Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 57-T09.2009

Để đại biểu HĐND không trở thành “Người phát ngôn bất đắc dĩ” cho cơ quan có thẩm quyền trả lời ý kiến cử tri

Đăng ngày: 29/10/2009
Thông thường, trong các đợt tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp, nơi cư trú hoặc nơi công tác, đại biểu HĐND thường nhận được nhiều ý kiến cử tri trong đó có những ý kiến mà đại biểu không thể trả lời, trao đổi ngay mà ghi nhận chuyển đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết, trả lời. Các nội dung này theo quy định được đại biểu chuyển về Thường trực HĐND cùng cấp để chuyển đến Chủ tịch UBND chỉ đạo cơ quan thẩm quyền trả lời và đại biểu có trách nhiệm thông tin đến cử tri trong lần tiếp xúc sau đó.
Cử tri phường Long Bình thành phố Biên Hòa tiếp tục trao đổi sau khi nghe trả lời của cơ quan có thẩm quyền
Trên thực tế đã xảy ra tình huống khi đại biểu thông tin một cách trung thực toàn văn  văn bản trả lời thì ngay lập tức nhận phải sự phản ứng rất gay gắt không chỉ của cử tri đã phản ánh mà là của các cử tri có mặt trong buổi tiếp xúc. Tuy không phải là phổ biến nhưng nếu lâm vào tình huống này nếu đại biểu không khéo léo trong xử lý sẽ tạo ra những ảnh hưởng xấu đến chất lượng buổi tiếp xúc, trách nhiệm của cơ quan đã trả lời ý kiến cử tri cũng như uy tín của chính đại biểu.

Việc trả lời không đúng nội dung trọng tâm cử tri hỏi hoặc phản ánh là tình trạng có lúc, có nơi đã xảy ra tại các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Khi tiếp nhận những văn bản trả lời này, nếu người đại biểu không nghiên cứu kỹ giữa nội dung hỏi và nội dung trả lời để tìm cách xử lý thì rất có thể sẽ làm mất tín nhiệm trước cử tri đã bầu ra mình, nhiều trường hợp cử tri cho rằng đại biểu bênh vực cho những việc làm không tròn trách nhiệm của các cá nhân hoặc cơ quan nào đó.

Tuy nhiên có một thực tế là việc gửi văn bản trả lời ý kiến cử tri đến đại biểu thường chậm (riêng đối với đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai thì việc gửi văn bản trả lời đã gặp thuận lợi về thời gian do được gửi vào hộp thư công vụ), có khi văn bản trả lời đến tay đại biểu sát thời điểm đã bố trí lịch đi tiếp xúc cử tri nên việc thẩm định chất lượng trả lời cũng như đề nghị trả lời bổ sung của đại biểu gặp khó khăn. Mặc dù nguyên nhân nào thì khi thông tin đến đại biểu nội dung trả lời, đại biểu luôn phải chủ động để có thể đáp ứng được cao nhất nguyện vọng của nhân dân.

Trở lại tình huống nêu trên, đại biểu phải bình tĩnh xử lý, xác định việc bất bình và phản ứng của cử tri có đúng hay không, đúng đến mức độ như thế nào để có hướng xử lý. Nếu việc cử tri không đồng tình được xác định có nguyên nhân là do việc trả lời không đầy đủ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, trường hợp này, đại biểu phải thẳng thắn nhận thiếu sót trước cử tri từ đó khẳng định trước cử tri về việc đại biểu sẽ có trách nhiệm chuyển, đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa ra câu trả lời thỏa đáng, đúng trọng tâm và có thời gian trả lời cụ thể. Tuyệt đối tránh tình trạng phủ nhận trách nhiệm đại biểu, cho rằng mình chỉ phản ánh trung thực nội dung đã trả lời.

Nếu việc cử tri không đồng tình là do đòi hỏi quá mức của cử tri hoặc vì lý do cá nhân đó từ đó gây kích động đối với cả Hội nghị tiếp xúc cử tri thì đại biểu phải lắng nghe toàn bộ các ý kiến phát biểu, phân tích cho cử tri thấy việc giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền nội dung nào là thỏa đáng đề nghị cử tri thực hiện để thể hiện trách nhiệm của công dân; nội dung nào là chưa thỏa đáng thì đại biểu sẽ thực hiện trách nhiệm tiếp theo của mình, tránh tình trạng nóng vội theo cử tri từ đó nóng vội trong việc đưa ra những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.

Luật tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân không quy định rõ trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trả lời ý kiến cử tri và xử lý tiếp theo trong trường hợp nhận thấy việc trả lời là chưa thỏa đáng trong khi trách nhiệm của đại biểu trong việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân lại được quy định rất rõ tại điều 49 Quy chế hoạt động của HĐND và điều 68 Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VII. Tuy nhiên không phải vì không quy định rõ mà đại biểu không có quyền thẩm định tính đầy đủ, đúng pháp luật của nội dung trả lời cũng như “dồn đuổi” để có câu trả lời thỏa đáng; trái lại đại biểu phải thể hiện vai trò chủ động của mình trong việc thể hiện trách nhiệm trước cử tri bằng việc yêu cầu tiếp tục trả lời những vấn đề chưa rõ, không đầy đủ hoặc không đúng trọng tâm.

Bên cạnh đó cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trả lời cũng như tiếp nhận ban đầu các ý kiến trả lời đó để có sự thẩm định một cách tương đối với nội dung trả lời, tránh tình trạng đẩy “cái khó” đến đại biểu HĐND. Trách nhiệm ban đầu đó thuộc về UBND (cơ quan có trách nhiệm tổng hợp báo cáo trả lời ý kiến cử tri); Văn phòng hoặc cán bộ Văn phòng giúp việc cho HĐND (nơi tổng hợp các ý kiến để chuyển đến Chủ tịch UBND) và Thường trực HĐND. Có được sự phối hợp đồng bộ đó cùng với vai trò chủ động của đại biểu sẽ giúp tránh được tình trạng đại biểu HĐND trở thành người phát ngôn bất đắc dĩ cho cơ quan có thẩm quyền tại Hội nghị tiếp xúc cử tri.

 Nguyễn Thị Oanh