Trên cơ sở Nghị
quyết số 116/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng
Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030, vừa qua, Thường trực HĐND
tỉnh đã tiến hành giám sát UBND tỉnh và một số địa phương về kết quả thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020.
Qua giám sát cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết
định số 2836/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 về việc phê duyệt Chương trình phát triển
đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030; đồng
thời, chỉ đạo các sở ngành, các địa phương tổ chức triển khai các
chương trình, kế hoạch nhằm từng bước chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ
thống hạ tầng kỹ thuật;
tổ chức lập và phê duyệt các Chương trình phát triển đô thị của từng địa phương,
lập quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu và quy
hoạch chi tiết 1/500 các đô thị; phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo báo
cáo của UBND tỉnh, việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai
đoạn đến năm 2020 đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu phát triển đô thị, theo đó,
tại thời điểm giám sát toàn tỉnh có 11 đô
thị, trong đó có 01 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (thành phố Biên Hòa), 01 đô
thị loại III (thành phố Long Khánh), 02 đô thị loại IV (thị trấn Long Thành và
thị trấn Trảng Bom) và 07 đô thị loại V gồm thị trấn Định Quán (huyện Định
Quán), thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú), thị
trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất), thị trấn Gia Ray (huyện
Xuân Lộc), thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), thị trấn
Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) và đô thị Long Giao (huyện Cẩm Mỹ).
Để thực hiện các mục tiêu của chương trình phát triển đô thị tỉnh, theo
ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, trong giai đoạn
2016-2020 tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực cho phát triển đô thị, trong
đó, đã bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển, nâng cấp đô thị là 66.449,1 tỷ đồng,
đạt 44,66% so với nhu cầu vốn đầu tư của chương trình; bên cạnh đó, một số địa
phương đã chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trên
địa bàn như: Huyện
Cẩm Mỹ đã tập trung huy động được 673,61 tỷ đồng, đạt 55,67% nhu cầu vốn để đầu
tư kết cấu hạ tầng giao thông, giáo dục, điện, cấp thoát nước, y tế, cây xanh
đô thị. Đến nay, UBND huyện đã thực hiện lập đề án “Đề
nghị công nhận khu vực dự kiến hình thành lập thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ
đạt tiêu chí đô thị loại V” với diện tích theo địa giới hành chính xã Long Giao
hiện hữu khoảng 3.375ha. Thị xã Long Khánh đã bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển, nâng cấp đô thị là 803.466 triệu
đồng, đạt 49,92% nhu cầu vốn; đã triển khai đầu tư 152 dự án, trong đó có 89 dự
án đã hoàn thành, 56 dự án đang triển khai và 07 dự án chưa triển khai. Đến
nay, thị xã Long Khánh đã đạt tiêu chí của đô thị loại III và
nâng cấp lên thành phố trước 01 năm so với mục tiêu nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND
tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng ban VHXH HĐND tỉnh, Phó trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Trảng Bom
Để
xây dựng thị xã Long Khánh đạt tiêu chí đô thị loại III và nâng cấp lên thành
phố trước 01 năm so với mục tiêu nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Nải - Bí
Thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, quá trình triển khai xây dựng, phát triển thành phố Long
Khánh đạt các tiêu chí đô thị loại III và nâng cấp lên thành
phố, cấp ủy, chính
quyền thành phố đã tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư
phát triển hạ tầng kỹ thuật diện rộng; kịp thời, kiến nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành hỗ trợ thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến nay, bình quân thu nhập của người dân thành phố đã tăng đáng kể, mức
thu nhập bình quân năm 2017 đạt 109,5 triệu đồng/người/năm thì năm 2019 đạt 145,7 triệu đồng;
hệ thống đường giao
thông đô thị của thành phố được nhựa hóa là 98,2%; đường liên xã và đường trục
chính các xã được bê tông hoá, nhựa hoá đạt 100%; thành
phố đang thuê tư vấn nước ngoài lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy
hoạch chung xây dựng Long Khánh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 để từng
bước hoàn thiện, đầu tư các dự án phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật
góp phần phát triển kinh tế địa phương, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sống của nhân dân.
