Nhận thức được tầm quan trọng của giấy CNQSDĐ và CNQSHN, ngay từ những năm tám mươi, các nhà lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo ngành chức năng tiến hành đo đạc lập bản đồ địa chính và còn chỉ đạo ngành địa chính thuê đo đạc bằng không ảnh. Đồng thời với việc đo đạc lập bản đồ địa chính, ngành địa chính (cũ), nay là tài nguyên môi trường (TN-MT) và ngành xây dựng đã thực hiện công tác tổ chức đăng ký đất đai, nhà ở, cấp giấy CNQSDĐ và CNQSHN. Đây là một lĩnh vực khá phức tạp, khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện, nên từ năm 1991 trở đi, tỉnh và ngành tài nguyên- môi trường (TN-MT), ngành xây dựng Đồng Nai đã tập trung đầu tư các nguồn lực cho công tác này. Nhờ đó, toàn tỉnh đến nay đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính và tiến hành công tác đăng ký xin cấp giấy CNQSH nhà đồng loạt ở tất cả 171 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 9 huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Nhưng về kết quả đăng ký và cấp giấy chứng nhận QSDĐ và QSH nhà trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là về các thủ tục và thời hạn cấp giấy.
Về kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, qua báo cáo của Sở Tài nguyên& Môi trường cho thấy trên địa bàn toàn tỉnh đến nay đã ký cấp được 510.644 giấy với 1.074.538 thửa đất tương ứng với 328.032 ha, đạt 85,1% số thửa đủ điều kiện cấp giấy và 67,5% số diện tích đủ điều kiện cấp. Đối với đất khu vực nông thôn cấp được 365.804 giấy với 869.298 thửa đất tương ứng với 218.366 ha, đạt 88,1% số thửa và 90,1% số diện tích cần cấp; khu vực đô thị cấp được 132.639 giấy với 185.934 thửa đất tương ứng với 19.089 ha, đạt 93,9 số thửa, 78,6% số diện tích. Đối với đất tổ chức đã cấp được 12.201 giấy với 19.306 thửa đất tương ứng 90.577 ha đạt 41,5% số diện tích cần cấp. Trong đó đất nông lâm trường cấp được 6/28 đơn vị với 46 giấy, diện tích 76.395,31 ha, đạt 35,6% diện tích cần cấp; đất cơ sở tôn giáo cấp được 447/765 cơ sở, đạt 58,5% số cơ sở phải cấp với 608 giấy tương ứng với 347 ha. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn khoảng 43.505 thửa đất với diện tích 11.574 ha chưa được kê khai đăng ký. Trong số giấy đã ký cấp (510.644 giấy), đến nay mới phát được 444.041 giấy, chiếm 88,7%, còn khoảng 56.429 giấy CNQSDĐ đã ký mà chưa phát cho người sử dụng, chiếm 11,3% số giấy đã được ký cấp.
Riêng trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã ký cấp 101.335 giấy, số giấy đã phát là 86.682 giấy, tồn 14.653 giấy (gồm 11.238 giấy chứng nhận QSDĐ và 3415 giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ)
Với kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng so với yêu cầu thì tỷ lệ cấp giấy đến nay vẫn còn đạt thấp, nhất là các trường hợp đăng ký đồng loạt từ những năm chín mươi đến nay, người sử dụng vẫn chưa biết tìm giấy của mình tại nơi nào. Bên cạnh việc cấp giấy, theo báo cáo của Sở TNMT và báo cáo của UBND thành phố Biên Hòa, hiện còn để tồn một lượng giấy chứng nhận đã ký khá lớn chưa phát cho người dân, như tại thành phố Biên Hòa tồn tới 14.653 giấy. Nguyên nhân tồn, các cơ quan đơn vị đều cho là từ phía người dân, từ khu phố? Còn về nguyên nhân chưa cấp cho các trường hợp đăng ký đồng loạt thì lại không được nhắc đến, qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy còn không ít các trường hợp đăng ký đồng loạt từ năm 1997 đến nay vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận, người nào muốn nhận phải tự đi tìm đường đi nước bước để làm lẻ thì may ra mới được cấp giấy.
Còn một thực trạng khá phổ biến đó là các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận thực tế khác nhiều so với thủ tục xin cấp giấy đã được công khai, hơn nữa về thời hạn quy định của địa phương lại khác quy định của Trung ương. Như theo các thủ tục đã công khai thì không có việc phải về khu phố xác nhận trường hợp nơi ở của mình, hồ sơ đã đóng tiền đất, đã đóng thuế trước bạ nhưng vẫn bắt phải kê khai đóng thuế... Thật là một hành trình mà người dân phải thực hiện rất khó khăn phức tạp, sau hành trình về chạy cho đủ các thủ tục thì đến hành trình chờ đợi mòn mỏi để được kêu đến tên mình lên làm các “thủ tục bổ sung”. Thời hạn theo quy định của Nghị định 90/2006/NĐ-CP là sau 30 ngày nhận đủ hồ sơ, thì cơ quan chức năng phải cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng. Nhưng thực tế tại Phòng quản lý đô thị của thành phố Biên Hòa, các phiếu hẹn đều từ 70 ngày trở lên, nếu tính là ngày làm việc thì cũng phải tới 50 ngày, khi hỏi Lãnh đạo phòng Quản lý đô thị thì được trả lời là cơ quan này quy định cấp giấy sau 40 ngày làm việc. Như vậy quy định của địa phương không tuân thủ theo quy định của Trung ương, Lãnh đạo cơ quan quy định một kiểu, cán bộ thừa hành lập phiếu hẹn một kiểu, nhưng việc kiểm tra chấn chỉnh hầu như không được quan tâm; chỉ người dân là chịu cảnh mòn mỏi chờ đợi.
Với những tồn tại nêu trên, việc phải cấp hết giấy CNQSDĐ cho toàn bộ diện tích đất và cấp hết giấy chứng nhận nhà ở mà người dân đã sử dụng, đây là một vấn đề hết sức khó khăn, nếu như không thực hiện tốt việc kiểm tra, rà soát thực tế công tác cải cách thủ tục hành chính và phải đảm bảo việc cải cách thủ tục hành chính gắn liền với công tác chống tiêu cực.
Nguyễn Thị Phi