HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH NỖ LỰC CHĂM LO
ĐỜI SỐNG HỘI VIÊN
Trao đổi với chúng tôi tại cơ quan tỉnh hội, ông Lê Danh Cát, chủ tịch Hội người mù tỉnh cho biết: cùng với các hoạt động chung của Hội, việc chăm lo đời sống hội viên, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo được hội luôn luôn quan tâm chú trọng và coi là nhiệm vụ chính để giúp cho các hội viên được trở thành những người “tàn mà không phế”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: kể từ khi hội đi vào hoạt động ( năm 1984) đến nay, từ chỗ phải vượt qua muôn vàn khó khăn như cơ sở, tổ chức không ổn định, hội viên vào hội rồi không duy trì được hoạt động phải tự giải tán… mãi đến năm 1989 ( Đại hội lần 2), mọi mặt của Hội đi vào có tổ chức và hoạt động có nề nếp và bắt đầu khởi sắc. Cho đến nay toàn tỉnh có 12 cơ sở hội ở 11 huyện, thành phố Biên Hòa và một cơ sở trực thuộc với 1.072 hội viên. Nề nếp sinh hoạt từ tỉnh xuống cơ sở được duy trì chặt chẽ, các nội dung sinh hoạt được cải tiến đa dạng cho phù hợp với thực tế của từng hội , từng địa phương. Nội dung chủ yếu trong các buổi sinh hoạt là ngoài việc tuyên truyền đường lối chủ trương pháp luật của nhà nước thì vấn đề giải quyết việc làm và phương pháp nâng cao thu nhập của hội viên luôn là đề tài thu hút thảo luận sôi nổi. Hội thảo việc làm cho người mù được tổ chức vào cuối năm 2004 đã một lần nữa khẳng định sự bức xúc phải tìm mọi cách tạo việc làm cho người mù. Tại diễn đàn này, nhiều hội viên đã nói lên tâm tư, nguyện vọng cũng như các tham luận thật xúc tích từ việc bán vé số dạo cho người mù, học vi tính và học xoa bóp huyệt… tất cả đều xuất phát từ kinh nghiệm thực tế mà Hội đã triển khai từ nhiều năm nay cho hội viên và tạo việc làm cho hội viên bằng cách làm kinh tế gia đình được coi là hiệu quả hơn hẳn. Để tạo điều kiện cho họ có nguồn vốn ban đầu, Tỉnh hội đã xây dựng nhiều phương án thu hút các nguồn vốn từ trung ương đến địa phương, từ 46 triệu đồng gốc của Quỹ phát triển Thụy Điển (SIDA) năm 1991 do Trung ương hội phân bổ đến nay đã xoay vòng cho gần 1.000 lượt người vay không lấy lãi để tổ chức làm kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức chăn nuôi trồng trọt, làm thủ công, dịch vụ, cải thiện đời sống. Hội đã can thiệp với các địa phương để hàng chục người mù được vay tiền từ quỹ xóa đói giảm nghèo. Từ năm 1993 đến nay, Tỉnh hội đã thực hiện được 46 dự án cho 1.159 lượt người vay với số tiền 1,948 tỷ đồng từ chương trình quốc gia hỗ trợ việc làm (chương trình 120). Nhờ làm tốt công tác khảo sát thẩm định, quán triệt kỹ đến từng hội viên nên 100% hội viên được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế cao, trả nợ đầy đủ đúng hạn cả gốc và lãi. Vì thế Hội luôn là địa chỉ đáng tin cậy của Ban quản lý dự án 120, Kho bạc và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Không chỉ thế, Hội còn gửi đến trung ương hội người mù thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 14 kỹ thuật viên xoa bóp, bấm huyệt, bổ túc truyền nghề cho 22 người tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 7 người mù có thu nhập từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, Hội còn tìm nhiều nguồn trợ giúp hàng tỉ đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt: xin nhập trại cho 22 người mù nghèo không nơi nương tựa, liên hệ với các địa phương để nhiều người mù nghèo được hưởng chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước như 145 hội viên được hưởng trợ cấp thường xuyên 90.000 đồng/người/tháng. 180 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế và thẻ xóa đói giảm nghèo, 13 trường hợp được miễn giảm thuế nông nghiệp, vận động xây dựng được 11 căn nhà tình nghĩa, 32 căn nhà tình thương và nhà đại đoàn kết trị giá trên 461 triệu đồng, sửa chữa, chống dột 13 căn nhà trị giá 23 triệu đồng; xin miễn giảm học phí cho 139 học sinh là con hội viên trong các trường phổ thông, trợ cấp từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo cho 203 lượt hội viên với tổng số tiền 9,5 triệu đồng, kết hợp với Hội chữ thập đỏ các cấp vận động khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt cán bộ hội viên , mổ mắt mang lại ánh sáng cho 77 hội viên.
Từ những hoạt động thiết thực như trên, đời sống của hội viên được nâng lên rõ rệt, theo chuẩn nghèo của Bộ Lao động TB&XH đến ngày 31-12-2004, số hộ nghèo là người mù trong toàn tỉnh chỉ còn dưới 13% so với đầu năm 1990 là 86%. Hội người mù tỉnh còn được Trung ương hội và ngành Lao động TB&XH đánh giá là đơn vị có nhiều biện pháp tốt trong công tác xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người hỏng mắt. Đặc biệt năm 2004 tỉnh hội được Trung ương hội đánh giá là đơn vị xuất sắc nhất toàn quốc trong tất cả các hoạt động, trong đó có việc chăm lo đời sống và giải quyết việc làm cho người mù
N.Trinh