Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 111-Qúy III-2016

Báo chí, một cây cầu nối giữa đại biểu HĐND và cử tri

Đăng ngày: 04/08/2017
  ​Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bộ luật quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan dân cử có hiệu lực trong năm 2016 này lại dành nhiều điều, khoản để quy định về sự phối hợp giữa HĐND với cơ quan báo chí  
 

​Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đều ghi nhận: “Hội đồng nhân dân báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước cử tri địa phương thông qua phương tiện thông tin đại chúng…”; “ Phiên họp chất vấn tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do Hội đồng nhân dân quyết định.”…

Để thông tin về hoạt động HĐND, hoạt động của đại biểu HĐND đến cử tri và Nhân dân và nghe phản hồi ý kiến cử tri đến HĐND, trước hết là trách nhiệm của đại biểu thông qua hoạt động báo cáo với cử tri. Tuy nhiên, một kênh thông tin vô cùng quan trọng đó là thông qua báo chí vừa để tuyên truyền, thông tin về hoạt động của HĐND vừa để người dân có thể phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề trong đời sống xã hội, qua đó thể hiện sự giám sát và phản biện xã hội của mình.

Hội đồng nhân dân thực hiện hai chức năng cơ bản là quyết định và giám sát. Không thể phủ nhận vai trò của báo chí có tác động mạnh mẽ, rộng lớn, nhanh chóng và có sức mạnh đặc biệt trong việc hình thành dư luận xã hội. Chính vì vậy, HĐND luôn cần những thông tin chính thống từ báo chí mà những thông tin đó xuất phát từ chính đời sống của Nhân dân để từ đó báo chí cùng với HĐND giám sát việc thực hiện các kiến nghị và quyết định của HĐND. Trên thực tế, nếu HĐND chủ động trong thông tin những hoạt động của mình đến báo chí, từ đó qua kênh thông tin của báo chí lan tỏa đến người dân thì hiệu quả của cả hai hoạt động này của HĐND sẽ cao hơn.  

Thứ nhất, đối với vệc quyết định: Báo chí là nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho đại biểu và cho HĐND vì đại biểu không thể bao quát hết các vấn đề đang xảy ra trên địa bàn. Nhiều đại biểu HĐND sử dụng thông tin, ý tưởng từ báo chí để phục vụ cho việc phát biểu, đóng góp ý kiến trước khi thực hiện quyền quyết định của mình. Mỗi ý kiến của đại biểu, nếu có thêm thông tin từ báo chí, tính thuyết phục sẽ cao hơn, dễ được chấp nhận hơn bởi cơ quan báo chí trước đó đã có sự đầu tư, nghiên cứu trước khi phản ánh.

Pháp luật hiện hành quy định nhiều giai đoạn của quy trình ban hành Nghị quyết của HĐND cần phải xin ý kiến, đăng tải dự thảo trên các phương tiện thông tin để người dân biết, đóng góp ý kiến. Có thể thấy rõ điều này qua những đợt lấy ý kiến toàn dân vào dự thảo Hiến pháp, dự thảo các Bộ luật quan trọng như Hình sự, Dân sự, Đất đai… Trong những đợt ý kiến đó, báo chí không chỉ là cầu nối đưa ý kiến của người dân đến các cơ quan dân cử mà còn có sự phân tích sâu, mở ra những cuộc tranh luận, phản biện rất bổ ích để các cơ quan dân cử tự tin hơn trong việc thực hiện quyền quyết định của mình. 

Nếu như sau khi HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, việc chuyển tải đến người dân chỉ thông qua hình thức: đăng tải trên các phương tiện thông tin hoặc đại biểu báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thì sự tuyên truyền của đại biểu, của HĐND đến người dân sẽ khô khan, thiếu sức hấp dẫn và mức độ quan tâm của người dân sẽ không cao. Nhưng nếu thông qua báo chí, vệc đưa thông tin về hoạt động HĐND bằng những hình ảnh, lời bình, thông qua phỏng vấn thì hoạt động HĐND sẽ trở nên lôi cuốn, hấp dẫn hơn, được người dân quan tâm nhiều hơn và thể hiện HĐND hoạt động hiệu quả hơn.

Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai qua các nhiệm kỳ luôn ý thức rõ tầm quan trọng của báo chí với hoạt động HĐND nói chung và trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa HĐND và cử tri nói riêng. Chính vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã luôn quan tâm, tạo điều kiện, chủ động cung cấp  thông tin cho báo chí; mời phóng viên các cơ quan báo chí tham dự các hoạt động của HĐND; trả lời phỏng vấn báo chí; thực hiện tốt quy chế người phát ngôn đồng thời thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin của HĐND như website, bản tin. Những việc làm này đã giúp thông tin về những nội dung đã được HĐND quyết định đến được với cử tri và nhân dân trong tỉnh. 

