 |
Đồng bào dân tộc huyện miền núi thụ hưởng từ chương trình 134 |
Đây là một quyết định quan trọng thể hiện sự nỗ lực và quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là hộ nghèo, đến sự nghiệp xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc nói chung và cả nước nói riêng, với tính nhân văn sâu sắc, phát huy bản chất tốt đẹp của cả dân tộc. Sau hơn 04 năm triển khai thực hiện Quyết định 134 đã đạt được những kết quả to lớn trên nhiều mặt, tạo những tiền đề quan trọng để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn nhất; tạo được sự quan tâm và đồng thuận của toàn xã hội; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa hướng dẫn đến cấp huyện, xã tiến hành khảo sát điều tra, đánh giá nhu cầu theo từng nội dung cụ thể. Nhìn chung, việc bình xét được tiến hành cơ bản là công khai, dân chủ từ cơ sở với sự tham gia của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của địa phương, tiến hành các bước họp thẩm định, hoàn thiện đề án và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt làm căn cứ tổ chức thực hiện. Việc thực hiện QĐ 134 cũng tạo nên khí thế mới trong tinh thần của nhân dân ở các vùng nông thôn, xây dựng cuộc sống mới, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giúp đỡ, tương thân, tương ái trong cộng đồng; thúc đẩy việc thực hiện cơ chế dân chủ ở cơ sở. Đồng bào các dân tộc phấn khởi và tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia trực tiếp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của chính mình.
Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg nhằm thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Việc thực hiện tốt các chính sách trên có ý nghĩa rất quan trọng giúp đồng bào có điều kiện sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống, sớm thoát nghèo, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự xã hội tại các vùng miền trong cả nước
Theo Chương trình 134 của Chính phủ, kinh phí hỗ trợ làm nhà ở cho mỗi một hộ nghèo được 6 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng, huyện 5 triệu đồng, UBMTTQ huyện 2 triệu đồng… hầu hết ngôi nhà sau khi xây dựng hoặc sửa chữa, nâng cấp xong đều có giá trị từ 20-23 triệu đồng. Do vậy, địa phương đã vận động quần chúng nhân dân tham gia đóng góp với nhiều hình thức như: giúp đỡ ngày công lao động, giúp đỡ tiền, vật liệu xây dựng...
Quá trình thực hiện Quyết định 134 trên đại bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2004 – 2008 đã được HĐND, UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo và thường xuyên làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh báo cáo việc thực hiện Quyết định 134 trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các ngành liên quan trong tỉnh đến các địa phương và tiếp xúc trực tiếp với các hộ dân để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách theo Quyết định 134.
Trong đợt khảo sát ngày 18/02/2009 của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện Chương trình 134 tại 2 xã Phú Bình và Tà Lài huyện Tân Phú, ông Bùi Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Phú Bình và ông Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch xã Tà Lài và bà con đồng bào dân tộc vui mừng cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng bà con dân tộc thiểu số trong xã đã có những căn nhà mái ngói khang trang, nhiều hộ đã có nhà mới, từ nay các gia đình không còn phải lo lắng mỗi khi mùa mưa về, và yên tâm vào công việc sản xuất, sớm đưa gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo, đời sống của bà con nơi đây đang được đổi mới từng ngày, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, đây chính là động lực sớm đưa bà con thoát nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình 134, tỉnh Đồng Nai nói chung và các huyện miền núi trong tỉnh nói riêng cũng gặp không ít khó khăn. Vì hầu hết vùng đồng bào dân tộc sinh sống là vùng núi, nhà ở của bà con không tập trung, địa hình đồi núi dốc, giao thông chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và trình độ dân trí của người dân còn thấp... Bên cạnh đó, có sự nhận thức khác nhau về chuẩn nghèo, đánh giá tiêu chí hộ nghèo chưa được cụ thể, tình hình các hộ có nhu cầu được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất còn khó khăn do quỹ đất của các xã không còn, hiện nay riêng địa bàn huyện Tân Phú còn 303 hộ đang thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, chính sách thay thế chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đối với các xã không còn quỹ đất sản xuất nông, lâm nghiệp đã được thực hiện bằng chính sách đào tạo nghề và thay vào bằng một số loại ngành nghề thủ công, đan lát, buôn bán nhỏ…, chính quyền địa phương đang tập trung tìm các giải pháp để hỗ trợ cho các hộ này và quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình 134 của Chính Phủ để đưa đời sống và điều kiện sinh hoạt của các hộ đồng bào dân tộc ngày càng tốt hơn.
Lưu Thị Hà