Qua giám sát cho thấy pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo và pháp luật có liên quan ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp
lý chặt chẽ, thống nhất, bảo đảm để thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước,
người có trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng
thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định; đảm bảo gắn công tác tiếp công dân
với giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được dư luận, cử tri và
Nhân dân quan tâm và đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, qua giám sát cho thấy việc
thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một
số tồn tại hạn chế, bất cập. Một số quy định, nội dung hướng dẫn chưa đảm bảo
tính thống nhất với pháp luật có liên quan; tính khả thi trong thực tiễn còn hạn
chế; có nội dung chưa có quy định hoặc hướng đẫn ban hành còn chậm, chưa kịp thời
sửa đổi, bổ sung khi không còn phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Việc tiếp công dân định kỷ của người đứng đầu ở một số Bộ, ngành, địa phương
chưa được quan tâm, thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Phân loại đơn thư
còn nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh. Chất lượng
giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết lần đầu ở cấp huyện chưa tốt,
còn sai sót; một số cán bộ, công chức thiếu ý thức trách nhiệm, không thực hiện
đúng quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại,
tố cáo; chưa quan tâm đúng mức đến việc tiếp, đối thoại, lắng nghe ý kiến của
công dân; trách nhiệm phối hợp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hình thức, kém hiệu quả, ứng dụng
công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu, quản lý đơn thư khiếu nại, tố
cáo hiệu quả chưa cao…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, bên cạnh
nguyên nhân do quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố
cáo một so nội dung còn bất cập thì nguyên nhân chủ quan chủ yếu là việc tổ chức,
thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số ngành, địa
phương còn nhiều hạn chế, chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ,
chưa làm hết nhiệm vụ được giao; người đứng đầu một số cơ quan đơn vị chưa quan
tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất
là trong việc chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc tiềm ẩn
yếu tố phức tạp ngay từ khi mới phát sinh ở cấp cơ sở.
Nghị quyết
đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp,
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan
có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức thực
hiện Nghị quyết và báo cáo kết quả thực hiện tại Phiên họp tháng 10/2023 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội.
Ngọc Diệp