Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 88-T9-2012

Sự cần thiết lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND

Đăng ngày: 07/06/2013
​Lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản nhằm bảo đảm pháp luật, là sự thể hiện nguyện vọng và ý chí của người dân, nhằm đáp ứng đòi hỏi dân chủ hóa và công khai hóa hoạt động xây dựng pháp luật

​     Hiến pháp 1992 khẳng định nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (Điều 2). Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua việc bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình (Điều 6). Nhân dân còn thực hiện quyền lực của mình bằng cách tham gia vào công việc của Nhà nước như góp ý kiến trực tiếp vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, việc quy định trách nhiệm của cơ quan soạn thảo phải tạo điều kiện để người dân nói chung góp ý kiến vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết và hợp lý. Đó cũng là dịp để người dân có cơ hội tham gia trực tiếp ngay từ đầu vào quá trình hoạch định và hình thành chính sách xây dựng và phát triển đất nước.

     Nói đến trách nhiệm tạo điều kiện tức là tạo cơ hội, tạo khả năng để công chúng, đặc biệt là những đối tượng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi văn bản pháp luật được ban hành và đi vào thực hiện được biết và ở chừng mực có thể, tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản, hay một số vấn đề cốt yếu của dự thảo văn bản. Cho đến nay, việc tham gia ý kiến của các đối tượng này chưa trở thành một sự bắt buộc và chưa trở thành một đòi hỏi khách quan trong thực tiễn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quy định một cách "tùy nghi" là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quyết định việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo văn bản.

     Kinh nghiệm cho thấy, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và có chất lượng của nhân dân, đặc biệt là của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản sẽ rất có lợi, vì thông qua đó người hoạch định chính sách hiểu sát thực tiễn để có được những quy định phù hợp với thực tiễn cuộc sống; làm cho đối tượng bị điều chỉnh có cơ hội phản ánh ý kiến, hiểu nội dung quy định và từ sự hiểu biết đó dẫn theo việc thực hiện đúng. Đây cũng là một hình thức tuyên truyền phổ biến mang tính tích cực, chủ động làm cho các quy định của văn bản thực sự đi vào cuộc sống mỗi khi được ban hành. Ngoài ra, việc lấy ý kiến các đối tượng này còn nhằm cung cấp thêm cho cơ quan soạn thảo những thông tin, cách nhìn từ thực tế để cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc và có những điều chỉnh cần thiết bảo đảm cho văn bản mang tính cụ thể, sát thực tế và dễ đi vào cuộc sống hơn. Nói như vậy, bởi vì không có ai có thể hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện của các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của văn bản bằng chính họ. Sẽ không có gì là vội vàng nếu người nào đó nhận xét: một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thiếu tính thực tế dẫn đến không có tính khả thi, nếu trong quá trình soạn thảo, các cơ quan liên quan không tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của văn bản để tham khảo và nghiên cứu ý kiến của họ, ví dụ: muốn biết một văn bản quy phạm pháp luật về đánh bắt cá tác động như thế nào đến những người hành nghề đánh bắt cá, thì điều tất nhiên phải hỏi ý kiến các ngư dân!

     Điều quan trọng hơn cả là việc lấy ý kiến của những người trực tiếp chịu sự tác động của văn bản là một hình thức bảo đảm dân chủ một cách thực sự rằng luật pháp không phải là để trị dân mà nó đích thực là nguyện vọng và ý chí của người dân.     

    * Lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thực thi các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực

     Điều 3 Chương VI Hiệp định thương mại Việt Mỹ quy định: "ở mức độ có thể, mỗi Bên cho phép Bên kia và các công dân của Bên kia cơ hội được góp ý kiến đối với việc xây dựng luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung mà có thể ảnh hưởng đến việc tiến hành các hoạt động thương mại quy định trong Hiệp định này".

     Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân mặc dù có quy định việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản nhưng như đã phân tích ở trên thì Luật vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc tổ chức lấy ý kiến, và những đối tượng nhất thiết phải tham khảo ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản. Và theo đó các đối tượng trực tiếp thi hành văn bản không có điều kiện tham gia góp ý vào những văn bản liên quan trực tiếp đến mình.

     Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và trong xu hướng phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương sẽ có vai trò nhiều hơn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc quản lý, xúc tiến đầu tư, kinh doanh, thương mại... ở địa phương mình. Những quy định đó sẽ trực tiếp tác động đến các đối tác nước ngoài đang kinh doanh tại địa phương mình. Nếu những chính sách và quy định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về lĩnh vực này là hợp lý thì nó sẽ là một trong những yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho địa phương. Vì vậy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan tham mưu của mình cần nhận thức hơn nữa việc tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản, bao gồm cả các đối tác nước ngoài đang công tác và làm việc tại địa phương. Trong điều kiện cho phép có thể tạo điều kiện để các đối tượng trực tiếp áp dụng văn bản tham gia góp ý kiến ngay từ đầu vào quá trình soạn thảo. 

     *Lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản - cách tiếp cận của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 

     Có nhiều ý kiến cho rằng Luật năm 2004 mới chỉ dừng lại ở việc quy định quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tự quyết định việc tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản tùy vào tính chất và nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu điều luật một cách kỹ lưỡng cho thấy điều luật (Điều 4) đã sử dụng từ “phải” để quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo: “....Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản...”. Do đó, phải hiểu tinh thần của điều luật này như sau: Thứ nhất, Luật đề ra yêu cầu phải tham khảo ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật và coi yêu cầu này là một yêu cầu quan trọng và nền tảng ràng buộc trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Thứ hai, xác định dự thảo nào đưa ra lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, việc xác định đối tượng chịu sự tác động trực tiếp cũng như phạm vi và hình thức lấy ý kiến sẽ do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quyết định tuỳ theo tính chất và nội dụng của dự thảo, tuy nhiên Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân không được tự tiện quyết định những vấn đề nêu trên mà cần phải dựa trên yêu cầu có tính nguyên tắc là “phải lấy ý kiến” trừ trường hợp có lý do chính đáng cho rằng không thể lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Lý do chính đáng ở đây có thể là lý do bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia hoặc bảo đảm bí mật nhà nước.  

                                                                                         Sĩ Tiến