Thứ hai, đối với hoạt động giám sát: HĐND tỉnh Đồng Nai luôn sử dụng báo chí là một kênh vừa gợi ý thêm các nội dung giám sát và làm tăng hiệu quả giám sát. Có thể dẫn chứng một số ví dụ: Thông qua báo chí phản ánh dư luận xã hội về một vấn đề cụ thể, từ dư luận đó, HĐND, đại biểu HĐND cân nhắc và quyết định tổ chức giám sát. Hoặc trước các kỳ họp, có những vấn đề, nội dung sắp xem xét, quyết định hay chất vấn tại kỳ họp được Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai tổng hợp gửi đến các cơ quan báo chí để nghiên cứu, thực hiện phóng sự phản ánh và đăng tải trước khi hoạt động chất vấn diễn ra. Từ thông tin của báo chí giúp đại biểu chất vấn có thêm thông tin; người trả lời chất vấn thấy rõ hơn trách nhiệm; cử tri và Nhân dân được định hướng dư luận xã hội. Tuy nhiên, HĐND tỉnh Đồng Nai luôn ý thức sâu sắc rằng: HĐND cần sự hỗ trợ của báo chí, tin tưởng báo chí nhưng không “chạy theo” báo chí. Bên cạnh đó, tất cả các hoạt động giám sát của HĐND đều được báo chí đưa tin, bài phản ánh và được cử tri Đồng Nai quan tâm theo dõi và giám sát.

Để báo chí thực hiện vai trò là cây cầu nối giữa HĐND với cử tri, theo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, bản thân các đại biểu phải chia sẻ thông tin với báo chí, sử  dụng báo chí như một kênh tuyên truyền hoạt động của mình, phải xác định rõ: Tiếp xúc, hợp tác với báo chí là việc làm không thể thiếu. Người đại biểu HĐND tiếp xúc với báo chí không phải là để “đánh bóng” tên tuổi nhưng ngại tiếp xúc với báo chí là làm giảm vai trò của đại biểu với cử tri, là thiệt thòi của người đại biểu. Vì nếu không gặp gỡ, trao đổi thông tin chính thống với báo chí, thông qua báo chí thông tin chính thống ấy đến với cử tri và Nhân dân thì rất có thể sẽ có những thông tin thiếu chính xác sẽ len lỏi vào đặc biệt là trong thời điểm nở rộ các phương tiện thông tin như hiện nay. Tuy nhiên, để giúp báo chí thực sự phát huy vai trò là cầu nối, người đại biểu cần phải có kỹ năng tiếp xúc với báo chí. 

Thực tế cho thấy, bên lề các cuộc họp, kỳ họp của HĐND, phóng viên của các cơ quan báo chí thường dành sự quan tâm phỏng vấn đại biểu HĐND và đăng tải trên phương tiện thông tin của mình. Qua đó, cử tri và Nhân dân thấy được đại biểu HĐND đã giúp mình nói lên những tiếng nói nào, đại biểu đã thực sự đại diện cho cử tri hay chưa. Nếu đại biểu HĐND, HĐND thực hiện được những việc đáp ứng với mong muốn và kiến nghị của cử tri tức là báo chí đã phản ánh và xây dựng được niềm tin của cử tri và Nhân dân từ đó sẽ tác động đến hoạt động HĐND.

Báo chí cũng là một kênh thông tin giúp cử tri hiểu và chia sẻ với hoạt động HĐND; là phương tiện giúp cử tri giám sát hoạt động HĐND, đơn cử như việc trình bày chương trình hành động của các ứng cử viên trên phương tiện thông tin, cử tri luôn theo dõi rất sát và ghi nhớ những nội dung đại biểu đã hứa và sẵn sàng nhắc nhở nếu đại biểu chưa nỗ lực thưc hiện những lời hứa đó.

Nhận thức rõ vai trò đồng hành của báo chí đối với công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động HĐND các cấp nói riêng, Tỉnh Đồng Nai tổ chức họp báo định kỳ 6 tháng/lần với hơn 60 cơ quan báo chí của Trung ương, cơ quan báo chí tại thành phố Hồ Chí Minh và tại địa phương với quan điểm xuyên suốt, nhất quán: Tỉnh Đồng Nai rất cần sự hỗ trợ của các nhà báo và cơ quan báo chí và mong muốn rằng, trong chặng đường sắp tới, báo chí và các cơ quan dân cử Đồng Nai tiếp tục là những người bạn đồng hành tin cậy, gắn bó và hỗ trợ tích cực lẫn nhau để chúng ta cùng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung.

Nguyễn Thị Oanh