Về
xây dựng mạng lưới đô thị giai đoạn đến năm 2020, theo ý kiến của Đoàn giám
sát, quá trình thực hiện UBND tỉnh đã tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ
sở vật chất 4 đô thị động lực là Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom và Nhơn Trạch
gắn với các chức năng quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai và vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn nhiều khó khăn ảnh hưởng không
nhỏ đến kết quả thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn của từng đô thị như: Việc
gắn kết giữa quy hoạch chi tiết với quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ, dẫn đến
việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp giữa các quy hoạch.
Công tác lập phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tại các đô thị,
cũng như việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch không còn phù hợp triển khai chậm;
nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật diện rộng để cải thiện các tiêu chí đô thị
gặp nhiều khó khăn; việc đầu tư phát triển phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
đô thị, nước thải và vệ sinh môi trường chưa đồng bộ theo quy hoạch.
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Trưởng
đoàn giám sát ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận
sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và UBND tỉnh trong việc thực hiện chương
trình phát triển đô thị tỉnh. Đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của
UBND tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và nhận được sự đồng
thuận cao của người dân trên địa bàn để triển khai thực hiện chương trình, bước
đầu đã cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các quyết định,
chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh. Trong đó, đã tập trung huy động mọi nguồn
lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thực hiện
cơ bản mục tiêu đến năm 2020,
Biên Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I, thành phố Long Khánh đạt tiêu chí của đô
thị loại III và nâng cấp lên thành phố tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục
tiêu, nội dung giai đoạn 2021-2030. Việc công nhận một
số đô thị trong giai đoạn đến năm 2020 là cơ hội để tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn
thiện nâng cao chất lượng đô thị về mọi mặt, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh, là hạt nhân thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tạo điều
kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển nhanh, bền vững Chương trình phát triển
đô thị đã được phê duyệt, tiếp tục khắc phục, hoàn thiện các chỉ tiêu còn chưa
đạt, quyết tâm phấn đấu xây dựng phát triển đô thị toàn diện trên các lĩnh vực
kinh tế - văn hóa - xã hội.

Ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh
Tuy nhiên, theo Phó
Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh một số đô thị được công nhận nâng loại cũng còn
tiêu chí đạt thấp, tổng điểm các tiêu chuẩn mới đạt từ 84,35 - 95,18 điểm, chưa
có đô thị đạt điểm tối đa; một số nội dung chương trình phát triển đô thị chưa
bám sát Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND tỉnh, nguồn vốn bố trí trong
giai đoạn 2016-2020 mới đạt 44,66%, số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật
diện rộng hoàn thành đưa vào sử dụng đạt thấp; sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương chưa thống nhất, đồng bộ và chưa
kịp thời giải quyết những khó khăn liên quan đến chương trình phát triển đô
thị.
Để tiếp tục thực hiện
các mục tiêu, nội dung của chương trình trong giai đoạn 2021-2030, Phó Chủ tịch
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở,
ngành, địa phương tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chương trình phát triển đô
thị tỉnh giai đoạn đến năm 2020; kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc
theo ghi nhận của Đoàn giám sát để có giải pháp chỉ đạo thực hiện trong giai
đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Tăng cường công tác
tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng đô thị; thực hiện công khai dân chủ để tạo sự đồng thuận của người dân
trên địa bàn. Chỉ
đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương rà soát kết quả thực
hiện Nghị quyết số 116/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, để chủ động đề xuất, tham
mưu UBND tỉnh các giải pháp cho giai đoạn 2021-2030. Tập trung huy động và sử
dụng hiệu quả, hợp lý nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện
rộng. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn
đầu tư xây dựng các chương trình dự án trọng điểm giao thông kết nối các trung
tâm huyện lỵ. Tiếp tục rà soát các tiêu chí của đô thị theo từng
loại đô thị, tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu và
chưa đạt theo
Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo
Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 nhằm
cải thiện, nâng cao chất lượng đô thị làm cơ sở cho việc lập đề án nâng loại đô
thị theo lộ trình nâng loại đô thị tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày
07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh./.
Xuân Huyên.