Ngày 2 tháng 7 năm 2025 - 4:26:8 | |  |
|
Liên kết website
Specified argument was out of the range of valid values.
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ XÓA NGHÈO BỀN VỮNG? Đăng ngày: 03/09/2009
Theo chuẩn nghèo mới của tỉnh Đồng Nai được ban hành tại Nghị quyết số 128/2008/NQ-HĐND7 ban hành ngày 05/12/2008, (khu vực nông thôn hiện có chuẩn 450.000đ/người/tháng, khu vực thành thị 650.000đ/người/tháng) thì đầu năm 2009, toàn tỉnh Đồng Nai có trên 42.800 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 8,6% số hộ dân, trong số đó hộ nghèo nông thôn chiếm trên 87% số hộ nghèo, số lao động có học vấn tốt nghiệp lớp 5 trở xuống chiếm 48%, số lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm 97% số nhân khẩu trong hộ nghèo.
 |
Xã hội nên có một quan niệm tích cực trogn việc hỗ trợ người nghèo có kế mưu sinh từ chính bàn tay của mình. Ảnh: đào tạo việc làm cho thanh niên nông thôn nghèo | Từ thực trạng trên cho thấy, lao động trong hộ nghèo có học vấn thấp và rất thấp, hạn chế về trình độ chuyên môn, dẫn đến thiếu việc làm và thất nghiệp, nhiều hộ phải ở nhà tạm hoặc nhà thuê mướn, thu nhập bình quân chung trong nhóm hộ nghèo khá thấp so với mức sống bình quân. Theo đánh giá của UBND tỉnh, tốc độ giảm nghèo hiện đang có xu hướng chậm lại do tác động của suy thoái kinh tế, ô nhiễm môi trường và diễn biến phức tạp của khí hậu. Điều này dẫn đến nguy cơ tái nghèo có thể tăng do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, những mặt trái của hội nhập và phát triển kinh tế thị trường. Ngày nay, cơ hội kiếm việc làm của người nghèo ngày càng khó khăn hơn do sự đổi mới về khoa học, công nghệ, lao động đòi hỏi trình độ áp dụng công nghệ cao, kỹ năng thành thục. Sự biến động về đầu tư phát triển kinh tế giữa các vùng không đồng đều dẫn đến hộ nghèo tập trung ở một số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn xuất hiện một số nhóm đối tượng nghèo mới ở vùng đô thị hóa, trong một bộ phận dân nhập cư. Đây là những cản trở lớn cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Qua thời gian đầu hội nhập, đến nay theo đánh giá chung, nền kinh tế bắt đầu có những chuyển biến tích cực, đáng mừng, trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt chưa bao giờ chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện đồng bộ và quyết liệt như vừa qua, đối với tỉnh Đồng Nai cũng vừa ban hành Kế hoạch số 4236/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2009 về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2009-2010 của tỉnh. Về giải pháp đến năm 2010, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ việc xây dựng cơ chế chính sách đến các giải pháp cụ thể như huy động nguồn lực tại chỗ; Thực hiện công khai, dân chủ trong xác định nhu cầu, lập kế hoạch dự án, thực hiện hài hòa lợi ích của các bên tham gia mô hình; Các doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết cần "ứng trước" vốn, đảm bảo người nghèo có vốn đầu tư sản xuất, phát triển quỹ hỗ trợ cộng đồng đễ hỗ trợ cho người dân, tránh trường hợp phải "bán lúa non" khi giáp hạt, mất mùa, dịch bệnh. Đối với đồng bào dân tộc, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phương thức " cầm tay chỉ việc", xây dựng mô hình trình diễn, hội nghị đầu bờ nhằm hướng dẫn cho người nghèo cụ thể, trực quan hơn; khuyến khích các doanh nghiệp cho người dân tham gia và có cổ phần đóng góp, thực hiện tín dụng theo hình thức "cho vay tay ba", tìm hướng ổn định thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp....
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo dẫn đến xóa nghèo bền vững, ngoài các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo phát triển kết cấu hạ tầng, các chính sách chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý…, trong công tác giảm nghèo cần chú trọng việc đào tạo nghề để người nghèo có công cụ tự vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Đây được xác định là giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện với phương châm “cho người nghèo cái cần câu chứ không chỉ cho con cá”. Chính vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã xác định mục tiêu năm 2009 hỗ trợ dạy nghề cho 1.700 hộ nghèo với kinh phí 2.260 triệu đồng. Đến năm 2010 dạy nghề cho 2.000 hộ nghèo với kinh phí 2.760 triệu đồng. Về nội dung, việc đào tạo cần nhắm đến đáp ứng nhu cầu của sản xuất, kinh doanh, trong đó, các tài liệu và chương trình đào tạo phải đảm bảo phù hợp với các cơ sở sản xuất, việc này sẽ giúp thực hiện đúng mục tiêu của đào tạo nghề là tăng khả năng giải quyết việc làm cho người nghèo.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, người nghèo còn cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và giáo dục nâng cao nhận thức, động viên ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo để vươn lên làm giàu của chính hộ nghèo, xã nghèo, tạo động lực to lớn, khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng xã hội. Nếu trước đây, qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005, một số cơ chế chính sách mang tính bao cấp kéo dài đã phần nào tạo ra tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng của một bộ phận người nghèo và xã nghèo. Thì giờ đây, việc xã hội hỗ trợ về cơ chế cho người nghèo tự lực vươn lên thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu sẽ là một điểm nhấn mới đầy lạc quan cho một giai đoạn phát triển kinh tế xã hội mới của đất nước, của địa phương.
Kim Chung
|
|
|