Ngày 1 tháng 7 năm 2025 - 22:19:21 | |  |
|
Liên kết website
Specified argument was out of the range of valid values.
Những điểm mới trong năm học 2009-2010 Đăng ngày: 29/10/2009
Được xác định là năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2009-2010, ngành giáo dục đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản việc chống tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông, tập trung vào việc giảm tối thiểu tiêu cực trong thi, kiểm tra và đánh giá, trong tuyển sinh đầu cấp.
 |
Đoàn học sinh giỏi tiến vào Hội trường dự Lễ tổng kết năm học 2008-2009 | Báo cáo của Sở GD-ĐT cho thấy, năm học 2008-2009, ngành giáo dục mầm non đã từng bước nâng cao về chất lượng, tỉ lệ trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp đạt 80%, trẻ 5 tuổi đạt 99,8%, giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non còn 8,2%, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nhà trẻ giảm 1,4%, trẻ mẫu giáo giảm 1,2%. Hiện tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có trường mầm non, các vùng khó khăn đều có trường mầm non công lập. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh học khá, giỏi tăng hơn năm 2007-2008; Về kiên có hoá trường lớp, năm học vừa qua ngành GD-ĐT đã xây mới được 454 phòng học mới, 100% trường THPT đều được trang bị thiết bị dạy học tối thiểu lớp 12 với số tiền là 4,6 tỷ đồng, trang bị 3 phòng máy cho 3 trường THPT và 6 phòng máy cho 6 trường THCS với tổng kinh phí là 1,7 tỷ đồng… Hội nghị tổng kết năm học đã xác định rõ những tồn tại của năm học như: công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý trong một số vấn đề còn chưa đồng bộ, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh chưa nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động và thi đua của ngành, năng lực của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, chất lượng giáo dục phát triển chưa đồng bộ, học sinh còn bỏ học vì nhiều lý do... Nhìn thấy những điều này, trong năm học 2009-2010, ngành giáo dục Đồng Nai tập trung vào việc đổi mới quản lý giáo dục, như đổi mới quản lý tài chính, đổi mới quản lý đội ngũ. Những đổi mới đó sẽ có sự điều chỉnh theo hướng phát huy sự năng động, sáng tạo của từng cơ sở giáo dục, từng cá nhân. Cụ thể, Sở thực hiện thông tư 09 về Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục. Theo đó, các cơ sở sẽ phải thực hiện "3 công khai, 4 kiểm tra", kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục để người học và xã hội giám sát. Sở tiếp tục giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục, đồng thời ràng buộc các cơ sở giáo dục và người đứng đầu các cơ sở vào việc phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục. Muốn thay đổi cách dạy học này, Sở sẽ phải tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới thi cử, các cơ sở nghiêm túc thực hiện hiệu quả việc đánh giá, kiểm tra kết quả học tập của học sinh. Sở yêu cầu việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Ngoài ra, các cấp học sẽ phải bàn giao kết quả học tập của học sinh lớp dưới cho lớp trên. Có như thế, việc đánh giá mới thực chất và giáo viên sẽ có trách nhiệm với sản phẩm của mình hơn.
Với chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, trong năm học 2009-2010 ngành GD-ĐT tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, triển khai cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc học sinh ngồi sai lớp”; tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đối với các trường phổ thông, mầm non… Năm học này, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung vào việc chấm dứt hiện tượng học sinh ngồi sai lớp cũng như đưa ra các chỉ tiêu thi đua không có cơ sở thực tiễn và không khả thi. Ngành cũng phấn đấu giảm tỉ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học, không dạy trẻ mầm non trước chương trình lớp 1. Kiên quyết không để giáo viên, nhân viên không qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ; nghiêm cấm những hành vi dọa nạt, quát mắng, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Năm học này, ngành cũng đặt yêu cầu các trường mầm non tăng cường giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ.
Đây là việc mà ngành giáo dục đề cập từ nhiều năm, song trong năm học này sẽ triển khai quyết liệt vì đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng là hai vấn đề không thể tách rời. Ngoài ra, ngành tiếp tục tập trung vào việc phát triển và thực hiện tốt quy hoạch chi tiết mạng lưới trường lớp, củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, tiếp tục thực hiện chỉ tiêu chương trình kiên cố hóa phòng học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên từ 2008-2012. Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Minh Hoàng cho biết thêm, một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm học mới là các phòng GD-ĐT phải tăng cường công tác kiểm tra việc hoàn thành chương trình, đánh giá xếp loại học sinh lớp cuối cấp. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT phải phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp quản lý lỏng lẻo, cắt xén chương trình, giáo viên sửa chữa điểm sai quy chế làm thay đổi kết quả xếp loại học tập của học sinh, kiên quyết ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm quy chế thi. Để nâng cao chất lượng giáo dục, thanh tra các cấp cũng sẽ tập trung thanh tra các cơ sở giáo dục, đặc biệt chú ý đến các cơ sở ngoài công lập trong việc thực hiện cam kết trong đề án thành lập trường (với những cam kết về số lượng, chất lượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhà giáo, nhân viên...). Ngành cần tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành của nhà quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục để hướng đến nền giáo dục hiện đại và muốn làm được điều này vai trò của thầy cô giáo và các em học sinh là rất lớn. Vì vậy mỗi thầy cô giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, ứng dụng giỏi công nghệ thông tin trong giảng dạy và mỗi học sinh phải có tinh thần tự giác, tích cực học tập và rèn luyện bản thân… Kết quả đào tạo trong những năm qua tuy đạt cao nhưng nếu so với mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ thì vẫn chưa đạt yêu cầu khi tỉ lệ tốt nghiệp THPT vẫn chưa đạt trên 85%, tỉ lệ xoá mù chữ vẫn đứng thứ 24/63 tỉnh thành và xếp hạng giáo dục vẫn đứng ở thứ 31/63 tỉnh thành, vì vậy ngành GD-ĐT cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác của mình.
Kim Ngọc
|
|
|