban hành những cơ chế chính
sách cụ thể và thông thoáng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao đọng ngoài địa
phương có nhu cầu nhà ở lâu dài tại địa phương. Đảm bảo đời sống cho người lao
động và đặc biệt là giải quyết vấn đề nhà ở là một hướng đầu tư hiệu quả, vừa
có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, chính vì vậy cần có sự thống nhất trong
việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động nhằm đảm bảo đời sống cho người
lao động và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ổn định.
Đức Thể