Trong đó tập trung tuyên truyền các văn bản như: Luật xử lý vi phạm hành chính, các luật chuyên ngành giao thông; các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm trật tự ATGT, nhất là các văn bản của Chính phủ mới ban hành về xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông.
Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT cho gần 90.000 lượt người vi phạm; tuyên truyền 1.998 buổi tại các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư với 193.600 lượt cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên tham dự; treo dán trên 4.000 băng rôn, khẩu hiệu; thông qua các buổi tuyên truyền, trực tiếp cấp phát 81.000 tài liệu, băng đĩa cho các tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp và trường học, xây dựng và phát sóng 40 phóng sự, đưa tin 1.024 lượt trên sóng phát thanh của các địa phương với nội dung tuyên truyền về hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT, tổ chức cho 106.722 hộ gia đình và doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông; thông báo về nơi cư trú, cơ quan, doanh nghiệp, trường học 25.307 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, các tuyến quốc lộ chính và một số đường tỉnh có mật độ giao thông cao được thực hiện 24/24 giờ; phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông tiếp tục được duy trì ở mức cao, cùng với các biện pháp khác, đã góp phần duy trì ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Năm 2016 tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 mặt so với năm 2015: Xảy ra 425 vụ (giảm 30 vụ, giảm 6,6%, chết 329 người (giảm 14 người, giảm 4,1%) , bị thương 265 giảm 46 người, giảm 14,8%) Trong quý I năm 2017 tai nạn giao thông giảm số vụ và số người chết: Xảy ra 103 vụ (giảm 9 vụ, giảm 8%, chết 90 người (giảm 5 người, giảm 5,3%) , bị thương 85 tăng 28 người, tăng 49%).
Công tác xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn gặp một số khó khăn như: biên chế Cảnh sát giao thông nhất là Công an cấp huyện ít so với số lượng phương tiện tham gia giao thông và độ dài các tuyến đường huyện chịu trách nhiệm; cơ sở vật chất còn hạn hẹp nên chưa phân cấp đảm trách tuần tra kiểm soát tuyến đường thủy nội địa địa phương cho Công an cấp huyện, trong khi đó tuyến đường thủy dài, một số hành vi vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; lĩnh vực đường bộ, chưa đảm bảo quán xuyến tuần tra kiểm soát 24/24 giờ trong ngày trên tất cả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn xảy ra nhiều, nhất là các nhóm chạy quá tốc độ, lấn trái vượt ẩu, lưu thông ngược chiều, không đúng làn đường, phần đường, tùy tiện sang đường, chuyển hướng... đây cũng là nguyên nhân gây ra phần lớn các vụ tai nạn giao thông.
Hiện nay, về trình tự, thủ tục tịch thu, bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm còn phức tạp dẫn đến việc xử lý tang vật, phương tiện phải kéo dài. Nơi quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ của Công an các xã, phường, thị trấn còn khó khăn và chưa đảm bảo theo quy định của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt mới ban hành có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2016 nhưng vẫn còn nhiều bất cập, một số hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được quy định chế tài xử phạt hoặc chế tài chưa đủ sức răn đe, mặt khác trong thông tư hướng dẫn chưa ban hành nên khó khăn trong thực hiện. Việc cưỡng chế người vi phạm không thực hiện quyết định xử phạt chưa triệt để. Hiện tại, ở các bộ phận xử phạt vẫn còn tồn đọng một số lượng lớn quyết định xử phạt mà người vi phạm không đến để thi hành (trên 10.000 trường hợp), do người vi phạm ở các tỉnh, thành xa đi lại khó khăn, chi phí lớn hơn mức phạt, một số trường hợp do hoàn cảnh khó khăn không thể nộp tiền phạt một lần; điều này làm cho việc xử phạt không được triệt để, tạo tiền lệ xấu trong ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế là cơ quan có thẩm quyền xử phạt không có lực lượng chuyên trách để cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt; việc cưỡng chế khấu trừ nộp phạt qua tài khoản ngân hàng của người vi phạm hiện nay là khó khả thi.
Ngọc Hiền