 |
Sơ đồ đổi, đặt mới tên đường, tên công trình công cộng của thành phố Biên Hòa |
Lần này, UBND tỉnh dự kiến trình đề này ra kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa VII, hiện vẫn đang còn nhiều vấn đề cần tranh cãi. Thế nhưng, không sớm thì muộn, việc đặt, đổi tên đường của thành phố Biên Hòa phải được thực hiện vì đã đến thời điểm chín muồi mà nhiều con đường mới cần phải có tên, một số tên đường cũ xét thấy không phù hợp với thuần phong mỹ tục, với lịch sử đấu tranh cách mạng cần phải được loại bỏ. Vấn đề còn lại là đề án có tính thuyết phục đến đâu, và sẽ được thông qua tại kỳ họp nào của HĐND tỉnh mà thôi.
Tên đường, tên phố phản ánh cả một nền văn hóa. Có khi đó là biểu tượng của một sự vinh danh tên tuổi của một danh nhân văn hóa của quốc gia, có khi là một bậc tiền hiền có công khai phá từ thời khai hoang mở đất, có khi là một sự kiện cách mạng tạo nên một bước chuyển biến to lớn trong lịch sử cách mạng của dân tộc…nói gì thì nói, cứ là tên đường là phải lấy cái hay, cái tốt ra để từng người dân khi nhắc tới đều có thể tự hào.
Có hay không việc đặt tên đường còn mang nặng cảm tính? Đã là con người thì phải có đời sống tình cảm, hơn nữa tên đường không phải là thứ có thể cân, đong, đo, đếm rạch ròi. Vậy làm thế nào để đi đến thống nhất đặt tên đường này, tên phố nọ? Xin thưa, có tiêu chí hẳn hoi. Nhưng cũng cần phải chú thích rằng, tiêu chí là tiêu chí nhưng việc áp dụng như thế nào cũng không hề đơn giản.
Trong bối cảnh thành phố có nhiều chuyển biến lớn về quy hoạch, nhiều con đường, nhiều khu đô thị mới được mở ra đòi phải có tên. Với mục đích phục vụ cho các nhu cầu quản lý an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, quản lý kinh tế, văn hóa…tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin, liên lạc của nhân dân và các cơ quan, đề án “ Đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng của thành phố Biên Hòa” ra đời với yêu cầu cao nhất để đặt tên đường thể hiện nét đẹp văn hóa, có tính giáo dục về lịch sử, truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.
Việc đặt tên đường dựa trên một số tiêu chí như như mang tên những nhân vật có nhiều cống hiến trong lịch sử dân tộc, là những người đã mất, những địa danh, sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất cho dân tộc và địa phương. Dựa trên nguyên tắc không chia cắt nhỏ đường nếu không có ngã ba, ngã tư chắn ngang; có lưu ý đến các thiết chế văn hóa, kinh tế…trên đường được mang tên; có lưu ý đến việc đặt cụm tên đường của các nhân vật cùng thời kỳ; đối chiếu tính chất quy mô con đường với cống hiến của nhân vật…
Tiêu chí thì đã có, nguyên tắc cũng đã có. Đề án đề giữ nguyên tên 19 con đường hầu hết là những đường lớn, tập trung đông dân cư như CMT8, 30 tháng Tư, Đồng Khởi, Hưng Đạo Vương…Đề nghị đổi tên 02 con đường gồm đường Lữ Mành thay thế tên cũ Lương Văn Thượng vì nhân vật này là tay sai của thực dân Pháp từng đàn áp phong trào nổi dậy chống Pháp của nhân dân. Tuy nhiên, đối với đề nghị đổi tên đường Hoàng Minh Châu thay thế tên đường hiện hữu là Bùi Văn Hòa hiện đang gây tranh cãi vì Bùi Văn Hòa là tên một liệt sĩ cách mạng, chiến sĩ đặc công Biên Hòa. Lý do của việc muốn đổi tên này là muốn lấy tên này đặt cho một con đường mới tại khu vực kho Long Bình- chiến trường xưa nơi liệt sĩ Bùi Văn Hòa từng hoạt động. Thực tế, việc đổi tên đường sẽ gây nhiều hệ quả quan trọng trong đó sẽ phát sinh chi phí, tốn kém thời gian không ít cho nhân dân trong việc xin cấp đổi giấy tờ nhà đất, CMND, bảng hiệu, hộp đèn…hơn nữa còn có khả năng gây khó khăn khi có sự trùng lắp tên đường cũ nay đặt sang vị trí mới, trong khi hai khu vực này không quá xa nhau. Việc đưa đưa tên đường này lên chiến trường xưa là một lý do chưa đậm tính thuyết phục, vì chiến trường nào mà chẳng là quê hương?
Việc đặt mới tên đường cũng gặp không ít luồng ý kiến trái ngược. Vì với đòi hỏi đặt mới tên 59 con đường, ngoài một số ít tên danh nhân lịch sử, lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp, thì việc đặt tên một số liệt sĩ của địa phương cũng gây nhiều tranh cãi. Tên các nhân vật này hầu hết đều không đáp ứng đủ yếu tố thời gian 100 năm để được lịch sử công nhận. Vì các liệt sĩ hầu hết là không nổi tiếng nên khó có thể thẩm định được tầm ảnh hưởng để đem ra cân nhắc xem đặt tên đường nào là tương xứng với đóng góp cho địa phương. Trong số này, chỉ có tên của 03 nhân vật nổi tiếng và được sự đồng thuận của các ngành, các giới là liệt sĩ- nhà báo Dương Tử Giang, nhà thơ-nhà cách mạng Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn Lý Văn Sâm, những cái tên thoạt nghe đã ngân nga như một bài hát về tình thương yêu quê hương Đồng Nai, Biên Hòa.
Việc đặt tên đường của thành phố Biên Hòa đến thời điểm này là thực sự cần thiết. Vấn đề còn lại chỉ là đặt tên như thế nào mà thôi. Sau khi đề án này được HĐND tỉnh thông qua và đi vào triển khai thực hiện, chắc chắn sẽ gây xáo trộn ít nhiều cho người dân, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhưng ở mức độ nào đó người dân nên chấp nhận thay đổi một lần để sau này ổn định. Song song với việc đặt tên đường các ngành chức năng phải lưu ý làm công tác tuyên truyền về các nhân vật được chọn để người dân hiểu thêm về nhân vật đó.
Kim Chung