Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 51-T03.2009

Di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được gìn giữ như thế nào?

Đăng ngày: 29/03/2009
Thực hiện chương trình giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về công tác trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh đã khảo sát Quần thể Lăng mộ Trịnh Hoài Đức tại phường Trung Dũng và Mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Đây là hai di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án trùng tu, tôn tạo để xứng tầm là giá trị văn hóa tinh thần quý giá của địa phương, của dân tộc. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy tình trạng xuống cấp của hai di tích là rất đáng lo ngại.
Đoàn khảo sát thắp nén hương tại khu mộ chính của Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức và phu nhân
Cụ Đoàn Văn Cự là một chí sĩ yêu nước đứng đầu phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của lực lượng nông dân vùng Bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu (khu vực phường Long Bình, thành phố Biên Hòa ngày nay) trong những năm 1902-1905, đã bị giặc sát hại dã man cùng với 16 nghĩa binh khác. Cụ đã hy sinh trong tư thế rất hiên ngang, anh dũng và được dân chúng đưa đi an táng cùng với 16 nghĩa binh bên cạnh dòng suối ( suối Linh ngày nay), sau đó cụ được nhân dân tôn làm Quốc công. Hiện nay, ngôi mộ của cụ và 16 nghĩa binh vẫn nằm tại phường Long Bình, trên trục quốc lộ 1A, cách cầu Suối Linh khoảng 40m. Thời Pháp thuộc, mộ chỉ là nấm đất sơ sài. Đến năm 1956, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp xây dựng mộ. Năm 1998, ngôi mộ được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia. Đến với di tích, chứng kiến nấm mộ tập thể gồm 17 bát hương luôn nghi ngút khói, gợi nên trong lòng mọi tầng lớp nhân dân sự ngậm ngùi tiếc thương và lòng khâm phục tinh thần anh dũng, quả cảm không gì khuất phục nổi của các chí sĩ yêu nước đã tình nguyện hy sinh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, người dân tại khắp nơi đã về lấn chiếm đất đai, xây cất nhà cửa trái phép, ngôi mộ giờ đây nằm trong một con hẻm nhỏ, không có biển báo di tích cấp quốc gia. Không những thế, dòng suối trong xanh ngày nào giờ đây bị ô nhiễm nặng nề bởi mùi hôi thối nồng nặc từ rác thải và nguồn nước thải từ các hộ dân ở gần đó, trong khi bản thân di tích cũng đang xuống cấp dần theo năm tháng. Theo báo cáo, hàng năm địa phương đều có khoản chi trích từ ngân sách khoảng vài triệu đồng/năm, tuy nhiên khoản tiền này chỉ đủ để dùng cho việc cúng tế, lễ bái, quét vôi di tích. Năm 2007, địa phương đã làm việc với các cơ quan chức năng, đề ra phương án quy hoạch mở rộng di tích kết hợp với xây dựng công viên cây xanh. Theo đó, sẽ giải tỏa, di dời các hộ dân lấn chiếm xung quanh, mở rộng khu di tích lên 16.000m2. Phía trước mặt di tích là quốc lộ 1A, phía sau sẽ xây dựng trục đường liên khu phố, tạo điều kiện giao thông thuận lợi. Nếu được hình thành, khu di tích - công viên này vừa thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ di tích, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho nhân dân. Dự án này được giao cho Ban quản lý di tích danh thắng của tỉnh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì đây là di tích cấp quốc gia, nên phương án trùng tu, tôn tạo sẽ phải qua thẩm định của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là sự phê chuẩn của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch…vì vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có biến chuyển nào rõ rệt ngoài công tác bảo quản hiện trạng di tích do sự nỗ lực của BQL di tích danh thắng.

