Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 53-T05.2009

Trung tâm phục hồi chức năng xã Bình Sơn- khi nào mới trở lại hoạt động ?

Đăng ngày: 01/09/2009
Trung tâm phục hồi chức năng xã Bình Sơn huyện Long Thành được thành lập từ năm 2001, đến giữa năm 2006 đã ngưng hoạt động do thiếu nguồn kinh phí. Từ khi trung tâm giải thể, ngành y tế vẫn thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cho các em thuộc danh sách quản lý của trung tâm thông qua mạng lưới cộng tác viên y tế thôn, ấp. Các cộng tác viên đến chăm sóc các em tại nhà và hướng dẫn phụ huynh về kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng cho các em. Tuy nhiên, kết quả tập luyện tại nhà không khả quan.
Thường trực HĐND tỉnh giao UBND huyện Long Thành chủ trì thực hiện đề án khôi phục lại tổ chức, hoạt động của Trung tâm Bình Sơn
Thực hiện Quyết định số 10/QĐ-HĐND ngày 12/3/2009 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, vào ngày 24/3/2009, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát Trung tâm phục hồi chức năng xã Bình Sơn huyện Long Thành . Tham gia đoàn giám sát gồm có: ông Nguyễn Văn Dũng-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh-Trưởng đoàn; ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh, phó đoàn.

Trung tâm phục hồi chức năng xã Bình Sơn huyện Long Thành được thành lập từ giữa năm 2001, do sự vận động tài trợ của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và được địa phương hỗ trợ đất đai, cơ sở vật chất để thành lập, bước đầu trực thuộc Ủy ban dân số gia đình và trẻ em, có sự hỗ trợ về chuyên môn của trạm y tế xã và do địa phương quản lý. Qua quá trình hoạt động của Trung tâm đã tạo một số hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu phục hồi chức năng cho trẻ em nhiễm chất độc da cam và trẻ em tàn tật tại xã Bình Sơn, thị trấn Long Thành và khu vực lân cận, cá biệt có những em từ các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ có nhu cầu cũng được Trung tâm tiếp nhận, điều trị. Tuy nhiên, qua quá trình chuyển đổi cơ cấu tổ chức của Ủy ban DSGĐ&TE dẫn đến việc trung tâm không còn cơ quan chủ quản, và trên thực tế đã ngưng hoạt động từ đầu năm 2006 do không còn nguồn tài trợ. Số lượng trẻ em tàn tật cho đến thời điểm trung tâm ngưng hoạt động là khoảng 60 em, một số trong tình trạng khuyết tật rất nặng, rất cần sự chăm sóc đặc biệt, một số ở tình trạng khuyết tật nhẹ, nếu được chăm sóc đúng cách sẽ có khả năng hòa nhập cộng đồng. Sau khi trung tâm ngưng hoạt động, các em được chăm sóc, tập luyện tại gia đình. Do trung tâm là một tổ chức được thành lập tự nguyện, không thuộc nhiệm vụ chính của cơ quan chức năng nào, cho nên việc giải thể của trung tâm cũng không thể quy trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn. Thực tế, từ khi trung tâm giải thể, ngành y tế vẫn thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cho các em thuộc danh sách quản lý của trung tâm thông qua mạng lưới cộng tác viên y tế thôn, ấp. Các cộng tác viên đến chăm sóc các em tại nhà và hướng dẫn phụ huynh về kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng cho các em. Tuy nhiên, thực tế là kết quả tập luyện tại nhà không khả quan.

Vào năm 2008, Thường trực HĐND tỉnh đã khảo sát tại trung tâm này nhân đợt giám sát về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Tại đợt khảo sát, Thường trực HĐND Tỉnh đã làm việc với cơ quan chức năng gồm Sở Y tế, Sở Lao động TB&XH tỉnh để đặt vấn đề khôi phục lại hoạt động cho Trung tâm, và thực tế sau đợt khảo sát năm 2008, Sở Y tế đã tiến hành điều tra nhu cầu được tập luyện phục hồi chức năng của những gia đình có con em bị thiểu năng tại xã Bình Sơn và khu vực lân cận. Tuy nhiên, đến nay mọi kế hoạch mới chỉ nằm trên giấy. Qua tái khảo sát cho thấy, trung tâm vẫn cửa đóng then cài, máy móc thiết bị để lâu không sử dụng nên đã xuống cấp dần, một chiếc xe đa-su do công ty SONADEZI tài trợ để hỗ trợ đưa đón các em cũng đã xuống cấp nặng, không thể sử dụng được nếu không được tu bổ, sửa chữa lại, gây lãng phí.

Qua thời gian hoạt động của trung tâm đã cho thấy thực trạng trẻ em tàn tật đang rất cần sự hỗ trợ của xã hội. Đa số các em là con em gia đình lao động, điều kiện kinh tế khó khăn. Một số em khác, cha mẹ có công ăn việc làm ổn định, tuy nhiên vì quá trình điều trị cho các em quá tốn kém đã khiến cha mẹ phải bán đất đai, mất hết vốn liếng làm ăn, lâm vào cảnh nợ nần. Vì hầu hết các em đều có gia cảnh khó khăn, cha mẹ bận đi làm, để các em ở nhà không được vận độngcơ bắp gây co rút rất đau đớn, một số gia đình có điều kiện tập luyện cho các em, nhưng do thiếu kỹ thuật và máy móc nên tình trạng sức khỏe cải thiện không đáng kể. Trong khi nếu trung tâm được hoạt động trở lại, các em sẽ được chăm sóc, tập luyện tăng cường sức khỏe, hồi phục được một phần chức năng, thậm chí có những em khuyết tật dạng nhẹ có khả năng hòa nhập cộng đồng, có thể đi học, làm được những công việc đơn giản, nhẹ nhàng để tự mưu sinh, giúp giảm gánh nặng cho xã hội. Không những thế, việc này sẽ đem lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc để giúp các em được hưởng thụ tốt nhất quyền con người mà các em có được từ khi sinh ra, như những trẻ em lành lặn khác. Ngoài ra, khi trung tâm hoạt động, tất yếu sẽ khôi phục lại được một số nguồn tài trợ của các cá nhân/tổ chức trong và ngoài nước như trước đây đã từng có. Đây cũng chính là việc tạo một cơ chế có hiệu quả để thu hút nguồn lực của xã hội vào các hoạt động nhân đạo cho các đối tượng rất xứng đáng này.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa trung tâm hoạt động trở lại, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND huyện Long Thành chủ trì thực hiện đề án, tổ chức cuộc họp với các cơ quan chức năng của tỉnh ( Sở Nội vụ, Sở Lao động TB&XH tỉnh)  và các tổ chức xã hội để thống nhất phương án đưa tổ chức hoạt động của Trung tâm phục hồi chức năng xã Bình Sơn, dự kiến cơ cấu nhân sự, phương thức và kinh phí hoạt động hàng năm để trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định, phân bổ ngân sách cho hoạt động của Trung tâm.

Kim Chung