Cái thời còn nhỏ xíu, tóc vàng hoe, đi đâu, làm gì, nói gì cũng thường lý giải bằng câu: má con dặn...
Rồi cứ thế lớn lên, tập hợp từ "má dặn" đã đi vào tiềm thức, cứ việc gì làm tốt, được khen lại xem như đấy là lời má dặn. Trong câu chuyện với anh em, bạn bè đôi khi vẫn pha thêm câu "má dặn". Có người cáu: Lớn rồi, sao không nói lời của mình, lúc nào cũng má dặn, má biểu... Biết thế nhưng hình như những điều tốt làm được đều có hình bóng của má, công của má.
Cuộc sống cứ trải dài ra, nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ, nhiều lời chèo kéo cứ cuốn đi. Thế rồi đôi khi giật mình: hình như đang xa lời má dặn? Thế nhưng lời má dặn vẫn còn trong nỗi nhớ. Có những lời rủ rê: đi chỗ này, đi chỗ kia, làm cái này, làm cái kia, vui lắm, hay lắm... Chối mãi không được đành nửa đùa nửa thật: Không được, má tôi dặn... Bạn bè cười châm biếm: Má dặn à, thôi còn nhỏ dại lắm, tha cho lần này! Lời má dặn như là thứ vũ khí cuối cùng hiệu quả để cuộc sống không cuốn con đi.
Dẫu có những lúc con nói về lời má dặn không theo đúng nghĩa của nó, như một cách pha trò, giả ngây ngô để gỡ bí; dẫu có những lúc con nói về lời má dặn chỉ như một câu cửa miệng, kiểu giả làm con ngoan nhưng con vẫn biết lời má dặn là lời thiêng liêng thức tỉnh con. Lời má dặn ngay cả khi do con đặt ra, tưởng tượng ra, nhưng khi mượn được danh má nó lại như bức thành an toàn bảo vệ con.
Con không ngại mọi người cười mình ngây ngô, con cứ đem theo những lời má dặn, cứ nói mãi cái điệp khúc quen thuộc, tự hào ấy. Bởi con biết ai ai cũng cần lời dặn của má mình!
Khôi Nguyên