DNTN chế biến bột mì Phong Phú được thành lập năm 1993, với ngành nghề kinh doanh là chế biến, gia công chế biến và mua bán, xuất nhập khẩu bột mì và nông sản. Từ năm 1997, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống nước thải theo công nghệ xử lý hồ sinh học, với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ 300 triệu đồng. Đến năm 2008, Sở Tài nguyên -Môi trường kiểm tra ngẩu nhiên mẫu nước thải ra bên ngoài của Công ty TNHH Dệt may Thế Hòa và DNTN chế biến bột mì Phong Phú, phát hiện nước thải của 02 doanh nghiệp đều vượt quy chuẩn kỹ thuật của Quốc gia về nước thải công nghiệp (Công ty Thế Hòa có độ màu vượt 1,3 lần, coliform vượt 1,9 lần; Doanh nghiệp Phong Phú có độ màu vượt 2,1lần, amoni vượt 5,4lần, tổng nitơ vượt 2,4 lần, tổng photpho vượt 1,7 lần). Do đó, Công ty Thế Hòa và DNTN Phong Phú bị đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường ban hành kèm theo Quyết định 333/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai ngày 11/02/2009 về “Danh mục và việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đợt 1 năm 2008”.
Thi hành Quyết định số 333/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Dệt may Thế Hòa và DNTN chế biến bột mì Phong Phú đã triển khai một số biện pháp nhằm hạn chế việc khắc phục ô nhiễm môi trường, cụ thể như: Công ty TNHH Dệt may Thế Hòa đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Trung Đức xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải lò hơi, hệ thống xử lý nước thải; lắp đặt hệ thống khử mùi của lò nhiệt và máy định hình. Phân loại nguồn thải, xây dựng, cải tạo phân chia từng khu vực quản lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại và hợp đồng với Công ty Môi Trường Xanh để thu gom, xử lý theo đúng quy định. Về nước thải, Công ty đã gia cố thêm phần móng của các hồ chứa nước thải thu gom, trám lấp các chỗ rò rỉ, lót vải địa chất chống thấm dưới đáy và xung quanh hồ để chống thẩm thấu ra môi trường xung quanh. Về khí thải, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Trung Đức, Công ty cổ phần Môi trường Mê Kông Xanh và DNTN Minh Hưng Long để xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải 02 lò hơi, lắp đặt hệ thống xử lý khói, mùi của lò nhiệt và máy định hình. Tháng 4/2013 Công ty đã gửi hồ sơ đến sở Tài nguyên - Môi trường để thẩm định hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm môi trường. Đối với DNTN chế biến bột mì Phong Phú, từ năm 2010 đến năm 2012, Doanh nghiệp đã đầu tư 7,8 tỷ đồng để xây dựng thêm 02 hầm Biogas (theo công nghệ Thái Lan, phủ bằng tấm nhựa HDPE) có dung tích là 8.000m3, 40.000m3 và hồ sinh học có sức chứa 20.000m3 nhằm hạn chế việc gây ô nhiễm nguồn nước thải. Đồng thời, trong quá trình xử lý chất thải nhằm hạn chế mùi hôi công ty đã sử dụng một số chế phẩm sinh học, các chế phẩm này đều thân thiện với môi trường và giúp quy trình xử lý đạt hiệu quả hơn. Năm 2012, doanh nghiệp đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để làm mới hệ thống lò đốt theo công nghệ sử dụng dầu truyền nhiệt. Khói trước khi thải ra môi trường đã được lọc qua màng nước nhằm mục đích loại bỏ bụi và tro, quan sát bằng mắt thường thấy khói có màu trắng nhạt. Các chất thải rắn như: bả mì tươi, vỏ mì, bùn đất loại ra trong quá trình sản xuất được doanh nghiệp tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi bò sữa và ủ làm nguyên liệu phân vi sinh hữu cơ phục vụ trồng trọt...
Tuy nhiên, qua giám sát của Ban KT-NS HĐND tỉnh, cho thấy Công ty TNHH Dệt may Thế Hòa và DNTN chế biến bột mì Phong Phú đã thực hiện một số biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và đã được UBND tỉnh gia hạn thời gian khắc phục ô nhiễm môi trường 02 lần nhưng đến thời điểm giám sát vẫn chưa được chứng nhận hoàn thành việc khắc phục. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế.
Đoàn khảo sát việc khắc phục ô nhiễm môi trường
tại công ty TNHH Dệt may Thế Hòa

Đối với Công ty TNHH Dệt may Thế Hòa: Qua khảo sát thực tế tại khu vực hồ xử lý nước thải cho thấy, có sự rò rỉ nước tại khu vực hồ chứa nước thu gom; thành hồ xây thấp dẫn đến dễ chảy tràn ra môi trường xung quanh khi trời mưa. Theo báo cáo của đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường thì nước thải ra môi trường khi xử lý vẫn còn thông số độ màu chưa đạt tiêu chuẩn (lấy mẫu kiểm tra vào cuối năm 2012). Hồ chứa nước để phục vụ hệ thống xử lý khí thải quá bẩn (qua quan sát bằng mắt thường thấy nước đục, bề mặt đầy rong rêu). Khí thải ra môi trường vẫn còn thông số CO chưa đạt (kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường cuối năm 2012). Khu vực lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa được đảm bảo; một số thùng chứa hóa chất không được ghi nhãn mác và đặt ở ngoài trời không đúng quy định. Qua khảo sát cho thấy, Công ty sử dụng giếng khoan không đúng quy định vì khu vực này đã có hệ thống cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Mặt khác, ngành nghề sản xuất chính của công ty là nhuộm vải len, sợi nên công suất nước thải, hơi thải và nhiệt thải khá cao nhưng công ty chưa bố trí cán bộ chuyên trách về lĩnh vực môi trường, chưa thực hiện báo cáo về bảo vệ môi trường 6 tháng/lần và công nhân chưa thực hiện mang bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất…
Đối với DNTN chế biến bột mì Phong Phú: Tuy đã quan tâm đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải (hầm biogas) nhưng xử lý chưa triệt để, vẫn còn một số tồn tại như: chưa tách riêng được hệ thống nước mưa và nước sản xuất; tại một số đoạn ống dẫn nước thải có rò rỉ nước, bờ bao của các hồ chứa nước có đoạn bị nứt lớn có thể chảy thẳng ra mương của khu vực, hàng rào tại một số hố sâu chưa an toàn cho người và gia súc. Khu vực để chất thải rắn nguy hại có lúc có nơi chưa đảm bảo, bên cạnh đó, hợp đồng thu gom xử lý chất thải nguy hại đã hết hạn nhưng Công ty chưa ký hợp đồng mới để thu gom. Bên cạnh đó, công suất sản xuất của doanh nghiệp là khá lớn (80 tấn củ mì tươi/ngày) nên công suất nước thải và khí thải là khá cao, nhưng doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ chuyên trách về lĩnh vực môi trường và công nhân chưa thực hiện mang bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất…
Nguyễn Bình