Chính quyền địa phương có thể sử dụng pháp luật như một công cụ quan trọng để quản lý và phát triển, thậm chí quản lý tốt và phát triển bền vững. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các cấp phải phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Trong mọi trường hợp, chính quyền địa phương đều mong muốn tạo ra các thay đổi và phát triển bằng việc thiết lập môi trường lành mạnh, trong đó, con người có thể ứng xử theo cách làm tăng sự chuyên môn hóa, sự trao đổi, tăng năng suất lao động và dẫn đến tăng phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để tạo dựng được môi trường mà ở đó có những hành vi xử sự như nhà quản lý mong muốn? Việc thay đổi thể chế và quá trình xây dựng thể chế có tác động đến sự phát triển của một đất nước, hay của một địa phương như tỉnh, huyện, xã hay không?
Cũng như nhiều địa phương khác, ở Đồng Nai hiện đang phải đương đầu với những vấn đề như: giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao, người nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt; các chất hoá học độc hại trong các thực phẩm hàng ngày khiến mọi người mắc nhiều loại bệnh; không khí, nguồn nước bị ô nhiễm; tai nạn giao thông, vấn đề giáo dục, y tế, quyền lợi đối với các dân tộc thiểu số, người nghèo chưa được bảo đảm ... Đó là những vấn đề đáng báo động và chúng đều là những vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm của trung ương mà còn của chính quyền địa phương.
Chúng ta cũng biết rằng khi thể chế không tốt, không hiệu quả sẽ kéo theo hệ quả là kinh tế kém phát triển, trật tự, an ninh xã hội khó bảo đảm. Trước tình trạng người dân phải sống trong nghèo đói, bệnh tật với nhiều mối hiểm họa đe dọa, đời sống bấp bênh, phúc lợi xã hội kém… những điều này không thể không liên quan đến trách nhiệm của người quản lý. Nếu chính quyền địa phương không tìm ra được các biện pháp làm thay đổi và củng cố đời sống nhân dân thì đồng nghĩa với việc chính quyền đã quản lý kém. Nghèo đói tăng ''sẽ dẫn đến sự mất ổn định về chính trị và do đó xã hội không phát triển được''.
Đối với các cơ quan trung ương, việc thiết lập môi trường lành mạnh để quản lý và phát triển đã khó nhưng với địa phương, việc xây dựng thể chế để quản lý và phát triển còn khó khăn hơn nhiều. Hiện nay, nhiều địa phương đã cố gắng tự tìm cho mình “lối thoát” bằng cách kêu gọi các dự án đầu tư, thay đổi các biện pháp quản lý, điều đó cũng có nghĩa là thay đổi tư duy, phong cách làm việc của các cán bộ thực thi pháp luật. Chính quyền trung ương cũng đang có những cải cách mạnh mẽ nhằm phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp để mỗi địa phương có thể phát huy quyền chủ động, sáng tạo của mình.
Trong bối cảnh ấy, các cấp chính quyền địa phương có thể sử dụng pháp luật như thế nào để quản lý và quản lý tốt? Quản lý tốt có nghĩa là xã hội phải phát triển. Do đó, pháp luật hay văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các cấp không đơn giản chỉ dừng ở việc điều chỉnh các quan hệ xã hội theo nghĩa “bảo đảm trật tự an ninh xã hội" mà ở tầm vĩ mô, pháp luật còn phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Văn bản quy phạm pháp luật không thể làm biến mất ngay lập tức những rác thải trên dòng sông hay tái tạo các khu rừng nhưng bằng môi trường thể chế sẽ khuyến khích thúc đẩy mỗi con người phải hành động vì lợi ích chung, môi trường thúc đẩy nỗ lực của những người điều hành xã hội, những công chức, doanh nhân, những công dân sống và làm việc trong môi trường đó. Không có pháp luật thì nhà nước không thể quản lý được xã hội. Quay trở lại với vấn đề phân quyền cho chính quyền địa phương. Có thể nói, với những vấn đề mà chính quyền trung ương khó có thể với tới thì cần phân quyền cho địa phương để bảo đảm hiệu quả việc quản lý. Một cách hiển nhiên là, dù có quy định chi tiết đến đâu, Quốc hội cũng như Chính phủ khó có thể quy định các biện pháp cụ thể, rõ ràng, đủ chi tiết và phù hợp với việc bảo vệ một cánh rừng này khỏi nạn khai phá bừa bãi hoặc dòng sông kia thoát khỏi việc bị đổ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Có thể do phụ thuộc nhiều vào các quy định của cơ quan nhà nước trung ương ban hành nên nhiều chính quyền địa phương chưa nhìn nhận đúng đắn vai trò, tầm quan trọng của các văn bản quy phạm pháp luật do chính địa phương ban hành.
