Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 61-T1&2.2010

Năm Canh Dần ấy-những vần thơ Bác viết

Đăng ngày: 01/06/2010
Năm Canh Dần ấy-những vần thơ Bác viết
    Năm Canh Dần 1950 ấy, năm Canh Dần 2010 này, 60 năm đã trôi qua, nhưng sao mãi trong ta vẫn không bao giờ quên được những ngày tháng mà cả dân tộc ta đang đồng lòng dốc sức cho cuộc chiến chống ngoại xâm hết sức gian khổ và ác liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng ấy. Thực dân Pháp được sự giúp sức của Mỹ đã thông qua Kế hoạch Rơ–ve với ý định cô lập căn cứ Việt Bắc, tấn công lên căn cứ Việt Bắc lần thứ hai để tiêu diệt cơ quan đầu não Việt Minh và nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Trong bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp đó mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta vẫn hết sức bình tĩnh, tự tại, ung dung. Cùng với Đảng quang vinh, Người đã sáng suốt lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao thác ghềnh để đưa cuộc kháng chiến đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Không những thế, Người còn động viên nhân dân ta biết tự thân vượt qua gian khổ bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có những vần thơ như có cánh.
    Như thường lệ, những ngày đầu năm mới, Người thường có thư “Chúc mừng năm mới” gửi đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng cả nước. Đầu năm Dương lịch năm 1950 cũng vậy, bức thư của Bác cũng chứa chan tình cảm yêu thương và những định hướng cho kế hoạch hành động sắp tới. Thư được Bác viết ngày 6-1-1950, có đoạn : “Trong năm 1950, cuộc kháng chiến sẽ bước sang giai đoạn mới. Vì vậy, mỗi một công dân Việt Nam, mỗi một chiến sĩ Việt Nam phải đưa tất cả tinh thần và lực lượng mới vào cuộc Thi đua ái quốc, để chuẩn bị mau chóng đầy đủ đặng chuyển sang tổng phản công...Mỗi người, mỗi ngành, mỗi nơi đều phải cố gắng làm tròn bổn phận, thì năm mới chắc là một năm đại thắng lợi...” (Báo Sự thật, số 126, ngày 6-1-1950). Cũng trên báo Sự thật số 126 này, Người đã thẳng thắn phê bình “căn bệnh máy móc” của cán bộ, đảng viên. Sau khi nêu nguyên nhân, Người đã đưa ra “đơn thuốc” để chữa bệnh ấy rằng : “Bất kỳ việc to, việc nhỏ/ Phải xem xét kỹ lưỡng/ Phải bàn bạc kỹ lưỡng/ Phải hỏi dân kỹ lưỡng/ Phải giải thích kỹ lưỡng cho dân/ Phải luôn gần gũi dân” (Bệnh máy móc). Đặc biệt, với những linh cảm đặc biệt của mình, Người nhận thấy đây là thời điểm mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phong trào cách mạng của nước ta rất cần nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của anh em bè bạn trên thế giới. Bởi vậy, ngay từ đầu năm 1950, Người đã có chuyến xuất ngoại bí mật. Trong chuyến đi này, vào ngày 29-1, Người đã đạt chân đến Nam Ninh (Trung Quốc) và ở đây Người gặp bạn cũ là tướng Trần Canh. Hai người cùng chụp ảnh chung để kỷ niệm, Người viết tặng tướng Trần Canh bài thơ bằng chữ Hán, và tự dịch ra tiếng Việt rồi đọc cho mọi người cùng nghe. Lời dịch như sau : Gửi đồng chí Trần Canh : “Khi xưa gặp chú một thanh niên/ Nay chú cầm binh giữ soái quyền/ Trăm vạn hùng binh theo lệnh chú/ Giữ gìn cách mạng cõi Điền biên”. Trong chuyến đi và sau chuyến đi này, trên thế giới đã có rất nhiều nước đặt quan hệ ngoại giao với ta. Nhân dân ta đã bắt đầu nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình và quý báu cả vật chất lẫn tinh thần từ các nước bè bạn anh em.

    Cuộc kháng chiến đã và đang bước sang giai đoạn mới, nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải ra sức hoàn thành việc chuẩn bị chuyển sang tổng phản công tiến lên giành thắng lợi. Nhiệm vụ đó đã được Người đặt ra trong lời “Thơ chúc năm mới” Tết Canh Dần với quyết tâm và niềm tin rõ rệt : “Kính chúc đồng bào năm mới,/ Mọi người càng thêm phấn khởi,/ Toàn dân xung phong thi đua,/ Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,/ Chuyển mau sang tổng phản công,/ Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Đúng như dự đoán của Bác, năm 1950 quân và dân ta đã thu được những thắng lợi to lớn với chiến tranh biên giới mở ra bước ngoặt từ cuộc chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy.

