Qua giám sát cho thấy, việc triển khai các văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành và của tỉnh về các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV trên địa bàn, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 và Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 của Chính Phủ về trợ giúp phát triển DNNVV; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 06/8/2012 về quy chế hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với DNNVV; Quyết định số 2759/QĐ-UBND ngày 26/9/2012 về phê duyệt Đề án đào tạo, phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012-2020. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 6649/KH-UBND ngày 28/9/2011 về phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 để triển khai thực hiện trên địa bàn; Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai, Website của một số sở chuyên ngành và cơ quan, đơn vị của tỉnh để tuyên truyền về nội dung, chương trình, thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu…hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Qua đó, các doanh nghiệp tiếp nhận được một số hỗ trợ như: Vay vốn có hỗ trợ lãi suất 4%, hỗ trợ đào tạo lớp công nhân may, hỗ trợ một phần chi phí tham gia các triển lãm trong nước, chi phí tham gia đoàn khảo sát và giao thương tại Campuchia, Trung Quốc, giúp Công ty mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, hỗ trợ vay vốn đầu tư từ Quỹ phát triển,…
Trong công tác gặp gỡ các doanh nghiệp, Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chủ trì tổ chức các hội nghị gặp gỡ, làm việc với DN và bố trí lịch tiếp DN vào thứ sáu hàng tuần để nắm thông tin, xử lý những khó khăn, vướng mắc của DN. Trong việc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề xuất quy mô đầu tư và giải pháp xây dựng công trình hạ tầng cụm công nghiệp phù hợp yêu cầu sử dụng và giảm giá thành đầu tư, tạo điều kiện cho các DN tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, Sở Công thương đang làm thủ tục trình Ban chỉ đạo DNNVV xem xét hỗ trợ ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Phú cường - huyện Định Quán.
Đại diện Công ty TNHH SXTM Đi Bi báo cáo với đoàn giám sát
Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, đến cuối tháng 10/2012 toàn tỉnh có 2.300 DN đăng ký gia hạn nộp thuế GTGT, số thuế GTGT tháng 4,5/2012 được giãn nộp sang tháng 11,12/2012 là 293.442 triệu đồng; Số thuế GTGT tháng 6/2012 được giãn nộp chuyển sang tháng 1/2013 là 204.442 triệu đồng; ước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là 128.876 triệu đồng và giảm khoảng 2.334 triệu đồng tiền thuê đất. Ngoài ra, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp quản trị DN, với 180 học viên tham dự; Sở Công thương đã hỗ trợ đào tạo 960 công nhân cho các DN về nghề may, gò ráp giày dép, đan thủ công, gỗ mỹ nghệ, cơ khí, ...về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV; tổ chức hội nghị triển khai các văn bản liên quan về hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và chương trình hỗ trợ phát động hội thi về KHCN năm 2012 tại 11 địa phương trên địa bàn tỉnh và tổ chức một số chương trình hỗ trợ cho các DNNVV về đổi mới công nghệ, trình độ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của DN, khuyến khích phát triển DNNVV khu vực nông thôn; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu;...
Mặt khác, để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính cho các DNNVV, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hạ trần lãi suất cho vay xuống từ 13% - 15% theo đúng chỉ đạo của Thủ trướng Chính Phủ và phổ biến các gói hỗ trợ tín dụng đến các doanh nghiệp. Tính đến 30/9/2012, cho vay đối với 04 nhóm đối tượng theo chỉ đạo của Chính Phủ là 10.261 triệu đồng, dự nợ là 3.364 triệu đồng. Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh giải quyết cho 7 DNNVV vay vốn đầu tư với số tiền là 48 tỷ đồng; Quỹ Bảo vệ môi trường (thuộc sở TNMT) đã hướng dẫn hồ sơ lần 2 cho các DN đăng ký hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư các hạng mục công trình bảo vệ môi trường.
Xưởng đan hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty TNHH SXTM ĐiBi
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như: Việc tuyên truyền chính sách hỗ trợ DNNVV được các sở ngành thực hiện bằng nhiều hình thức nhưng thực tế nhiều DN chưa biết về chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhà nước; qua đó cho thấy công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Mặt khác, việc tuyên truyền được các sở chuyên ngành thực hiện theo lĩnh vực của đơn vị, ngành mình phụ trách, Tỉnh chưa có cơ quan, đơn vị hay Website chuyên cung cấp thông tin chính sách hỗ trợ DN để tạo điều kiện cho DN tra cứu và áp dụng. Số lượng DNNVV trên địa bàn là rất lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng số lượng DN được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước trong thời gian qua rất hạn chế. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của DN nhiều nhưng DN khó có thể vay được vốn từ các ngân hàng thương mại, do các ngân hàng áp dụng các điều kiện cho vay, như: qua giám sát cho thấy Công ty TNHH Giày Tuấn Việt đang vay 40 tỷ nhưng chủ yếu là vay của các tổ chức ngoài tín dụng (trong khi Công ty thuộc 4 đối tượng được hỗ trợ lãi suất nhưng chưa tiếp cận). Bên cạnh đó, Sở Tài chính là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ: Nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại Đồng Nai (theo QĐ số 3738/QĐ-UBND ngày 28/12/2011) nhưng đến nay chưa xây dựng đề án thành lập Quỹ. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai chưa hướng dẫn thực hiện cơ chế bảo lãnh DNNVV vay vốn theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại. Hiện có nhiều DN gặp khó khăn về mặt bằng sản suất, kinh doanh nhưng muốn vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đóng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cao, DN không có khả năng chi trả. Tuy UBND tỉnh đã có chỉ đạo các sở chuyên ngành hướng dẫn quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm giảm giá thành, nhưng hiện nay các sở chuyên ngành thực hiện chậm. Theo Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 của Chính phủ thì: “Trong năm 2010, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND cấp tỉnh xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích các DN đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp dành cho DNNVV, vườn ươm DN, trong đó, nghiên cứu áp dụng các quy định ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và hỗ trợ tín dụng đầu tư”. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa ban hành cơ chế ưu đãi nêu trên để giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DN. Ngoài ra, phần lớn các DNNVV trên địa bàn đang gặp khó khăn trong việc xử lý nước thải và vệ sinh môi trường, vì kinh phí xử lý cao, DN không có khả năng. Mặt khác, có DN đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trong khuôn viên nhà máy nhưng chưa đấu nối được với hệ thống xử lý tập trung bên ngoài do hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa hoàn chỉnh, vì vậy DN phải chấp nhận tình trạng ô nhiễm môi trường.
Qua những khó khăn nêu trên, kết luận tại buổi giám sát, bà Quách Ngọc Lan - Trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh đã có những kiến nghị đối với các sở, ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tỉnh để thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh. Đối với các DN được giám sát, đề nghị chủ động tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV của nhà nước qua các trang web của các sở, ngành của tỉnh như: Sở KH-ĐT, Công thương, KH-CN để liên hệ lập thủ tục thụ hưởng theo qui định và rà soát lại nhu cầu vốn vay, liên hệ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tiếp cận với vốn vay giảm lãi suất.
Bích Hằng