Pháp luật là biểu hiện hoạt động của các chính sách. Pháp luật được ban hành có thể đưa ra các biện pháp gián tiếp, thông qua việc tạo ra hành lang pháp lý mà trong phạm vi đó, từng cá nhân đóng vai trò là động lực. Luật pháp có thể đem lại công bằng xã hội, giảm đói nghèo, tạo ra động lực cho xã hội phát triển. Tuy nhiên, cần lưu ý là phát triển thôi chưa đủ mà còn cần phải phát triển bền vững. Yêu cầu phát triển bền vững đặt ra cho các cơ quan ban hành văn bản của địa phương phải có các biện pháp quản lý bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa là sẽ không chỉ khai thác cạn kiệt các nguồn lực mà không tính các hệ quả tiếp theo và môi trường sau này. Phát triển bền vững đòi hỏi khi đưa ra các biện pháp quản lý, nhà quản lý phải tính đến việc bảo vệ môi trường. Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, địa phương đưa ra các biện pháp để quản lý tốt các trường học, bệnh viện, xây dựng và quản lý tốt hệ thống nước sạch, đường giao thông… Bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chính quyền địa phương đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp, các cơ chế thực thi hiệu quả.
Pháp luật có thể tạo điều kiện để tăng việc làm và tăng thu nhập. Pháp luật tạo điều kiện cho các chủ sở hữu tiếp cận với các công nghệ thông tin và thị trường, với các kỹ năng về tín dụng và quản lý, qua đó giúp họ tăng năng suất lao động và tăng thu nhập. Trong trường hợp pháp luật thiếu hiệu quả dẫn đến việc đất nước hay từng vùng địa phương nghèo đói và kém phát triển, người ta gọi đó là “thể chế có vấn đề”. Đặc điểm ở các vùng nông thôn là người dân có mức vốn thấp, hoạt động dựa vào các công nghệ có chi phí thấp và có sẵn ở địa phương, sử dụng các công cụ làm bằng tay nhiều hơn là sử dụng máy móc hay thiết bị hiện đại; hơn nữa, nông thôn còn có nhiều người thất nghiệp. Các nhà soạn thảo cần phải chú ý đưa ra các biện pháp pháp lý để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, thị trường lao động… đồng thời phát huy được các nguồn lực. Có thể thấy rõ pháp luật không chỉ góp phần làm ổn định trật tự xã hội mà còn tạo cơ hội quản lý tốt và phát triển.
Cần phân biệt quy phạm pháp luật với các quy phạm xã hội khác. Trong khi các quy phạm mang tính xã hội, dù được xã hội thừa nhận, nhưng vẫn không được bảo đảm bằng các biện pháp cưỡng chế của nhà nước, thì trái lại, quy phạm pháp luật luôn luôn được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Thật vậy, có một số quy tắc xử sự mà việc không thực hiện nó gắn liền với biện pháp cưỡng chế của cơ quan công quyền, ví dụ người lái xe đi vào đường cấm hay vượt đèn đỏ thì cảnh sát sẽ can thiệp ngay.
Như vậy, luật pháp có một sức mạnh vô cùng to lớn và nhờ nó việc quản lý xã hội đã đạt được những hiệu quả lớn, trong thực tế: nếu không có luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì mọi người không có điều kiện bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Quy phạm đưa ra quy định bắt buộc: người lái xe phải lái xe đi ở bên phải. Quy định mang tính bắt buộc tuyên bố điều mà người ta bắt buộc phải làm. Tất cả các quy phạm này đều nhằm mục đích đưa ra các chuẩn mực ứng xử, điều chỉnh các hành vi xử sự theo mong muốn và cuối cùng là để bảo đảm thiết lập một trật tự xã hội ổn định và phát triển bền vững …
Tóm lại, văn bản quy phạm pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ quy định các giá trị mà người quản lý coi đó là giá trị cơ bản của xã hội, không chỉ đưa ra các biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật, đem lại ổn định trật tự xã hội mà còn bảo đảm cho xã hội phát triển. Chính trong ý nghĩa này mà người soạn thảo và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền địa phương cần chú ý đến vai trò quan trọng của văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và phát triển. Ngày nay, người ta không nhấn mạnh đến yếu tố “cai trị” của nhà nước mà nhấn mạnh đến trách nhiệm của nhà nước đối với công dân, trách nhiệm duy trì và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp cho từng người dân, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho họ trong một xã hội công bằng, văn minh, dân chủ. Từ trách nhiệm chung của nhà nước, của quốc gia, mỗi cấp chính quyền địa phương có thể thấy được trọng trách của mình. Công cụ để các cấp chính quyền địa phương thực hiện quản lý và bảo đảm phát triển chính là pháp luật.
Sĩ Tiến