Nhìn chung, số lượng, cơ cấu ngành nghề cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương. Hàng năm, các đơn vị và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề cũng có các hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích, động viên cán bộ giáo viên tham gia học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và tin học.
Đoàn giám sát làm việc tại Trường THCS Long Thành – huyện Long Thành
Nhằm đánh giá về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016, vừa qua, đoàn giám sát của Ban VHXH HĐND tỉnh do bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm trưởng đoàn đã tổ chức các buổi khảo sát tại một số trường trên địa bàn tỉnh và làm việc với các đơn vị có liên quan. Qua giám sát cho thấy, công tác triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục giai đoạn 2010-2016 được các ngành, đơn vị thực hiện đạt được những kết quả tích cực. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các cấp học. Hầu hết giáo viên, cán bộ quản lý đạt trình độ chuẩn theo quy định; tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý đạt trình độ trên chuẩn khá cao. Việc thực hiện các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên, tăng giờ, chế độ thu hút, đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhất là tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi đã được các đơn vị, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những hạn chế cần quan tâm.
Số lượng giáo viên còn thiếu, nguyên nhân chính do sự gia tăng học sinh hàng năm dẫn đến tăng trường, lớp nhưng biến chế tăng chưa tương xứng. Các địa phương chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các trường ngoài công lập như phân bổ toàn bộ chỉ tiêu tuyển cho các trường công lập, các trường ngoài công lập không được phân chỉ tiêu tuyển sinh dẫn đến tình trạng tăng số lượng học sinh, lớp học ở các trường công lập trong khi các trường ngoài công lập tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Công tác sắp xếp, bố trí giáo viên còn xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ nhưng chưa kịp thời điều chuyển cho phù hợp. Công tác triển khai, quán triệt và kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại cơ sở giáo dục chưa thường xuyên, còn xảy ra nhiều trường hợp sai phạm về tài chính bị kỷ luật. Việc tuyển dụng giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn do lương thấp nên các địa phương thường phải thành lập hội đồng tuyển dụng 02 lần/ năm học.
Giáo dục nghề nghiệp chưa có quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và mã ngạch viên chức cho giáo viên dạy cao đẳng nghề, hiện nay vẫn sử dụng theo mã ngạch của giáo viên phổ thông (Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của chính phủ). Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhiều năm liền tuyển sinh không đạt chỉ tiêu dẫn đến thừa giáo viên (Trường Trung cấp nghề 26/3), trong khi một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu giáo viên so với số lượng tuyển sinh (trường Cao đẳng Nghề Đồng Nai). Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác tuyển sinh,việc bố trí, sắp xếp và thỉnh giảng giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, để xảy ra tình trạng tuyển sinh thiếu hoặc vượt so với chỉ tiêu được giao hàng năm.
Ông Nguyễn Sơn Hùng – PCT thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Qua giám sát, đoàn đã có những ý kiến kiến nghị đối với các đơn vị chịu sự giám sát trong công tác tăng cường phổ biến, tập huấn và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục; phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho các cơ sở giáo dục cần gắn với số lượng biên chế giáo viên được giao; cân đối, hợp lý giữa các trường công lập và ngoài công lập, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục và giảm áp lực về thiếu biên chế giáo viên; Thực hiện kiểm tra, rà soát việc bố trí, sắp xếp giáo viên giảng dạy và giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục, nhân viên tại các cơ sở giáo dục đảm bảo theo đúng quy định, trên cơ sở đó có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp với số lượng biên chế được giao.
Đối với những khó khăn, bất cập trong thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên; hệ số lương đối với đối tượng giáo viên mới ra trường, nhân viên các cơ sở giáo dục công lập (y tế, kế toán, thủ quỹ, bảo vệ, thư viện, thiết bị); về định mức biên chế; việc đánh giá và phân loại công chức, viên chức… đoàn giám sát sẽ có những kiến nghị đối với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên -Thiếu niên và Nhi đồng đề xuất Chính phủ xem xét.
Trương Thị Hộp