Cha lên đường, mẹ chỉ trao tay
Mo cơm hẩm, gặt trên đồng cấy rẽ
Chín năm sau, cha gửi về cho mẹ
Một Điện Biên chấn động địa cầu.
Vượt Trường Sơn, con mở tiếp đường vào
Lật trang sách dòng nào con cũng gặp
Một Việt Nam trước muôn trùng thử thách
Trái tim mẹ là điểm chạn chí anh hùng
(Khuyết danh)
Vào những năm 1965-1966, chúng tôi toàn là lính trẻ, ai nấy đều hồn nhiên, trong sáng, lạc quan yêu đời với tinh thần sục sôi đánh Mỹ xâm lược. Bên cạnh chúng tôi, có một số các chú, các anh lớp nghĩa vụ quân sự từ 1958-59-60 tái ngũ, và có cả lính chống Pháp. Họ đảm nhiệm cán bộ từ tiểu đội, trung đội và đại đội trở lên. Trong số ấy có các đồng chí: Trần Phi Trường – trung úy, đại đội trưởng và Trương Nghiêu – trung úy, chính trị viên đại đội, đều xuất thân đi ở đợ, rồi ra lính đánh Tây, cùng tham gia và chứng kiến cảnh mưa dầm, cơm vắt…ở Điện Biên Phủ.
Một buổi tập trên thao trường, dưới ánh sao trời hòa lẫn làn gió biển thổi vào mát rượi, xua tan những giọt mồ hôi. Bỗng tiếng còi báo giờ giải lao, cũng vừa lúc chương trình thơ của Đài tiếng nói Việt Nam. Khỏi phải nói niềm vui ấy như vỡ òa, vây kín chính trị viên đại đội để được gần người Anh cả của toàn đơn vị mà ai ai cũng yêu mến, đồng thời để được thưởng thức những bài thơ-món ăn tinh thần khá đậm đà của lính. Trong số những bài thơ chương trình đêm ấy có bài ĐIỂM CHẠM đầy ấn tượng.
ĐIỂM CHẠM là gì, mà gây sự chú ý của nhiều người vậy? Thực ra mỗi bài thơ đều có thi vị riêng của nó, còn cảm nhận cái hay thì tùy theo trình độ thẩm mĩ, tâm trạng ở từng người. Song, riêng bài thơ này đã gây chú ý đặc biệt của những người có mặt hôm ấy. Bởi vào thời điểm cả nước kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong khung cảnh chuẩn bị tinh thần sục sôi đánh Mỹ- quyết sống mái với tên sen đầm quốc tế đưa quân xâm lược nước ta. Cái ý chí mãnh liệt quyết thắng kẻ thù từ Điện Biên Phủ đang được thổi bùng và rực cháy trong tim mọi người dân, không cam chịu làm nô lệ. Bài thơ được nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngân lên thật truyền cảm và tha thiết:
Cha lên đường mẹ chỉ trao tay
Mo cơm hẩm, gặt trên đồng cấy rẽ
Chao ơi! Chồng lên đường để giết thù, cứu nước, trả nợ non sông mà vợ chỉ tiễn đưa và trao tay mo cơm hẩm sao?. Mà cái sản phẩm quý giá đó của cảnh bần cùng thời ấy không phải gặt từ ruộng ông bà để lại, mà gặt trên những thửa ruộng cấy rẽ của bọn địa chủ ác bá mới có, thật thương cảm biết chừng nào.
Song, những người ra đi luôn bền lòng vững chí, vượt lên mọi chông gai thử thách, gối đất nằm sương , thi đua với người ở lại dầu giải mưa nắng cũng không kém để chăm sóc hậu phương, cho người nơi tiền tuyến được an lòng. Họ chung thủy chờ nhau như thế. Để rồi cùng toàn dân tộc vỡ òa niềm vui Điện Biên toàn thắng. Và món quà vô giá gửi cho người vợ trẻ, không! Gửi cho cả thế hệ mai sau nữa: “Một Điện Biên chấn động địa cầu”. Món quà mà phải đổi hàng triệu, hàng triệu sinh linh người Việt Nam yêu nước qua mấy thế hệ suốt 80 năm đằng đẵng, dồn nén mới có được.
Điện Biên Phủ toàn thắng làm chói ngời trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, nhưng nào đã được nghỉ ngơi, để có thời gian kiến thiết và dựng xây Tổ quốc. Bởi kẻ thù còn đó đang rắp tâm thôn tính nước ta, nên thế hệ con cháu tiếp tục lên đường, đó là nghĩa vụ rất đổi thiêng liêng và cao cả. Để rồi:
Vượt Trường Sơn, con mở tiếp đường vào
Lật trang sách dòng nào con cũng gặp.
Để có một Điện Biên chín năm dài máu đỏ đã là cực kỳ vĩ đại. Đằng này thêm những 21 năm đánh Mỹ mới quét sạch bóng quân thù trên giải non sông thì tầm vóc vĩ đại còn lớn hơn bội phần. Quả là: “Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường?” (Viễn Phương)
Mẹ không những tiễn cha lên đường ngày nào, chưa khô dòng lệ. Nay dòng lệ ấy lại tiếp tục dâng trào để tiếp tục tiễn con, cháu ra đi đánh Mỹ mà chưa hẹn ngày gặp lại. Đúng như linh cảm của người, trong đàn con yêu thương của mẹ, không ít những đứa mãi mãi nằm lại trên những cánh rừng bạt ngàn của Tây Nguyên hùng vĩ, của miền Đồng gian lao hay của bưng biền Đồng Tháp…để trong từng giấc chiêm bao, mẹ thảng thốt bóng hình con hiện về, được vỗ về âu yếm như hồi còn thơ.
Chao ôi! Đất nước triền miên lửa khói, người chịu nhiều mất mát thương đau nhất vẫn là những người mẹ giàu lòng yêu nước, thương nòi và thủy chung nhân hậu. Những phẩm chất ấy kết lại tượng trưng cho trái tim của mẹ – đấy cũng là điểm chạm chí anh hùng.
Nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2009), đọc lại bài thơ này, tôi thấy hình ảnh Mẹ như một tượng đài lồng lộng giữa đàn con đang ngày đêm chung lòng chung sức dựng xây đất nước đẹp giàu và chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc ngàn lần yêu dấu.
Tháng 4 /2009- Nguyễn Quốc Hoàn