Để đảm bảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân không trái với các quy định của Hiến pháp thì cơ quan soạn thảo văn bản phải nắm rõ và hiểu đúng các quy định cụ thể của Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực điều chỉnh của văn bản đang soạn thảo. Cần lưu ý rằng các quy định của Hiến pháp có thể được chia ra làm hai loại: những quy định có giá trị thi hành trực tiếp và những quy định có giá trị thi hành gián tiếp thông qua các đạo luật cụ thể. Ví dụ: nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” được quy định tại Điều 52 Hiến pháp có giá trị thi hành trực tiếp và bất kỳ văn bản pháp luật nào dưới Hiến pháp đều phải bảo đảm rằng không có sự phân biệt đối xử đối với công dân trước pháp luật, trong khi quy định khác của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh (Điều 57 của Hiến pháp) thì được coi là quy định có giá trị thi hành gián tiếp bởi lẽ quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp quy định là “tự do kinh doanh theo pháp luật”. Điều này có nghĩa là Hiến pháp giao cho Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền khác ban hành các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định quyền tự do kinh doanh của công dân ở mức độ nào, thông qua các hình thức nào và phải tuân thủ các thủ tục nào…
Trong trường hợp thứ nhất thì khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cần phải cân nhắc là những quy định trong dự thảo có hạn chế quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật hay không để trả lời câu hỏi là các quy định đó có hợp hiến hay không? Còn trong trường hợp thứ hai thì cơ quan soạn thảo phải dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật khác liên quan đến quy định về kinh doanh, ví dụ Luật doanh nghiệp và các nghị định … để xác định tính hợp hiến của các quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân.
Khi kiểm tra tính hợp hiến của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định cần đặc biệt lưu ý đến các quyền cơ bản của công dân mà Hiến pháp đã quy định để đảm bảo rằng các quyền đó không bị hạn chế hoặc vi phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Có thể xây dựng một danh mục kiểm tra các quyền đó bằng cách liệt kê các quyền cơ bản, ví dụ: quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp... để trả lời câu hỏi: Liệu dự thảo quy định cụ thể nào đó của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có vi phạm hoặc làm hạn chế các quyền tự do đó không? Nếu Hiến pháp có quy định các quyền đó được thực hiện theo quy định của pháp luật thì cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định phải tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật khác, ví dụ như luật, pháp lệnh, nghị định... để đối chiếu dự thảo của mình có phù hợp với các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về lĩnh vực đó không.
Đây là việc không đơn giản vì không dễ dàng hiểu tinh thần của Hiến pháp như thế nào. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định rằng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương chỉ cần không trái với các quy định cụ thể của Hiến pháp (điều khoản cụ thể của Hiến pháp) thì chưa đủ. Thực tế ban hành và áp dụng pháp luật từ trước đến nay thường có xu hướng đối chiếu/áp dụng các điều khoản cụ thể của văn bản pháp luật chứ chưa chú trọng đến những nguyên tắc chung được quy định ở Lời nói đầu hoặc ở phần những quy định chung của văn bản quy phạm pháp luật, do đó việc hiểu và áp dụng pháp luật nhiều khi mang tính máy móc, câu chữ và không có tính thống nhất. Lời nói đầu và phần những quy định chung thông thường xác định mục đích và những nguyên tắc cơ bản của văn bản quy phạm pháp luật mà các điều khoản cụ thể của văn bản đó sẽ được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản đó, hay nói cách khác chúng đã xác định phần “hồn” hoặc “tinh thần” của văn bản quy phạm pháp luật.
Trở lại vấn đề tinh thần của Hiến pháp, nếu Hiến pháp quy định “không phân biệt đối xử” thì các văn bản pháp luật, bất luận quy định dưới hình thức gì, nếu có tính chất "bất bình đẳng" giữa các công dân trước pháp luật thì có thể bị coi là đã không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Nếu Hiến pháp thừa nhận "quyền tự do kinh doanh" của công dân thì các văn bản pháp luật khác không được phép quy định hạn chế các quyền đó. Tuy nhiên, không có tinh thần của Hiến pháp một cách chung chung mà tinh thần Hiến pháp được thể hiện từ chính các quy phạm của Hiến pháp.
Sĩ Tiến