Cũng trong khuôn khổ chương trình giám sát, Thường trực HĐND tỉnh  đã khảo sát Quần thể Lăng mộ danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức tại phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Trịnh Hoài Đức (1765-1825), là người gốc Hoa. Sinh thời ông là người học rộng tài cao, thi cử đỗ đạt, lần lượt kinh qua các chức vụ chủ chốt trong triều vua Gia Long. Ông vừa là nhà thơ, nhà văn cũng vừa là sử gia nổi tiếng của Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ 18-19. Ông mất năm 61 tuổi, được an táng tại quê ngoại (dinh Trấn Biên, nay thuộc khu phố 3, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa). Lăng mộ ông được xếp hạng Di tích Văn hóa - lịch sử quốc gia vào năm 1990. Theo kết cấu ban đầu, lăng mộ là một quần thể, trong đó ngoài phần mộ của ông và phu nhân, còn có 11 ngôi mộ của con cháu, cận thần cùng với các mộ ngựa, mộ yểm... Theo một số kết quả nghiên cứu, quần thể lăng mộ nguyên thủy là cả một tổng thể rộng đến khoảng 2 hécta, bao gồm cả khu vực hồ nước ở công viên Biên Hùng. Qua năm tháng, khu lăng mộ dần dần bị thu hẹp lại chỉ còn khoảng 140m2 ( gồm mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân) bởi sự lấn chiếm đất đai của dân cư để xây dựng nhà, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và sự tôn nghiêm của quần thể lăng mộ. Hiện nay, đường vào là hẻm nhỏ không có bảng chỉ dẫn. Hiện trạng quần thể mộ con, cháu, cận thần cùng các thiết chế kèm theo khác đang nằm lẫn vào với khu vực nhà dân được xây cất tạm bợ. Đoàn khảo sát đã chứng kiến cảnh một số ngôi mộ trong quần thể di tích bị nằm lẫn trong khu vực nhà dân, cạnh chỗ nuôi gà, phơi quần áo nhếch nhác, một số ngôi mộ bị nứt vỡ, rêu phong, ngược lại có ngôi mộ lại ”được” xây dựng lại bằng…xi măng. Đáng buồn hơn, cũng vì nằm lẫn khu vực nhà dân cho nên thậm chí vài ngôi mộ đang nằm rất sát với nhà vệ sinh! Theo một số thông tin trên báo chí, một vài ngôi mộ ngựa, mộ yểm đã bị người dân khai quật để làm nhà và trong tương lai, việc bảo quản hiện trạng cũng trong tình trạng rất bấp bênh nếu dự án không mau chóng được triển khai.

 Theo báo cáo, Giữa năm 2006, UBND thành phố Biên Hòa được giao trách nhiệm lập dự án bảo tồn, tôn tạo khu vực quần thể lăng mộ. Dự án sẽ phục hồi lại nguyên trạng toàn bộ quần thể, đồng thời kết hợp xây dựng công viên để thành nơi vui chơi giải trí, triển khai các hoạt động văn hóa với khuôn viên lên đến 4.500m2. Theo Quyết định số 7926/QĐ-UBND của UBND tỉnh, phương án này có dự toán kinh phí bồi thường cho 34 hộ phải di dời là trên 14 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn chưa có dấu hiệu triển khai. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án thành phố Biên Hòa, do dự án có tính chất vừa trùng tu, vừa tôn tạo nên đã được cơ quan chức năng thống nhất tách làm hai dự án độc lập gồm: dự án tôn tạo ( chỉ quy hoạch khu vực xung quanh khu lăng mộ ) và dự án trùng tu riêng phần lăng mộ. Dự án tôn tạo có tổng mức đầu tư khoảng 23 tỉ đồng, trong đó 14 tỉ để hỗ trợ cho 34 hộ theo giá đất năm 2005-2006. Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục  hỗ trợ cho các hộ dân nơi đây để giải phóng mặt bằng, đến nay ( đầu năm 2009) công tác này vẫn chưa được triển khai, dự kiến cuối năm 2009 có thể hoàn tất. Theo khung giá đất hiện tại, kinh phí bồi thường dự kiến sẽ lên đến 30 tỉ, đây là một khó khăn cho ngân sách của thành phố, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của kinh tế xã hội năm 2009. Đối với dự án trùng tu, do là Di tích văn hóa cấp quốc gia nên mọi chi tiết kỹ thuật liên quan đều phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, chính vì vậy đến hết năm 2007 đơn vị tư vấn mới cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu, qua đó đề xuất phương án trùng tu thích hợp. Dự kiến cuối năm 2009 sẽ hoàn tất thủ tục dự án trùng tu với kinh phí dự kiến khoảng 10 tỉ.

Như vậy, theo đánh giá bước đầu của đoàn khảo sát, một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích là quy trình thủ tục, quá trình hỗ trợ giải phóng mặt bằng qua nhiều thủ tục phức tạp, cộng với hệ quả của sự quản lý đất đai thiếu chặt chẽ của địa phương gây nên việc kéo dài thời gian dự án, làm phát sinh thêm kinh phí hỗ trợ ( do giá đất thay đổi). Ngoài ra, đối với di tích cấp quốc gia, phương án trùng tu, tôn tạo phải qua thẩm định của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là sự phê chuẩn của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cũng là một yếu tố gây kéo dài thời gian dự án. Đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, sự phân cấp quản lý chồng chéo cho nhiều cơ quan, đơn vị cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến công tác quản lý di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh. Hiện tại BQL di tích danh thắng đã lập xong đề án phân cấp quản lý di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh, xin ý kiến của các cơ quan chức năng để chuẩn bị xin bổ sung vào chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh  năm 2009.

Trong khi chờ đợi sự ra tay của các ngành chức năng, các di tích văn hóa lịch sử lại tiếp tục chống chọi với khả năng bị xâm thực của thiên nhiên và nguy cơ tàn phá từ bàn tay con người.

Kim Chung