    Cũng trong năm Canh Dần 1950 này, có một bài thơ Bác ngẫu hứng sáng tác mà cố nhà thơ Xuân Diệu nhớ mãi. Đó là bài thơ Bác làm trong dịp mừng thọ Người tròn 60 tuổi. Trong hồi ức của mình, nhà thơ Xuân Diệu nhớ lại : “… Tôi nhớ mãi buổi mừng thọ Bác Hồ sáu mươi tuổi, trong gian phòng tre nứa vui mừng. Các đồng chí Trung ương, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vị Thường trực Quốc hội, nhiều đồng chí nữa, thật là một gia đình kháng chiến; ở giữa là Bác Hồ. Linh mục Phạm Bá Trực trong Ban thường trực Quốc hội lúc đó có đứng lên đọc một lời chúc Bác bằng tiếng la-tinh. Giữa những nét mặt tươi tắn vui vầy, Hồ Chủ tịch giọng nói bình thường mà lúc nào cũng ấm như tiếng chuông : “Tôi xin có mấy câu thơ chỉ là khoai khoai sắn sắn xin đọc ra đây”. Và Bác Hồ đọc rất giản dị : “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên !”. Đúng là tính chất của Bác Hồ chứ không ai khác. Trí tuệ Hồ Chủ tịch luôn luôn động, như lửa nổ tí tách. Bác không thích những nghi thức cứng đờ, Bác muốn tự nhiên, thoải mái, tình cảm chân thật …; trong khi mọi người ngưỡng về Bác chúc thọ thì Bác vui vẻ tự so tuổi mình với tuổi ông Bành tổ (sống 800 năm, theo truyền thuyết) và thấy như vậy thì mình cũng chỉ như mới bước vào đời; “sướng như tiên” với Bác là “ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe”, là có sức khỏe để hết sức làm việc, cái vui sướng lớn nhất của người cộng sản là đấu tranh, làm việc !” (Yêu thơ Bác-Xuân Diệu).

    Những ngày đầu tháng 9-1950, trước khi lên đường đi chỉ đạo chiến dịch Biên Giới, “Hồ Chủ tịch ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong làm đường phục vụ chiến dịch, Người đã tặng thanh niên 4 câu thơ : “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” (Hồ Chí Minh toàn tập-tập 6, tr.95). Những câu thơ không chạm gọt mà mộc mạc, những tư tưởng mạnh mẽ đã cuốn hút bao thế hệ thanh niên trong cuộc sống, trong học tập và trong hành động. Biết bao thế hệ thanh niên nhờ những câu thơ đó mà kiên trì trong đấu tranh, vững vàng trong gian khổ, xung phong trong lao động. Ngày 10-9-1950, Người tới Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại làng Tả Phầy Tử, huyện Quảng Yên, phía Bắc thị xã Cao Bằng. Ngày 16/9/1950, chiến dịch Đông Khê mở màn. Bác đích thân theo dõi bản đồ tác chiến và chỉ đạo. Lên thăm trận địa, giữa cảnh núi non hùng vĩ nên thơ, tâm hồn nhà thơ lớn Hồ Chí Minh, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cảm tác một bài thơ nổi tiếng thể hiện được khí thế và niềm tin tất thắng của dân tộc : Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy. Khắc nhớ lời Người, quân và dân ta với khí thế mạn mẽ nuốt ngưu đẩu đã từng bước tiêu diệt hết lũ sói cầy là thực dân Pháp (1954) và đế quốc Mỹ (1975), xây dựng một nước Việt Nam độc lập dân tộc và thống nhất trọn vẹn lãnh thổ ...

    Mùa Xuân năm 2010 này, chúng ta lại nhớ về Người- vị Cha già của dân tộc, một tấm gương cách mạng tuyệt vời, nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của nhân loại ... Nhớ về Người, nhớ những vần thơ mà Người đã viết trong năm Canh Dần 1950 ấy, là tiếp thêm cho ta một ánh đuốc, một niềm tin, một quyết tâm để ta hướng về lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người. Nhớ về Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nguyện tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động lớn : Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ta phát động để một lòng gắn kết thực hiện trọn vẹn lời dặn dò, nhắn nhủ và mong đợi của Người : “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Nguyễn Viết Chính