Tuy nhiên , cho đến nay (trước khi Luật cư trú ban hành)các quy định nói chung vẫn còn tản mạn, mang nặng cơ chế xin, cho, trình tự thủ tục còn rườm rà, phức tạp chưa thật sự dân chủ, thống nhất dẫn đến việc vận dụng còn tùy tiện, gây khó khăn cho công dân. Bên cạnh đó , cũng có một thực tế là một bộ phận nhân dân chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng...tạo kẻ hở để các phần tử xấu lợi dụng tiến hành họat động xâm phạn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Luật cư trú được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2007 nhằm đáp ứng yêu cầu đăng ký, quản lý, cư trú trong tình hình mới. Luật bao gồm 2 nội dung chủ yếu đó là quyền tự do cư trú của công dân và việc đăng ký, quản lý cư trú.
Điều 1 của Luật quy định “cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”với khái niệm này phân biệt được với những trường hợp công dân không thường xuyên sinh sống tại một đia điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngòai nơi cư trú của họ ( trước đây gọi là cư trú vãng lai, nay theo luật này gọi là lưu trú).
- Một trong những điểm mới của Luật cư trú so với trước đây đó là quyền về nơi cư trú: bao gồm các quyền: Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan; Được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú; yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình; Khiếu nại, tố cáo khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về nơi cư trú theo quy đinh của pháp luật. Tuy nhiên tại điều 10 của Luật cũng nêu rõ những trường hợp hạn chế quyền tự do cư trú bao gồm những trường hợp sau : Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; người bị Tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, người đang bị quản chế; người bị áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chửa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.
- Nơi cư trú theo Điều 12 quy định là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, chỗ ở hợp pháp là một trong những điều kiện cần thiết để công dân được đăng ký cư trú, so với quy định hiện hành nơi ở hợp pháp được quy định theo hướng rộng hơn, bao gồm thứ nhất là: nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú , Nghị định 51/CP chỉ quy định nhà ở và phương tiện.
Thứ hai: Nhà ở được coi là chỗ ở hợp pháp có thể là nhà thuộc sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Quy định trước đây thì không cho đăng ký thường trú đối với trường hợp nhà ở là do mượn, ở nhờ ( trừ cán bộ, công chức được điều động, tuyển dụng đến làm việc ở thành phố, thị xã )
- Điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú (ĐKTT):So với quy định hiện hành Luật có một số quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là những người làm việc trong các doanh nghiệp , phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể:
+ Điều kiện ĐKTT tại tỉnh chỉ đòi hỏi cong dân có chỗ ở hợp pháp (trường hợp chổ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn,cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản)
- Điều kiện ĐKTT tại Thành phố trực thuộc Trung ương ngòai điều kiện chỗ ở hợp pháp còn thêm điều kiện khác đó là đã tạm trú liên tục tại thành phố từ một năm trở lên ( quy định hiện hành 3 năm).
+Thủ tục :So với quy định hiện hành , điều 21 luật cư trú quy định rất rõ nơi nộp hồ sơ, những giấy tờ cần thiết để ĐKKT cụ thể:
- Đối với thành phố trực thuộc TW thì nộp hồ sơ tại công an huyện, quận, thị xã;
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành pho thuộc tỉnh.
Ngày 11/4/2007, Bộ trưởng Công an ban hành Chỉ thị số 05/2007/CT-BCA về việc triển khai thi hành Luật Cư trú trong CAND, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm Luật Cư trú được thực hiện ngay từ ngày 1-7-2007 (thời điểm Luật có hiệu lực).
Chỉ thị yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy, tổ chức, lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác đăng ký, quản lý cư trú, nhất là cán bộ trực tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký cư trú của công dân; chấn chỉnh thái độ, tác phong, lời nói, cử chỉ của những cán bộ làm công tác này.
Phải công khai, minh bạch thủ tục giải quyết đăng ký cư trú, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc, giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Kiên quyết điều chuyển sang làm công tác khác những cán bộ thiếu năng lực, xử lý nghiêm nhưng cán bộ có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc, sách nhiễu, phiền hà cho dân.
Hy vọng, sắp tới đây thi hành Luật cư trú sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mọi người dân thực hiện tốt quyền tự do cư trú của mình theo Hiến pháp quy định, đồng thời, qua đó cũng đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý cư trú của Nhà nước trong tình hình mới, trong điều kiện Việt nam hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế.
Phương Anh